Thứ Ba, 27/07/2021 12:14

ĐHĐCĐ ACV: Lãi trước thuế 405 tỷ đồng trong quý 2

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) ghi nhận doanh thu 1,333 tỷ đồng và lãi trước thuế 405 tỷ đồng trong quý 2/2021, Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra vào sáng ngày 27/07.

ĐHĐCĐ thường niên 2021 của ACV được tổ chức trực tuyến vào sáng ngày 27/07.

Tại đại hội, ông Phiệt cho biết rất nhiều vướng mắc thể chế quan trọng của ACV đã được xem xét giải quyết trong năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2007 giao ACV quản lý khai thác khu bay, giai đoạn đầu không hình thành vốn Nhà nước và sau đó dần dần định giá để đưa vào phần vốn ACV. Tiếp theo là Nghị định 05/2021/NĐ-CP ngày 5/1/2021 đảm bảo quyền và trách nhiệm doanh nghiệp cảng trong đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng tại cảng hàng không. ACV đã có quyền đầu tư tại các cảng hàng không, nếu ACV không đủ khả năng làm thì mới kêu gọi nhà đầu tư khác.

Tổng giám đốc ACV nhấn mạnh đây là những tháo gỡ về mặt thể chế rất có ý nghĩa với tổng công ty, các vướng mắc này đều gây ra nhiều tranh cãi kể từ cổ phần hóa.

Lãi trước thuế 405 tỷ đồng trong quý 2

Trong quý 2/2021, doanh thu ước tính ở mức 1,239 tỷ (nếu không tính lợi ích từ khu bay) và ở mức 1,333 tỷ đồng (nếu tính tới lợi ích từ khu bay), còn lợi nhuận trước thuế ở mức 405 tỷ.

Ông Vũ Thế Phiệt chia sẻ thêm có những thời điểm sản lượng hành khách của ACV tăng rất mạnh, nhất là giai đoạn trước 30/04-01/05. “Đây là tín hiệu cho thấy ngành hàng không có thể phục hồi rất nhanh”, ông Vũ Thế Phiệt cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng hành khách chỉ ở mức 26.6 triệu, giảm 21% so với cùng kỳ. ACV ghi nhận doanh thu khoảng 4,509 tỷ đồng, trong đó doanh thu tài chính 1,749 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế khoảng 1,228 tỷ đồng, giảm 38.25% so với 2020.

Đáng chú ý, nếu không bao gồm doanh thu hoạt động tài chính, thì ACV đang bị lỗ 400 tỷ đồng.

Vietcombank cam kết cho ACV vay ở hạn mức 2.5 tỷ USD

ACV được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3, bao gồm các công trình thiết yếu cảng hàng không như khu bay, nhà ga, các công trình hạ tầng chung, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không...; hệ thống giao thông kết nối (tuyến số 1, 2).

Theo chia sẻ từ phía ACV, tổng mức đầu tư của dự án sân bay Long Thành ở mức hơn 99,000 tỷ đồng. Trong đó, ACV dự kiến dùng vốn tự có hơn 36,000 tỷ đồng và phần còn lại đến từ nguồn vốn khác (không sử dụng bảo lãnh Chính phủ).

“Khi trình báo cáo khả thi, chúng tôi đã làm việc với các tổ chức tài chính. Trong các MoU, các bên đã có những cam kết nhất định, trong đó các tổ chức tài chính cam kết cho vay 6 tỷ USD”, Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt chia sẻ.

Trong thời gian gần đây, ACV tích cực trao đổi và nhận được sự quan tâm từ nhiều tổ chức tài chính.

“Theo thông tin mới nhất, chúng tôi đã được Vietcombank (VCB) cam kết cho vay ở hạn mức 2.5 tỷ USD cho các dự án của ACV, trong đó sân bay Long Thành 1.5-2 tỷ USD, cả nội và ngoại tệ. Chúng tôi đang định hướng đàm phán để vay bằng tiền USDACV có nguồn thu bằng ngoại tệ. Vietcombank sẵn sàng cho vay trong 240 tháng”, ông Phiệt nói thêm.

Về lãi suất vay, ông Phiệt cho biết lãi vay của ACV sẽ không vượt lãi suất trong báo cáo khả thi, ở mức khoảng 5%.

“Hiện nay, chúng tôi đã có nguồn vốn tích lũy cho giai đoạn đầu. vay như thế nào thì sẽ còn tùy thuộc vào tiến độ. Dự kiến, giai đoạn giải ngân nhiều nhất sẽ rơi vào năm 2023-2024. Do đó, cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, ACV sẽ phải tiến hành thủ tục vay để có thể giải ngân vào năm 2023-2024”, ông Phiệt cho biết.

Kế hoạch lãi trước thuế tăng 18%

Cho năm 2021, ACV lên kế hoạch tổng doanh thu 10,654 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 2,359 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 18% so với thực hiện năm 2020. Kế hoạch này được lập ra dựa trên giả định dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào tháng 8/2021.

Trong năm nay, ACV dự kiến giải ngân gần 5,000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, đáng chú ý nhất là đầu tư xây dựng Nhà ga T3 – CHKQT Tân Sơn Nhất; mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - CHKQT Nội Bài; Nhà ga T2 - CHKQT Phú Bài; Nhà ga hàng hóa CHKQT Đà Nẵng; CHKQT Long Thành (giai đoạn 1); Đầu tư xây dựng CHK Điện Biên;

Không chia cổ tức

Về phương án phân phối lợi nhuận, ACV chỉ trích quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động, trích quỹ thưởng của người quản lý, và sẽ không chia cổ tức năm 2020. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ACV không chia cổ tức.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của ACV để đầu tư tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Việc này nhằm tạo điều kiện cho ACV có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đã được nhà nước giao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   CRE: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2021 (27/07/2021)

>   CMG: Điều lệ công ty sửa đổi bổ sung (27/07/2021)

>   SVH: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2021 (27/07/2021)

>   QPH: Báo cáo tài chính quý 2/2021 (công ty mẹ) (27/07/2021)

>   PIS: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2021 (27/07/2021)

>   VPA: Ký hợp đồng kiểm toán (27/07/2021)

>   SIP: Nghị quyết Hội đồng quản trị (27/07/2021)

>   VGV: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2021 (27/07/2021)

>   VTG: Ký hợp đồng kiểm toán (27/07/2021)

>   TBD: Báo cáo tài chính Quý II/ 2021 (mẹ + hợp nhất) (27/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật