Cần gói hỗ trợ dài hơn cho người dân
Chính phủ đã và đang thực hiện một số gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn cần tiếp tục thực hiện nhiều hơn nữa.
Người dân đang bị ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19 và cần được hỗ trợ nhiều hơn. Ảnh: Phạm Thu Ngân
|
Đẩy nhanh giải ngân gói 26.000 tỉ đồng
Từ ngày 1.7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ lần hai có tổng kinh phí hơn 26.000 tỉ đồng, bổ sung 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, người lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác được hỗ trợ tối thiểu 1,5 triệu đồng/người hoặc 50.000 đồng/ngày. Báo cáo từ Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trước Quốc hội cho thấy gói hỗ trợ này đã được thực hiện nhanh chóng nhưng vẫn chưa hoàn tất. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao cho các bộ ngành nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ và kích thích kinh tế dự kiến 23.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ người dân thông qua việc làm ngắn hạn như sửa chữa đường sá; trồng cây xanh, làm đẹp cảnh quan công cộng và ưu tiên người thuộc diện hộ nghèo, người mất việc làm không được hưởng trợ cấp thất nghiệp... Ngoài ra, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, thiết kế gói hỗ trợ mới trị giá khoảng 24.000 tỉ đồng và đề xuất Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...
Để có nguồn lực, Chính phủ nên điều chuyển ngân sách từ các nguồn khác như cắt khoản chi tiêu không cấp bách, vốn đầu tư từ các dự án chưa cần thiết hay thậm chí đi vay cũng là một phương án có thể tính đến để chi hỗ trợ người dân.
|
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cần nhất vẫn là tiếp tục đẩy nhanh thực hiện hoàn thành gói 26.000 tỉ đồng. Sau đó sẽ tiếp tục xem xét đưa ra gói hỗ trợ mới phù hợp và bổ sung cho những khiếm khuyết của chính sách vừa qua như mở rộng đối tượng hỗ trợ, kéo dài thời gian cũng như mức hỗ trợ như thế nào. Chẳng hạn như gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng hiện chi tiền trực tiếp cho người lao động tự do 1,5 triệu đồng/người và được một lần mà không quan tâm đối tượng nào còn phải nuôi cả gia đình. Hoặc có trường hợp sinh viên, người lao động khác không phải là đối tượng được hỗ trợ theo quy định hiện nay nhưng họ cũng không còn thu nhập và nguy cơ bị đói khi phải ở nhà. Trong khi đó, đối tượng người dân chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 cần được hỗ trợ sẽ gia tăng hơn khi ngày càng nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và thời gian thực hiện cũng kéo dài hơn.
Mở rộng lên 3 - 6 tháng?
TS Lý Ngọc Điệp, giảng viên Đại học Auckland (New Zealand), Trưởng nhóm kinh tế - dự án TP.HCM thuộc Hội Khoa học và chuyên gia VN toàn cầu (AVSE Global), phân tích tính đến cuối tháng 4.2021, VN đã chi 1,4% GDP cho các gói hỗ trợ trực tiếp và chi phí công chống dịch cộng với 0,5% cho các khoản vay hỗ trợ, thấp hơn mức trung bình của các nước trong nhóm quốc gia đang phát triển. Việc cần làm bây giờ là giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Ngoài việc hỗ trợ tài chính trực tiếp, Chính phủ nên làm việc với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ giãn trả nợ hoặc tái cơ cấu khoản nợ cho doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng tài chính do dịch. Chính phủ cũng nên khuyến khích và hỗ trợ những ngành không thiết yếu và không thể làm việc từ xa, các ngành có thể bị ảnh hưởng nặng nhất chủ động tìm hướng đi mới, cách làm mới, sản phẩm/dịch vụ mới phù hợp để có thể tiếp tục duy trì hoạt động...
TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, lại cho rằng giai đoạn này Chính phủ cần tăng thêm quy mô gói hỗ trợ trực tiếp hơn nữa cho các đối tượng có thu nhập thấp, nhất là khi số lượng các tỉnh thành phải thực hiện giãn cách mạnh hơn, dài ngày hơn ngày càng nhiều.
Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nhận định: Trong bối cảnh hiện tại, khả năng áp dụng Chỉ thị 16 hoặc mạnh hơn cho nhiều tỉnh thành. Tình hình có thể kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn nữa cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Để việc thực thi các quy định được nghiêm và người dân yên tâm ở nhà hơn, nhà nước cần có ngay gói hỗ trợ cho toàn dân tương đương với nhu cầu lương thực thực phẩm và tiêu thụ điện trong 6 tháng của nhóm có thu nhập thấp nhất.
Ông Du tính toán dựa vào mức tiêu thụ bình quân các mặt hàng thiết yếu trong điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2020, thông báo giá ngày 5.7 của Sở Tài chính Cà Mau... thì nhu cầu chi tiêu tối thiểu hằng tháng cho hàng hóa thiết yếu là 567.000 đồng/người/tháng, tương đương 3,4 triệu đồng/người/6 tháng. Như vậy, tổng gói hỗ trợ cho 6 tháng là 334.000 tỉ đồng, tương đương với 5% GDP ước tính cho năm 2021 của cả nước. Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu gánh nặng ngân sách, theo ông Du, có thể chọn phương án trước mắt hỗ trợ 3 tháng sẽ tương đương với 2,5% GDP. Nếu muốn giảm nữa, có thể giảm số thịt tiêu thụ còn một nửa (phần này chiếm gần 40% tổng chi tiêu), như vậy gói hỗ trợ tương đương với 2% GDP ước tính năm 2021. Với gói hỗ trợ này, những người khá giả hơn có thể dùng để làm từ thiện cho những người yếu thế hơn. Khi đó cơ chế phân phối lại qua cộng đồng sẽ làm mọi thứ trở nên phù hợp và công bằng hơn. Trước tiên Chính phủ có thể đi vay tiền hoặc cách cuối cùng là dùng tiền in của Chính phủ (bản chất cũng là vay) để chi tiêu.
Mai Phương
Thanh niên
|