Bộ Xây dựng: Đất nền giảm giá 10-20%
Sau cơn sốt đất nền đầu năm, đến nay thị trường này đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10 – 20%. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn thấp. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản bán lẻ, du lịch nghỉ dưỡng và phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn...
Bộ Xây dựng vừa công bố một Báo cáo toàn cảnh về kết quả thực hiện của toàn ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Trong đó, nhấn mạnh đến giá căn hộ chung cư tại các địa phương tiếp tục có xu hướng tăng theo quý.
GIÁ NHÀ Ở TĂNG, BẤT ĐỘNG SẢN DỊCH VỤ GIẢM
Cụ thể, trong quý 2 vừa qua, tại Hà Nội và TP.HCM, giá căn hộ đều tiếp tục tăng 2-7 % so với quý 1 do khan hiếm nguồn cung mới. Giá nhà ở tại nhiều địa phương cũng tiếp tục tăng nhẹ, với mức tăng khoảng 3%. Một số địa phương có mức giá bình quân khá cao và tăng đều so với mặt bằng chung của cả nước là : Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều nơi đã tăng 5-9% so với quý 1.
Ngược lại, giá bất động sản cho thuê như căn hộ dịch vụ, văn phòng… vẫn tiếp tục xu hướng giảm nhẹ, khoảng 1-3%. Riêng mặt bằng bán lẻ, nhà phố, giá cho thuê đã giảm 10 -30% tại các thành phố lớn.
Về phân khúc đất nền, Bộ Xây dựng cho biết, đầu năm, đã có hiện tượng “sốt đất” nền cục bộ tại một số khu vực trên cả nước. Để ngăn chặn, xử lý hiện tượng “sốt đất” ảo, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình thị trường bất động sản. Đến nay, thị trường này đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10 – 20% so với thời kỳ sốt nóng. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn thấp.
Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù ngành xây dựng tăng 5,59%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 là 4,54% nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra tại Kịch bản tăng trưởng được Chính phủ dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2017.
|
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nhận định, thị trường đang thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Thông tin về thị trường bất động sản hiện vẫn chưa đầy đủ.
Công tác phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được 41,7% so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn do lợi nhuận thấp.
Cùng với khó khăn về nguồn vốn, thì diễn biến phức tạp của đại dịch cũng làm chậm tiến độ các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước mới có 6 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng.
ĐẢM BẢO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH
Trong công tác quản lý xây dựng, 6 tháng đầu năm, thanh tra xây dựng đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư. Qua đó, đã yêu cầu nhiều chủ đầu tư quyết toán để chuyển trả kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư số tiền 338,6 tỷ đồng; Buộc trả lại cho người dân 2.080m2 thuộc diện tích sở hữu chung đã bị chiếm dụng; Xử phạt vi phạm hành chính 8 chủ đầu tư với số tiền 1,03 tỷ đồng; Cảnh cáo một số chủ đầu tư do cung cấp hồ sơ tài liệu không đầy đủ, thiếu trung thực…
Ngoài ra, các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng cũng phát hiện một số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, chất lượng công trình xây dựng thấp… Nguyên nhân là do thiếu vai trò quản lý, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, do áp dụng không đúng các định mức kinh tế - kỹ thuật, do hạn chế về năng lực hoặc thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng bộ với các chính sách, pháp luật có liên quan; Tiếp tục đôn đốc các địa phương thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 563.700 tỷ đồng, tăng 5,59% so với cùng kỳ, đạt cao hơn một số khu vực khác như nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 3,82%); khu vực dịch vụ (tăng 3,96%). Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới tăng 44,8%; xây dựng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
|
Đồng thời sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, bảo đảm chỗ ở an toàn cho người dân; tạo nguồn lực phát triển nhà ở xã hội và góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở, nhà công vụ, công sở và thị trường bất động sản tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, tổng hợp công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản toàn quốc theo quy định, đôn đốc các địa phương thực hiện công bố thông tin về thị trường này.
Nhiệm vụ quan trọng nữa là tiếp tục theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản. Trên cơ sở đó, tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương kiểm soát, quản lý nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh.
Phan Nam
VnEconomy
|