Ai ngăn cản Luật Thuế tài sản với nhà và đất?
Phải đánh thuế tài sản với nhà, đất thì mới tăng nguồn thu ngân sách và tạo lập thị trường bất động sản bền vững. Đó là ý kiến đề xuất của các ý kiến tham gia tại buổi toạ đàm đối thoại chính sách "Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất tại Việt Nam" sáng 9/7, tại Hà Nội...
Tỷ lệ thu thuế tài sản/GDP ở một số quốc gia. Nguồn: Tổng hợp từ tọa đàm
|
Tọa đàm do Đại học Kinh tế Quốc dân và Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 9/7 tại Hà Nội đã nhận được nhiều sự quan tâm của các diễn giả đến từ nhiều cơ quan tổ chức. Tại đây, các diễn giả cùng cho rằng, ở các quốc gia phát triển, thuế tài sản đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, chiếm tỷ lệ trung bình 3 - 4% so với tổng thu thuế.
THIẾT LẬP LUẬT THUẾ TÀI SẢN ĐỂ TĂNG THU NGÂN SÁCH
Xét trong giai đoạn 2005 - 2013, tỷ lệ thu thuế tài sản/GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á khoảng 2%/GDP, trong khi ở Nhật Bản, tỷ lệ này lên đến 8%.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP, thấp hơn hàng trăm lần so với các quốc gia phát triển và mới chỉ điều tiết đối với đất.
Theo tính toán của Numbeo, một trang web dữ liệu lớn nhất về các thành phố và quốc gia trên thế giới, chỉ số giá bất động sản/thu nhập của Việt Nam cao thứ 17 toàn cầu và thứ 13 so với Châu Á. Năm 2021, chỉ số này của Việt Nam hiện là 19,75 lần, cao hơn Singapore, Nhật Bản, gấp đôi Ấn Độ và Malaysia.
|
Trao đổi với phóng viên VnEconomy tại buổi tọa đàm này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, khi giá đất tăng lên, nhà nước không thu thêm được ngân sách, mà chủ yếu, người hưởng lợi lại là đại gia đất đai hay cán bộ quan chức sở hữu nhà, đất.
Việc tăng tỷ suất thuế, định giá đúng thửa đất là việc nhà nước phải làm. Có như vậy, mới “hãm” được tình trạng đầu cơ đất đai và tăng thu cho ngân sách.
Cùng quan điểm trên, TS. Hoàng Kim Huyền, Phó Trưởng ban Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chỉ rõ, thứ nhất, sự thất bại của cơ chế điều tiết cung - cầu và giá của thị trường quyền sử dụng tác động tiêu cực tới bền vững nợ công, gây thất thu ngân sách nhà nước, tác động tiêu cực tới bền vững tài khóa.
Khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của UBND cấp tỉnh được sử dụng chủ yếu để tính thuế, phí và lệ phí liên quan đến đất đai. Khi căn cứ này được định giá thấp hơn nhiều lần so với giá thực tế trên thị trường, nguồn thu ngân sách nhà nước từ các khoản thu này sẽ bị sụt giảm rất nhiều so với thực tế.
Thứ hai, sẽ nảy sinh nhiều kẽ hở để tham nhũng chính sách đất đai. Do hạn chế trong xây dựng quy hoạch, thiếu minh bạch trong quản lý đất đai, yếu kém trong ban hành và tổ chức thực thi chính sách tạo quỹ đất tạo kẽ hở pháp lý cho những nhóm người có quyền lực sử dụng đất thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế để hưởng lợi, đặc biệt là tư lợi cho bản thân và nhóm mình.
Thứ ba, lãng phí tài nguyên quốc gia, triệt tiêu động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguồn lực đất đai bị rơi vào tay của nhóm lợi ích, gây bất bình đẳng trong xã hội và khiếu kiện của người dân.
“Các xung đột lợi ích trầm trọng bị vi phạm trong khung khổ pháp luật điều tiết thị trường này khiến tham nhũng chính sách, thao túng nguồn cung và giá trên thị trường. Đồng thời, thúc đẩy đầu cơ ở phía cầu trong khi thiếu công cụ chính sách giảm thiểu cầu đầu cơ”, bà Huyền nhấn mạnh.
AI KHÔNG MUỐN CÓ LUẬT THUẾ TÀI SẢN?
Theo ông Đặng Hùng Võ, về mặt quản lý, sắc thuế tài sản, phổ biến nhất là thuế bất động sản được thực hiện ở các nước G7, OECD, hay các nước công nghiệp mới. Hiện nay, hội nhập kinh tế mở toang, đến lúc giảm toàn bộ thuế xuất nhập khẩu, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng rõ rệt. Nếu Việt Nam đưa ra sắc thuế này sẽ tăng thu cho ngân sách địa phương, cứu cánh ngân sách. Đây là thông lệ quốc tế, Việt Nam không thể lừng chừng mãi được.
“Tôi biết, có nhiều cán bộ quản lý cấp cao đều phản đối luật này lấy lí do động đến lòng dân. Nhưng thực chất, nếu Luật Thuế tài sản được thông qua, sẽ tác động đến lợi ích của những người cầm cân nảy mực, khiến họ không muốn quyết định. Tăng thuế bất động sản là cần thiết, ai thuộc diện khó khăn, nhà nghèo, sẽ sử dụng biện pháp miễn giảm”.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
|
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có trên 90% quốc gia thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau.
Còn ở Việt Nam thì sao? Luật thuế Tài sản đã được đưa ra bàn thảo từ năm 2000. Lần gần nhất được đưa bàn luận khi Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật thuế Tài sản vào đầu năm 2018, nhưng lần nào cũng đưa ra lấy ý kiến, xong lại cất đi.
Ông Đặng Hùng Võ nói: “Tôi biết, có nhiều cán bộ quản lý cấp cao đều phản đối luật này lấy lí do động đến lòng dân. Nhưng thực chất, nếu Luật Thuế tài sản được thông qua, sẽ tác động đến lợi ích của những người cầm cân nảy mực, khiến họ không muốn quyết định. Tăng thuế bất động sản là cần thiết, ai thuộc diện khó khăn, nhà nghèo, sẽ sử dụng biện pháp miễn giảm”.
Gần đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng mang dấu hiệu đầu cơ, lướt sóng và đánh thuế tài sản nhằm ổn định thị trường bất động sản.
HoREA cũng kiến nghị đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh sẽ chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ, có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ. Việc chậm đưa đất vào sử dụng cũng nên đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.
Tuy nhiên, bà Hoàng Kim Huyền lưu ý, thuế tài sản sẽ bị vô hiệu hóa nếu nút thắt trong khuôn khổ pháp lý về quy hoạch và đất đai không được tháo gỡ triệt để. Do vậy, thuế tài sản chỉ nên áp dụng khi các giải pháp nêu trên được thực thi, giá đất được định giá công khai, minh bạch và phản ánh đúng, đủ và kịp thời giá trị thị trường.
Tỷ lệ thu thuế tài sản/GDP ở một số quốc gia. Nguồn: Tổng hợp từ tọa đàm
|
Ngoài ra, để thuế tài sản hoạt động hiệu quả, linh hoạt và mang lại nguồn thu bền vững trên cơ sở cân đối hài hòa lợi ích giữa nhà nước – doanh nghiệp – dân cư.
Theo đó, chính quyền địa phương được phép linh hoạt trong việc điều chỉnh hệ số thuế với các loại tài sản, đối tượng chịu thuế cụ thể phù hợp với chiến lược, chính sách phát triển của địa phương. Đồng thời, thuế tài sản cần phải là thuế lũy tiến ở mức cao để ngăn tình trạng đầu cơ đất đai. Đầu cơ đất đai không chỉ làm giảm tính hữu hiệu của chính sách tiền tệ, quan trọng hơn, đất đai là đầu vào của nền kinh tế, tình trạng đầu cơ đất đai khiến một nguồn lực tài nguyên lớn không tạo ra giá trị gia tăng bền vững.
Bổ sung thêm, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, phải phân tán quyền lực của khu vực nhà nước và áp dụng thể chế “quản trị đất đai” dựa trên sự tham gia của tổ chức, công dân với điều kiện công khai, minh bạch thông tin quản lý; cơ quan nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình trước sự giám sát của tổ chức, công dân.
"Cầu do đầu cơ về quyền sử dụng đất bị thổi phồng do thiếu vắng chính sách thuế, phí nhắm vào đầu cơ quyền sử dụng đất, như thuế tài sản, phí phạt khi sở hữu nhưng để bất động sản đó hoang hóa, ảnh hưởng xấu tới môi trường, cảnh quan xung quanh. Cầu đầu cơ cũng gia tăng khi Việt Nam chưa có thuế tài sản lũy kế cho những cá nhân, hộ gia đình sở hữu tới bất động sản thứ hai, thứ ba,..
Các thất bại của công cụ điều tiết cung và giá trên thị trường đã dẫn tới thị trường tồn tại quá nhiều khoảng mờ về thông tin. Thiếu minh bạch, bất đối xứng thông tin luôn là môi trường lý tưởng cho đầu cơ phát triển. Cầu đầu cơ càng lớn, càng nằm ngoài kiểm soát, thì giá cả trên thị trường giao dịch quyền sử dụng đất càng cao và biến động mạnh, khả năng tiếp cận nhà ở, đất kinh doanh, đất nông nghiệp của cầu thực càng yếu đi.
Cầu thực về quyền sử dụng đất của cá nhân và hộ gia đình theo văn hóa “an cư lạc nghiệp” của người Việt là rất lớn. Tuy nhiên, lực lượng cầu này ngày càng bị giới hạn bởi khoảng cách ngày một lớn giữa thu nhập và giá quyền sử dụng đất".
Bà Hoàng Kim Huyền, Phó Trưởng ban Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
|
Ánh Tuyết
VnEconomy
|