Xuất khẩu giày dép sang EU tăng mạnh nhờ "cú huých" EVFTA
Sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường EU dần hồi phục trở lại.
Giày thể thao được xuất khẩu nhiều nhất sang EU trong quý I/2021
|
Là mặt hàng xuất khẩu chủ lực số một của Việt Nam sang thị trường EU, nhưng thuế suất thuế nhập khẩu đối với giày dép, vali, túi xách vào thị trường EU tương đối cao, từ 2 - 17%.
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, da giày được đánh giá là một trong những ngành hàng hưởng lợi lớn từ hiệp định khi EU cam kết xóa bỏ thuế quan 100% đối với các mặt hàng giày dép của Việt Nam, với lộ trình dài nhất là 7 năm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường EU dần hồi phục trở lại, đặc biệt là trong quý 1/2021. Kể từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021, đã có 6 tháng xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang EU tăng (trừ tháng 2/2021, xuất khẩu sang EU giảm do nghỉ Tết Nguyên đán).
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TĂNG TRÊN 19%
Trong quý 1/2021, ngành da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, xuất khẩu giày dép sang EU tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tại cùng thời điểm quý 1/2020 chỉ tăng 0,1% và quý 1/2019 tăng 11,9%. Đặc biệt, xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng mạnh ở mức hai con số: Bỉ tăng 37,0%, Hà Lan tăng 23,4%; Italia tăng 14,3%, Tây Ban Nha tăng 39,2%, CH Séc tăng 36,5%, Thụy Điển tăng 30,8%...
Về cơ cấu mặt hàng, giày thể thao của Việt Nam đã tận dụng rất tốt ưu đãi này, khi kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng mạnh và là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này. Theo thống kê, xuất khẩu chủng loại giày thể thao: giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục, mũ giày bằng vật liệu dệt... sang EU trong quý 1/2021 đạt 370,48 triệu USD (chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép sang EU), tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định dù dịch Covid vẫn còn, thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm ra hướng đi phù hợp, thị trường giày dép thế giới dần sôi động trở lại. Việc các nước tiêm chủng rộng rãi vaccine phòng Covid-19 đã tăng niềm tin, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng da giày tăng trở lại. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.
TẬN DỤNG TỐT QUY TẮC XUẤT XỨ TRONG EVFTA
Quy tắc xuất xứ theo cam kết trong EVFTA, sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ ngoại khối, ngoại trừ các bộ phận lắp ghép từ mũi giày và đế giày. Tiêu chí xuất xứ này được xem là chặt hơn so với một số FTA khác nhưng không phải là tiêu chí mới đối với ngành giày dép do trước đó giày dép đã xuất khẩu sang EU với tiêu chí tương tự trong GSP. Đây là thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp giày dép Việt Nam.
Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang thị trường EU. Ngoài ra, ngành giày dép Việt Nam cũng có lợi thế khi hiện nay phần lớn các nước xuất khẩu giày dép vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU.
Đặc biệt, khi so với mặt hàng dệt may, cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU, tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng da giày trong EVFTA tương đối linh hoạt.
Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/12/2020, kim ngạch hàng da giày của Việt Nam (bao gồm giày dép và các mặt hàng túi xách, ví, vali...) xuất khẩu sang EU được các cơ quan, tổ chức được cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA là 1,37 tỷ USD. Con số này đã đạt 1,17 tỷ USD trong quý 1/2021.
Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp và Italia là các thị trường xuất khẩu có kim ngạch cấp C/O đối với mặt hàng da giày cao nhất. Đây đều là những thị trường nhập khẩu truyền thống của hàng da giày Việt Nam trong khối EU.
|
Riêng trong quý 1/2021, tỷ lệ mặt hàng giày dép xuất khẩu sang thị trường EU có sử dụng C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA là 98,98%. Bỉ và Đức là hai thị trường có kim ngạch cấp C/O mẫu EUR.1 lớn nhất, lần lượt đạt 380 triệu USD và 207,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 32,4% và 17,7% trong tổng trị giá C/O cấp cho hàng da giày xuất khẩu sang thị trường EU.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O cao bao gồm: túi xách có mặt ngoài bằng plastic hoặc vật liệu dệt, giày thể thao, giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastics hoặc da và giày dép có đế ngoài và mũ bằng cao su hoặc plastics.
THÁCH THỨC CẦN VƯỢT QUA
Chuyên san về EVFTA quý 1/2021 của Cục Xuất nhập khẩu đánh giá mặc dù các FTA có hiệu lực đem lại cơ hội rất lớn cho xuất khẩu ngành giày dép của Việt Nam, nhưng khả năng tận dụng được cơ hội vẫn là thách thức với nhiều doanh nghiệp.
Đơn cử, những vấn đề mà các doanh nghiệp ngành giày dép trong nước gặp phải là: chi phí vận chuyển, giao hàng xuất khẩu (số lượng container quá khan hiếm) và giá thuê container tăng mạnh.
Bên cạnh đó, việc phát triển nguyên phụ liệu vẫn chủ yếu kêu gọi và phụ thuộc vào khối đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước nguồn lực yếu, rất ít doanh nghiệp đủ khả năng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện 60% nguyên phụ liệu của ngành vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Dù tiêu chí xuất xứ cho mặt hàng da giày trong EVFTA tương đối linh hoạt và cho phép nhập khẩu nguyên liệu ngoài khối để sản xuất hàng hóa, song việc đứt gánh chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian cũng là hồi chuông báo động cho ngành sản xuất da giày trong nước khi phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề về chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sẽ rất bị động.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ. Tập trung phát triển cân bằng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để phục vụ sản xuất xuất khẩu trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành da giày cần quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững, bởi trong các FTA thế hệ mới đều đề cập tới các nội dung về phát triển bền vững.
Mặt khác, cần chú trọng hơn nữa đến xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm khi đưa ra thị trường phải được công bố tiêu chuẩn cho dù đó là tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự đưa ra như: độ bền, độ chịu mài mòn, độ bền màu... Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang thiếu điều này trong marketing sản phẩm và chưa thể hiện được hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Trong khi đó, đây mới là yếu tố tạo nên giá trị thương hiệu một cách bền vững.
“Sản xuất sản phẩm giày dép có chất lượng và giá trị cao đòi hỏi đội ngũ nhân lực giỏi chuyên môn, sáng tạo, có khả năng thích ứng với những chuyển giao công nghệ. Vì vậy việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0 cần được đặc biệt chú trọng. Hiệp hội, doanh nghiệp có thể kết hợp với các cơ sở đào tạo thiết kế bài giảng theo hướng công nghệ gắn liền thực tiễn, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển”, Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Song Hà
VnEconomy
|