Trị bệnh chứng khoán, phải tận gốc
Trị bệnh, phải tận gốc. Từ thực trạng nghẽn lệnh và cách xử lý của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) và HoSE cho thấy công tác quản lý thị trường chứng khoán còn nhiều điều phải chấn chỉnh.
Quyết định thanh tra hành chính Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) do Bộ Tài chính ban hành xem ra quá chậm so với những gì diễn ra nhiều tháng qua và vẫn chưa đủ.
HoSE thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước - nơi trực tiếp quản lý và giám sát thị trường chứng khoán, cũng là nơi giúp bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực này.Vì vậy, thị trường chứng khoán có vấn đề, trách nhiệm không chỉ có HoSE.
Trị bệnh, phải tận gốc. Từ thực trạng nghẽn lệnh và cách xử lý của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) và HoSE cho thấy công tác quản lý thị trường chứng khoán còn nhiều điều phải chấn chỉnh.
Đừng nghĩ rằng có hệ thống giao dịch mới, hết nghẽn lệnh là xong. Một khi thị trường có thêm nhà đầu tư, quy mô lớn hơn, phát triển nóng hơn… sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mà ngay từ bây giờ không xử lý sẽ để lại hậu quả.
Như từ tình trạng nghẽn lệnh, một số nhà đầu tư lên tiếng về sự không minh bạch của một số công ty chứng khoán khi công ty cũng là một nhà đầu tư.
Đặc biệt gần đây có nhiều nhà đầu tư mới, dễ dao động trước thông tin của công ty chứng khoán dưới dạng "tư vấn, khuyến nghị nhưng không chịu trách nhiệm", họ là nạn nhân của những cơn bán tháo hoặc mua bằng mọi giá.
Làm sao để các công ty chứng khoán và nhân viên chứng khoán công tâm với nhà đầu tư, không để lợi nhuận làm mờ mắt, dẫn đến xung đột quyền lợi với nhà đầu tư? Thực trạng này ra sao, chấn chỉnh thế nào, SSC phải làm rõ. Có vậy mới hoàn thiện pháp luật về hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán và bảo vệ nhà đầu tư cá nhân.
Chúng ta tự hào thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng thuộc hạng "ngôi sao" nhưng nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút vốn, gần 1,5 tỷ USD. Có thể họ làm thế với nhiều thị trường khác, tuy nhiên vì sao Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhưng với chứng khoán lại không?
Cả nước chăm chút thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng thu hút vốn gián tiếp (FII) liên tục bị kêu ca, nay rút vốn triền miên. Bộ Tài chính đã làm gì để xây dựng môi trường đầu tư, kiến tạo thị trường đưa dòng vốn trở lại Việt Nam?
Đâu chỉ nước ngoài, nhà đầu tư trong nước cũng oải với cung cách quản lý thị trường của cơ quan quản lý. Vụ nghẽn lệnh, dù kéo dài đã lâu, nhà đầu tư bức xúc nhưng Bộ Tài chính, SSC bình chân như vại, ít trả lời hay giao tiếp với nhà đầu tư?
Khi nghẽn lệnh bùng lên, chỉ khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, Bộ Tài chính mới có thông báo về "tổ công tác do thứ trưởng làm tổ trưởng" giải quyết dứt điểm nghẽn lệnh theo nguyên tắc "giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư". Vậy mà, tình hình chỉ tệ đi!
Mới đây một vài công ty chứng khoán hùa nhau tắt chức năng hủy, sửa lệnh, vi phạm quyền của nhà đầu tư nhưng không "tiếng còi" nào cất lên. Thậm chí còn được xem đó là "sáng kiến" để chống nghẽn lệnh!?
Vì vậy, chỉ thanh tra hành chính HoSE để xoa dịu dư luận sẽ không thấy hết được bệnh trì trệ trong quản lý cũng như sóng ngầm trên thị trường chứng khoán. Hơn nữa, trong nhiều tháng nghẽn lệnh, hằng ngày có vài ngàn tỉ bị gạt ra khỏi thị trường.
Cứ 1.000 tỉ đồng giá trị giao dịch bị nghẽn, không vào thị trường, ngân sách nhà nước mất 1 tỉ đồng thuế thu nhập cá nhân. Bấy nhiêu đó cũng đủ để làm rõ ai phải chịu trách nhiệm, không chỉ là HoSE.
THANH TUYỀN
Tuổi trẻ
|