TP.HCM: Lập thêm chốt kiểm soát ở quận giáp ranh để giảm áp lực cho Q.Gò Vấp
Vào giờ cao điểm, khi lượng phương tiện qua chốt kiểm soát ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) đông thì kiểm tra theo xác suất, khi thấp điểm thì tăng tỷ lệ kiểm soát lên hoặc kiểm soát chặt chẽ 100%.
Lực lượng chức năng làm việc hết công suất, liên tục giải thích về việc kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: Độc Lập
|
Chiều 1.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng lãnh đạo các sở ngành đã làm việc với Q.Gò Vấp để tháo gỡ các khó khăn của địa phương này sau 2 ngày áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng.
Ông Dương Anh Đức cho biết trong 2 ngày qua, hoạt động các chốt kiểm soát giao thông trên địa bàn Q.Gò Vấp giống như trạm BOT, khi tắc đường phải xả trạm. Ông Đức khẳng định việc lập chốt là đúng nhưng cần điều chỉnh, phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, cần có sự phối hợp với các địa phương giáp ranh để giảm tải các vị trí lập chốt. “Sau hôm nay, anh Dũng (ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp - PV) làm việc, có thể theo hình thức trực tuyến với các địa phương giáp ranh, cân nhắc các vị trí lập chốt”, ông Đức đề nghị và nhấn mạnh các địa bàn giáp ranh cần xem đây là nhiệm vụ chứ không phải Q.Gò Vấp nhờ vả, nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch trên địa bàn thành phố nói chung và Q.Gò Vấp nói riêng. Chốt kiểm soát trên địa bàn nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm.
Ông Dương Anh Đức đề nghị Q.Gò Vấp áp dụng linh hoạt các giải pháp để kiểm soát người và phương tiện qua các chốt. Ảnh: Sỹ Đông
|
Về phương pháp kiểm soát người và phương tiện qua các chốt, ông Đức đề nghị kiểm tra theo xác suất dựa trên mật độ lưu thông cụ thể trên các tuyến đường. Ông Đức lý giải mức độ nguy hiểm từng nơi trên địa bàn Q.Gò Vấp khác nhau, trong đó cần tập trung vào những điểm xung quanh khu cách ly, phong tỏa. Những điểm này có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị 16 và hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của quận nhằm đảm bảo an toàn.
Đối với các chốt kiểm soát, ông Đức cho rằng cần thiết lập 2 hệ thống chốt khác nhau, ngoài chốt lớn ở các cửa ngõ thì có thêm chốt nhỏ ở các khu vực có nguy cơ, trong đó các chốt nhỏ cần làm nghiêm hơn.
Còn đối với các chốt chính, cần ban hành lại quy định, trong đó nêu rõ vào giờ cao điểm khi lượng phương tiện quá đông, lực lượng chức năng không kịp thời gian xét hết trường hợp thì kiểm tra theo xác suất. Khi thấp điểm thì tăng tỷ lệ kiểm soát lên hoặc kiểm soát chặt chẽ 100%. “Cần áp dụng các giải pháp uyển chuyển nhưng phải đảm bảo nghiêm minh”, ông Đức yêu cầu.
Bên cạnh đó, ông Đức đề nghị Q.Gò Vấp rà soát, lập danh mục các hoạt động sản xuất, kinh doanh không cấp thiết cần phải dừng hoạt động, loại hình nào được phép hoạt động thì chủ cơ sở phải cam kết người lao động đi thẳng vào công ty, không la cà.
Tại cuộc họp, đại diện Công an Q.Gò Vấp đề xuất Công an TP.HCM hỗ trợ lực lượng trực tại 3 chốt trên các tuyến đường dọc tuyến Phạm Văn Đồng.
Thiếu tướng Cao Đăng Hưng, Phó giám đốc Công an TP.HCM nhận định việc chặn cửa ngõ ảnh hưởng lớn đến di chuyển của người dân, làm bất ngờ người dân không theo kịp. Trước đề xuất của Q.Gò Vấp về tăng cường lực lượng, ông Hưng cho biết sẵn sàng chỉ đạo công an các địa phương và phòng chuyên môn hỗ trợ Q.Gò Vấp trong việc kiểm soát người và phương tiện. Theo ông Hưng, có thể không nhất thiết phải đặt chốt trên địa bàn Q.Gò Vấp mà đặt ở quận khác.
Sỹ Đông
Thanh niên
|