TP.HCM bùng phát dịch Covid-19: Nhà nghèo nín thở 'nhịn' chạy thận, nhà giàu khóc vì lỗ
Từ 0 giờ ngày 15.6, TP.HCM tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần để phòng dịch Covid-19. Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều người lao động nghèo ở TP.HCM đã bấm bụng nhịn ăn để cầm cự, nhà giàu cũng khóc khi phải cầm cố nhà cửa, đất đai duy trì kinh doanh.
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội trong 2 tuần. Ảnh: Độc Lập
|
Gần kết thúc 15 ngày giãn cách xã hội, TP.HCM lại phát hiện liên tiếp nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. Đánh giá dịch bệnh vẫn phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định giãn cách xã hội toàn TP thêm 2 tuần.
Người dân TP.HCM đa phần ủng hộ quyết định của chính quyền và hy vọng tình hình dịch sớm được kiểm soát để mọi thứ về lại bình thường. Sau nhiều đợt trầy trật vì dịch, những người lao động “nhà nghèo” phải thắt lưng buộc bụng từng cắc bạc, những người làm kinh doanh “nhà giàu” cũng khóc, chỉ biết trông chờ ngày mai tươi sáng hơn.
Chấp nhận lỗ để tồn tại
Là chủ chuỗi 16 quán ăn chuyên về gà đang trên đà phát triển, định hướng mở rộng thị trường, anh Trần Quốc Thịnh (40 tuổi, TP.HCM) lại phải đóng 6 quán vì dịch Covid-19. Mỗi quán đóng cửa, anh gần như mất trắng chi phí đầu tư, tiền cọc khoảng 4 tỉ đồng. Sau đó anh cầm nhà, đất của mình để bù lỗ cho những quán đang hoạt động.
Cuối tháng 5.2021, TP.HCM giãn cách xã hội, hàng quán chỉ bán mang về, anh phải cắt giảm toàn bộ nhân sự làm bán thời gian, chỉ giữ lại người làm chính thức, cho nhân viên ở lại, nấu ăn, ngủ tại nhà hàng, tránh lây nhiễm và giảm chi phí ăn, ở trọ.
Ông chủ chuỗi quán ăn chuyên về gà phải đóng cửa 6/16 quán ăn để tiếp tục hoạt động. Chưa đủ bù lỗ, anh phải cầm cố cả nhà của mình và cha mẹ để duy trì. Ảnh: Vũ Phượng
|
Để thu hút khách đặt mua qua các app, anh liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi như giảm giá bán, miễn phí giao hàng và thường xuyên livestream trên mạng xã hội.
Ông chủ chuỗi quán ăn nói: “Mùa dịch ai cũng bị ảnh hưởng đến túi tiền, quán khuyến mãi trên app để khách được ăn ngon mà không cần đắn đo. Bên cạnh đó, bán qua app quán sẽ phải trích % doanh thu cho app nhưng thay vì lỗ 10 đồng để đóng cửa, thì mình chọn lỗ 3 đồng để tồn tại”.
Anh Thịnh cho rằng, khi không được phục vụ tại chỗ thì bán qua app là con đường duy nhất để có doanh thu và xoay vòng đồng vốn duy trì hoạt động. Kể từ khi giãn cách xã hội đến nay, số khách mua qua app chiếm đến 75% số đơn hàng của chuỗi quán ăn. Dù vậy, doanh thu vẫn bị giảm khoảng 70% so với khi không có dịch.
Dù gặp nhiều bất cập, khó khăn nhưng người dân TP ủng hộ tiếp tục giãn cách xã hội. Ảnh: Độc Lập
|
Kinh doanh quán ăn, những mặt bằng mà anh chọn để mở quán đều rộng rãi, thoáng mát, ở vị trí tiện đi lại, do đó, giá mặt bằng cũng từ 100 đến vài trăm triệu mỗi tháng. Đợt dịch này, anh thương lượng được với các chủ nhà giảm 30%, tuy nhiên, số tiền chi trả mặt bằng vẫn là con số “khá ngán”. Đợt dịch này, anh vừa phải cầm thêm nhà của ba mẹ để cầm cự quán ăn.
“Tôi từng cầm nhà ba mẹ khi khởi nghiệp lần đầu tiên năm 2003, sau đó thất bại lo làm lấy lại nhà cho ông bà, chắc vậy nên ba mẹ rất tin tưởng cho tôi cầm tiếp. Chi phí hoạt động đến giờ tôi vẫn bù nhưng cũng khả quan hơn rất nhiều rồi, đủ đảm bảo vượt qua mùa bão giông này. Tôi nghĩ lạc quan, giai đoạn này tôi gồng qua cơn khó, sau đó thị trường ổn lại tôi phát triển nhanh và mạnh hơn. Sáng nay, ra đường tôi thấy đường đông tí mừng mừng ai ngờ lại giãn cách tiếp, nhà giàu nhà nghèo gì cũng khóc”, anh bộc bạch.
2 tuần không kiếm được ngàn nào
Mấy hôm trước, anh Nguyễn Văn Quang (chủ cửa hàng gốm sứ Nhật tại Q.Bình Thạnh) cũng viết lên trang cá nhân: “Kỷ lục: đã 2 tuần rồi tôi không kiếm được ngàn nào”. Chia sẻ của anh Quang nhận được sự đồng cảm của nhiều người.
Anh Quang cho hay, cửa hàng của anh đóng cửa nửa tháng nay vì dịch. Thời gian đầu có vài ca tại TP.HCM sau lễ, anh vẫn mở cửa bán buôn, nhưng khi các chuỗi lây nhiễm tại TP.HCM quá phức tạp, mở cửa cũng không có khách ghé, anh đành đóng cửa.
Cửa hàng gốm sứ của anh Quang 2 tuần qua không bán buôn được gì. Ảnh: Vũ Phượng
|
Do mặt hàng đặc thù, không bán được online nên 2 tuần đóng cửa là từng đó thời gian anh không kiếm được một ngàn nào. “Việc đóng cửa chủ yếu ảnh hưởng tài chính gia đình do tôi vay ngân hàng một phần. Cũng may là cô chủ giảm tiền nhà. Sáng nay, tôi đến dọn dẹp để mở cửa hàng lại thì lại có tin tiếp tục giãn cách. Tình hình thế này chắc cũng mở bán cho vui thôi chứ vắng. Dù sao thì việc quyết liệt của mọi người trong chống dịch vẫn tốt hơn nên tôi ủng hộ mà”, anh chia sẻ.
Vì dịch, các kế hoạch mở rộng kinh doanh của anh bị tạm hoãn lại. Mọi chi tiêu trong gia đình nhờ có khoản quỹ dự phòng nên chưa đến giai đoạn quá khó khăn. “Cả năm qua có dịch nhưng cửa hàng vẫn bán đều đặn, doanh thu có giảm nhưng không đáng kể. Tới đợt này mới trải qua cảm giác không làm ra ngàn nào suốt 2 tuần”, chủ cửa hàng gốm sứ bày tỏ.
Nhịn ăn, "nhịn" chạy thận
Anh Lê Thanh Tú (38 tuổi, quê Vĩnh Long) làm tài xế GrabBike ở TP.HCM. 13 năm trước, anh phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối và mỗi tuần đều phải 3 lần đi chạy thận tại BV Chợ Rẫy. Để có thời gian chở khách, ngày nào chạy thận anh dậy từ 3 giờ sáng lóc cóc chạy xe đến BV, đến khoảng 10 giờ thì tiếp tục lòng vòng khắp các tuyến đường với những đơn hàng.
Vì có bệnh nền nên đợt dịch này, anh Tú không dám mở app chở khách, chỉ giao hàng và các đơn mua đồ ăn. Mỗi ngày, trừ các chi phí anh chỉ kiếm được 150.000 – 200.000 đồng. Thất nghiệp vì dịch Covid-19, vợ anh Tú lãnh vé số về đi bán, nhưng cũng ế ẩm.
Căn nhà trọ bé xíu của vợ chồng anh Tú, bé đến mức không có được cánh cửa chia chỗ đi vệ sinh với chỗ treo đồ đạc. Ảnh: Vũ Phượng
|
Nói chuyện với PV trưa 14.6, giọng anh buồn hiu: “Nhiều khi cũng mệt lắm nhưng tôi phải chạy ráng để đóng tiền xét nghiệm Covid mỗi lần chạy thận. Mỗi lần đi test là hết 238.000 đồng, tiền chạy thận là 3,5 triệu đồng/tháng. Tính ra ăn đứt luôn tiền tôi chạy xe mỗi ngày. Kẹt quá tôi phải xin bác sĩ “nhịn” chạy thận ngày giữa tuần cho bớt tiền”.
Vì “nhịn” chạy thận, anh cũng phải nhịn luôn nước, chỉ ăn các món khô, có khó chịu và mệt thật, nhưng như vậy vẫn còn hơn phải nằm bẹp ở nhà. Số tiền kiếm được ít ỏi, vợ chồng anh bấm bụng, tới bữa phải đến nhà chị vợ ăn ké. Mỗi ngày anh chạy xe có cuốc xa nhà cũng phải nhịn tới 2 – 3 giờ chiều tạt ngang nhà chị mới ăn trưa.
Anh nói: “Tới đâu hay tới đó chứ biết sao bây giờ, tôi mới mượn hết 5 triệu để cầm cự, mỗi tháng vẫn phải đóng 1,2 triệu tiền trọ mà”.
Vũ Phượng
Thanh niên
|