Thứ Hai, 21/06/2021 10:31

Sáu tháng rưỡi tiền đồng lên giá 0,86%

Tiền đồng đã lên giá khoảng 0,6% từ đầu năm đến nay so với đô la Mỹ là mức ghi nhận mà hầu hết người dân đều không cảm nhận rõ ràng. Với nhiều người, tỷ giá vẫn đâu đó tầm 23.000-23.100 đồng/đô la Mỹ, ngang bằng năm ngoái, là yên tâm.

Các nhà xuất khẩu cũng không có gì lo lắng vì nhìn chung giá các loại hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều đi lên dưới ảnh hưởng chu kỳ biến động của giá cả năng lượng, nông sản, thực phẩm... thế giới.

Giá xuất khẩu cao su thiên nhiên, cà phê, chè, thủy hải sản, thậm chí cả vật liệu xây dựng như sắt thép, gạch men, ống nhựa... đều cao hơn đáng kể so với đầu năm. Cho nên sự lên giá 0,6% của tiền đồng dường như “chìm nghỉm”.

Các nhà nhập khẩu vui hơn. Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất từ quặng sắt, than mỡ, hạt nhựa, xăng dầu thành phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, điện tử, thuốc men, sữa bột, bắp, đậu nành... Tiền đồng lên giá chút nào, nhà nhập khẩu “dễ thở” chút ấy.

Các nhà sản xuất có thể tiết kiệm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Cách duy nhất mà doanh nghiệp nhập khẩu có thể thực hiện là bảo hiểm giá hàng hóa (hedg) hoặc tăng dự trữ nguyên liệu tồn kho nếu dự báo được chiều hướng lên xuống của giá.

Trước diễn biến thuận lợi của thị trường ngoại hối, nguồn cung tiếp tục cao hơn cầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 8-6-2021 đã tiến hành một “cú đột phá” chưa có tiền lệ trong ba năm trở lại đây: điều chỉnh giá mua vào ngoại tệ giao kỳ hạn sáu tháng từ mức 23.125 đồng/đô la Mỹ xuống 22.975 đồng/đô la Mỹ, tức giảm 150 đồng/đô la Mỹ, tương đương 0,64%.

Trước đó hơn sáu tháng, ngày 23-11-2020 tỷ giá mua vào giao kỳ hạn sáu tháng đã được cơ quan quản lý hạ từ 23.175 đồng về 23.125 đồng/đô la Mỹ. Còn cả năm trước thời điểm này giá mua ngoại tệ của NHNN luôn trụ ở 23.200 đồng/đô la Mỹ. Nếu tính chung trong vòng sáu tháng rưỡi, tiền đồng đã lên giá 0,86% so với đô la Mỹ.

Theo NHNN, từ đầu năm đến ngày 21-5-2021 tín dụng tăng 4,67%, cao hơn so với mức tăng 2% cùng kỳ của năm ngoái. Đa số các ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 3% ngay trong quí đầu tiên của năm nay.

Ngay sau động thái điều chỉnh giá mua đô la Mỹ giao kỳ hạn của NHNN, tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng từ chỗ duy trì quanh 23.000 đồng, đã rơi về 22.955 đồng và ngày cuối tuần là 22.947 đồng/đô la Mỹ. Tỷ giá liên ngân hàng, theo nhận định của bộ phận kinh doanh ngân quỹ và ngoại hối một số ngân hàng, có khả năng còn rớt thêm trong những tuần tới.

Lý do chính là nhu cầu tiền đồng ngày một cao trong bối cảnh các doanh nghiệp tận dụng mức lãi suất thấp để vay hết hạn mức. Một số doanh nghiệp tăng cường vay để thanh toán nhập khẩu nguyên vật liệu. Lãi suất tiền đồng qua đêm và một tuần trên thị trường liên ngân hàng “nhảy” lên tương ứng khoảng 1,2%/năm và 1,33% (mức tăng 60-65 điểm phần trăm mỗi loại).

Tín dụng đã khiến tình trạng dư thừa thanh khoản tiền đồng trong hệ thống co lại. Cạnh tranh với tín dụng, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ. Theo HNX, trong tháng 5-2021, giá trị trái phiếu chính phủ phát hành tăng 68% so với tháng 4-2021, lên tới 44.200 tỉ đồng. KBNN đã chủ động nâng giá trị trái phiếu phát hành do có một lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong tháng. Tuy vậy xét chung năm tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu phát hành mới đạt gần 110.000 tỉ đồng, bằng 31,4% kế hoạch năm.

Đáng chú ý là nếu tính tổng lượng trái phiếu đáo hạn trong năm tháng đầu năm và tổng lượng trái phiếu phát hành mới, thì giá trị phát hành ròng chỉ hơn 7.000 tỉ đồng. Rõ ràng nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đến mức bức bách và KBNN vẫn đang gửi một khoản tiền nhàn rỗi khá lớn ở các ngân hàng thương mại.

Trên thị trường tài chính quốc tế, các ngoại tệ mạnh đều lên giá 5-10% so với đô la Mỹ từ đầu năm đến giữa tháng 6-2021. Sự lên giá của tiền đồng, như vậy, là chấp nhận được nhìn từ góc độ ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô và tránh việc bị Mỹ áp mác “thao túng tiền tệ”. NHNN cũng không tỏ ra vội vàng với các giao dịch mua bán kỳ hạn vì hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên bằng bốn tháng nhập khẩu - mức an toàn cao nhất mà chúng ta đạt được từ trước đến nay. 

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   MB 'tiếp sức' 10 tỷ đồng cùng Hà Nội chiến thắng Covid-19 (21/06/2021)

>   Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua ngoại tệ kỳ hạn? (21/06/2021)

>   Vốn điều lệ tăng thêm 10%, tạo đà để TPBank tăng trưởng lợi nhuận 32% (19/06/2021)

>   Người dân ít gửi tiền ngân hàng (19/06/2021)

>   Giá USD nhảy vọt (18/06/2021)

>   Phát hành xong 59 triệu cp trả cổ tức 2019, Vietbank tăng vốn lên 4,777 tỷ đồng  (18/06/2021)

>   Sacombank dành đến 10,000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi  (18/06/2021)

>   Nhà mạng quyết không giảm giá dịch vụ SMS cho ngân hàng (18/06/2021)

>   Số hóa dịch vụ ngân hàng và định nghĩa về trải nghiệm số 'thuận tiện nhất' (18/06/2021)

>   Chiếm 1,43 triệu tỉ đồng, tỷ trọng tiền mặt vẫn còn quá nhiều (17/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật