Ô tô đại hạ giá, chạy đua khuyến mãi, giành khách lẫn nhau
Một số DN cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid nên doanh số bán ô tô giảm mạnh, tồn kho tăng lên. Vào lúc này, khách hàng chỉ chi tiền mua xe khi có những ưu đãi lớn, vì vậy đã đẩy mạnh khuyến mãi, đại hạ giá.
Doanh số giảm mạnh
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán hàng của các DN thành viên tháng 5/2021 đạt 25.585 xe, bao gồm 17.581 xe du lịch; 7.482 xe thương mại và 522 xe chuyên dụng. Trong đó, doanh số xe du lịch giảm 14%; xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm 33% so với tháng trước.
Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 13.825 xe, giảm 20% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 11.760 xe, giảm 7% so với tháng trước.
Ngoài VAMA, Công ty TC Motor công bố doanh số bán hàng tháng 5/2021 đạt 6.053 xe, thấp hơn con số 6.538 xe của tháng 4/2021. Công ty ô tô VinFast doanh số tháng 5/2021 đạt 2.855 xe, tăng nhẹ so với 2.717 xe của tháng 4/2021.
Nhiều mẫu ô tô có doanh số bán chậm (ảnh minh họa)
|
Hầu hết các mẫu xe có doanh số lớn đều sụt giảm so với tháng trước. Toyota Vios có doanh số bán 1.789 xe, giảm so với 1.950 xe của tháng trước. Hyundai Accent đạt 1.620 xe, giảm so với 2.150 xe của tháng trước. Hyundai Grand i10 đạt 953 xe giảm so với 1.212 xe của tháng trước. Honda City đạt 584 xe giảm so với 749 xe của tháng trước...
Theo các DN, nếu không tính tháng 2/2021 do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày thì tháng 5/2021 chứng kiến doanh số ô tô thấp nhất từ đầu năm. Dịch Covid bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp đang tác động rõ rệt lên thị trường ô tô, khiến giao dịch chậm lại, sức mua giảm sút.
Thời gian qua, một loạt mẫu xe mới đã được các DN tung ra thị trường như Mazda CX-3 và CX-30, Hyundai Santa Fe 2021,... Tuy nhiên, vẫn không thể cứu vãn được thảm cảnh thị trường ô tô lao dốc. Ngoại trừ mẫu Hyundai Santa Fe tháng 5 có doanh số bán tăng hơn 400 xe so với tháng 4 thì các mẫu Mazda CX-30 và CX-3 chỉ đạt doanh số thấp với 135 và 426 xe.
Các DN cũng dự báo, tháng 6/2021, tiêu thụ ô tô tiếp tục giảm sâu do dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, chưa có chiều hướng giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm. Trước tình hình này, từ đầu tháng 6, các DN và đại lý tiếp tục giảm giá nhiều mẫu xe, tăng khuyến mãi để kích cầu.
Đồng loạt hạ giá
Công ty TC Motor giảm giá từ 15-20 triệu đồng cho mẫu Hyundai Elantra và 40 triệu đồng cho Hyundai Kona. Toyota hỗ trợ 30 triệu đồng tiền mặt lệ phí trước bạ cho mẫu Vios, tặng quà cho khách hàng mua xe Wigo. Trong khi đó, tại các đại lý khách hàng mua mẫu Altis được giảm giá 40 triệu đồng.
Tại các đại lý, mẫu Suzuki Ciaz được giảm giá 70 triệu đồng, bao gồm 50 triệu tiền mặt và tặng bộ phụ kiện trị giá 20 triệu đồng; mẫu Ertiga giảm giá 60 triệu đồng.
Thương hiệu Kia giảm giá cho mẫu Cerato trong tháng 6 từ 45-65 triệu đồng tùy phiên bản.
Vì vậy, các DN phải tăng cường khuyến mãi, giảm giá để kích cầu sức mua
|
Mazda 3 cũng giảm giá từ 40-60 triệu đồng tùy phiên bản. Honda City giảm giá từ 15-25 triệu đồng, các mẫu Honda CR-V, HR-V, Civic giảm giá từ 40-65 triệu đồng. Đặc biệt với thương hiệu Volkswagen mức giảm giá khá mạnh, giảm 200 triệu đồng cho mẫu Passat sản xuất năm 2018, tặng bộ phụ kiện trị giá 100 triệu đồng cho mẫu Tiguan Elegance, tặng gói bảo hiểm vật chất trị giá 11 triệu đồng cho mẫu Polo Hatchback...
Các DN và đại lý bán xe cho hay đang rất chật vật xoay xở để giữ doanh số trong thời điểm tiêu thụ khó khăn. Vào lúc này, khách hàng chỉ chi tiền mua xe khi có những ưu đãi lớn, vì vậy cần phải đẩy mạnh khuyến mãi, chấp nhận không còn lợi nhuận. Ngoài ra, hàng loạt khó khăn khác đang bủa vây các DN ô tô như chi phí vận chuyển tăng cao, nguồn cung linh kiện thiếu hụt.
Theo số liệu của VAMA, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp nước tháng 4/2021 giảm 1% so với tháng 3/2021; tới tháng 5 thì giảm mạnh tới 20% so với tháng 4. Những mẫu xe có sản lượng lớn, là trụ cột của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang hứng chịu tác động tiêu cực. Phân khúc sedan hang B, Hyundai Accent, Toyota Vios và Honda City đều bị sụt giảm mạnh doanh số bán ra.
Với phân khúc hạng A, chỉ có mẫu VinFast Fadill giữ được tăng trưởng, còn Hyundai Grand i10 cũng giảm. Phân khúc SUV đô thị, mẫu Kia Seltos vốn rất ăn khách cũng bắt đầu chịu cảnh sụt giảm, Hyundai Kona cũng tương tự,... ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Các DN lo ngại, tồn kho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang tăng lên do doanh số giảm. Tình hình này kéo dài, việc phải giảm sản xuất, cho lao động nghỉ luân phiên là khó tránh khỏi.
Thị trường ô tô Việt Nam mới chỉ khởi sắc được vài năm, tới 2020 lại sụt giảm và chưa hẹn ngày hồi phục. Nửa đầu năm 2020, thị trường ảm đạm suốt, nửa cuối năm sáng sủa hơn nhờ hiệu ứng của chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ nhưng vẫn không lấy lại được sự tăng trưởng chung.
Sang 2021, ngành ô tô lại tiếp tục gặp khó. Tình hình như vậy sẽ không có cơ sở vững chắc để ngành công nghiệp ô tô phát triển. Dịch bệnh kéo dài nhưng chính sách hỗ trợ thì ngắn hạn, khiến ngành sản xuất này luôn trong tình trạng bấp bênh, DN gánh chịu nhiều thiệt hại rủi ro.
Trần Thủy
Vietnamnet
|