Nghị định quảng cáo làm khó báo chí: Sớm sửa luật Quảng cáo lỗi thời
Nghị định 38/2021 được xây dựng trên luật Quảng cáo, song bản thân điều luật ra đời gần 10 năm trước đã quá lạc hậu.
Luật Quảng cáo cũng như các nghị định thực thi luật đang gây lo ngại cho các đối tượng chịu tác động. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Để báo chí trong nước được cạnh tranh bình đẳng, không chỉ cần điều chỉnh Nghị định 38 mà quan trọng hơn, cần sớm sửa đổi luật Quảng cáo.
Nên tạm dừng, rà soát lại Nghị định 38
Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, những quy định của Nghị định 38 cũng như luật Quảng cáo đang có rất nhiều bất cập, không thực tế, dẫn đến sự đối xử không công bằng giữa 2 cặp chủ thể: báo chí trong nước - kênh truyền thông xuyên biên giới (Google, YouTube...) và đơn vị cung cấp quảng cáo - người xem.
Đối với cặp chủ thể thứ nhất, thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa quảng cáo truyền thống và quảng cáo qua các trang mạng xã hội. Nhưng Nghị định 38 chỉ áp dụng đối với các cơ quan báo chí trong nước, “siết” rất nhiều quy định, hạn chế về cả nội dung và thời lượng, trong khi những nền tảng quảng cáo xuyên biên giới do trụ sở ở nước ngoài nên không phải chịu những ràng buộc này.
Mặt khác, rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, thu thuế Facebook, Google... còn nhiều điều chưa ổn thỏa. Việc tạo điều kiện cho những nền tảng này hoạt động thuận lợi hơn các kênh báo chí truyền thống, theo LS Hậu, không chỉ là hành động “nắm kẻ có tóc”, làm khó “quân mình” mà còn làm khó thêm cả vấn đề quản lý của cơ quan nhà nước đối với các loại hình quảng cáo mới.
Thứ hai, những quy định như không được chèn quảng cáo vào nội dung, không hiển thị quảng cáo quá 1,5 giây là đi ngược lại thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp (DN) có quyền quảng cáo chính thống các nội dung không vi phạm pháp luật, không sai sự thật. Báo chí được quyền xen kẽ quảng cáo vào nội dung tùy nhu cầu và đối tượng độc giả. Người đọc có quyền nhấp chuột vào link quảng cáo, đọc tiếp bài viết hoặc thoát ra nếu không đúng nhu cầu.
Hiện nay, các DN cũng rất khéo léo truyền thông hình ảnh, thương hiệu bằng những câu chuyện, kênh hoạt hình, MV ca nhạc, khiến người xem, đặc biệt là các đối tượng thanh, thiếu niên rất thích. Báo chí là kênh thông tin uy tín, nhiều bạn đọc cũng muốn thông qua những kênh như vậy để tìm kiếm sản phẩm chất lượng. Xử phạt những hành vi này là không tôn trọng quyền quảng bá hình ảnh của DN và quyền tiếp cận thông tin quảng cáo của độc giả.
“Luật Quảng cáo đã ban hành gần 10 năm, có rất nhiều quy định bất cập, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn, cần xem xét sửa đổi. Trong quá trình đó, giảm bớt đi những nghị định hướng dẫn dưới luật, tránh tạo thêm rào cản, làm khó tất cả các bên liên quan. Bộ VH-TT-DL nên kiến nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thi hành Nghị định 38 để rà soát, đánh giá lại tính khả thi. Quan trọng nhất, cần công khai lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng trực tiếp chịu tác động như các cơ quan truyền thông, báo chí, các DN, người dân, phản biện từ Mặt trận Tổ quốc... để luật khả thi, sát với thực tế hơn”, LS Hậu đề xuất.
Cùng quan điểm này, theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty truyền thông Le Bros, việc cần làm trước mắt là xem xét hoãn thực thi các quy định bất cập tại Nghị định 38. “Báo điện tử tại Việt Nam phần lớn đều đang miễn phí, tỷ lệ có thu phí không đáng kể và bạn đọc được hưởng lợi. Họ chấp nhận quảng cáo để đọc miễn phí và hoàn toàn có quyền chủ động chọn các tờ báo ít quảng cáo, hoặc các tờ báo vẫn quảng cáo nhiều nhưng nội dung chất lượng, độc đáo, cập nhật nhanh nhất... Nói cách khác, cơ quan quản lý không cần can thiệp với lý do bảo vệ quyền người đọc, vì độc giả đang được hoàn toàn chủ động lựa chọn”, ông Vinh chia sẻ.
Loại bỏ bất cập trong luật
Theo Bộ VH-TT-DL, năm 2022 cơ quan này sẽ tổng kết 10 năm thực hiện luật Quảng cáo, đồng thời xem xét rà soát, sửa đổi các quy định trong luật cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa luật Quảng cáo cần được nghiên cứu, đề xuất sớm hơn, bởi lộ trình xây dựng, sửa đổi bổ sung một luật tốn nhiều thời gian.
Đại diện Đài truyền hình HTV cho biết đã nhiều lần có văn bản đề nghị sửa đổi luật Quảng cáo, trong đó nhấn mạnh việc tháo quy định, cho phép chèn quảng cáo lẫn vào nội dung tin, bài. Thực tế, nội dung quảng cáo không thể chạy trong tất cả chương trình, đặc biệt là các chương trình thời sự, chính trị mà chỉ tập trung vào vài chương trình “hot” của mục giải trí. Nếu nhà đài lạm dụng quá nhiều quảng cáo thì người xem cũng dễ dàng chuyển kênh, chọn chương trình khác hoặc xem qua các nền tảng khác. Do đó, nên giao cho tổng biên tập, tính toán trên nhu cầu thực tế của thị trường để quyết định thời lượng, vị trí chèn quảng cáo, miễn là nội dung không trái với quy định pháp luật.
Đồng tình, đại diện Báo Thanh Niên cũng cho rằng, cùng với sự dịch chuyển thói quen của người dùng internet từ máy tính bàn sang điện thoại di động (smartphone), các cơ quan báo chí buộc phải chuyển hướng quảng cáo phù hợp. Với đặc điểm màn hình smartphone khá nhỏ, không phù hợp với tiếp cận quảng cáo ở vùng cố định, các cơ quan báo chí phải đưa quảng cáo lẫn vào nội dung để tăng thêm nguồn thu, nhất là trong hoàn cảnh tự chủ tài chính. Vì thế, cần cho phép các trang thông tin, báo chí điện tử quảng cáo xen lẫn với nội dung nhưng không ảnh hưởng đến người dùng, cộng đồng và xã hội. Để tách biệt quảng cáo và nội dung, các cơ quan báo chí sẽ chủ động thiết kế để người dùng phân biệt được rõ.
Ảnh: Ngọc Thắng
Phải hài hòa lợi ích tờ báo - bạn đọc - doanh nghiệp
Liên quan đến Nghị định 38/NĐ-CP, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Lợi (ảnh), Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhiều cơ quan báo chí, các chuyên gia đều cho rằng nếu áp các quy định xử phạt theo Nghị định 38 sẽ bóp nghẹt hoạt động quảng cáo báo điện tử. Quan điểm của Hội Nhà báo với vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Mấy ngày vừa qua, Hội Nhà báo nhận được rất nhiều ý kiến của các cơ quan báo chí, thậm chí cả hội viên Hội Nhà báo liên quan đến Nghị định 38. Hội Nhà báo đã nghiên cứu lại nghị định và có thấy mấy vấn đề: Thứ nhất, báo chí đang đứng trước những cơ hội rất lớn nhưng cũng nhiều thách thức ghê gớm, đặc biệt là nguồn thu để đảm bảo hoạt động của tòa soạn và đời sống của cán bộ, phóng viên. Nhiệm vụ làm báo cũng nặng nề hơn, báo in suy giảm, báo điện tử chưa bán được nội dung để có nguồn thu. Hiện mới chỉ 2 báo thu phí, nhưng phần thu được cũng rất ít ỏi so với công sức bỏ ra để duy trì hoạt động.
Hầu hết các báo điện tử Việt Nam hiện nay cũng như các báo in có báo điện tử khá mạnh như Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền phong, Lao động... chủ yếu nguồn thu từ quảng cáo chứ chưa bán nội dung. Qua đó để thấy, nguồn thu quảng cáo với báo điện tử hết sức quan trọng. Báo chí hiện nay mới chiếm được miếng bánh thị trường quảng cáo trực tuyến quá nhỏ, chỉ khoảng 20%, 80% còn lại rơi vào các nền tảng xuyên biên giới và các trang mạng xã hội. Phần thu phí, thuế của nhà nước ta với các nền tảng này còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Thị phần dành cho báo điện tử còn quá ít ỏi, trong khi đó, các quy định được thể hiện trong Nghị định 38 đang gây những khó khăn nhất định cho nguồn thu của các cơ quan báo chí. Các tòa soạn đều thể hiện sự lo lắng nếu các điều khoản trong nghị định này được thực thi.
Hội Nhà báo cho rằng, những quy định còn gây nhiều tranh cãi trong Nghị định 38 cần được bàn thảo kỹ lưỡng giữa các bộ ngành liên quan và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để có điều chỉnh hợp lý về thời gian và cách thực hiện.
Theo ông, cần rà soát, sửa đổi bổ sung luật Quảng cáo như thế nào để tạo điều kiện cho hoạt động báo chí và quảng cáo nói chung?
Luật Quảng cáo được ban hành từ năm 2012, cách đây rất lâu, các nghị định thực thi luật như Nghị định 158/2013, tới nay là Nghị định 38 đều căn cứ theo các quy định cũ trong luật Quảng cáo. Trong khi đời sống báo chí, truyền thông hiện nay đã rất khác. Vì thế, cần rà soát lại tất cả quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của báo chí, trong đó có xử phạt các vi phạm trên báo điện tử.
Vậy cách làm như thế nào? Cơ bản nhất theo tôi là phải sửa đổi lại các quy định của luật Quảng cáo, để đưa ra những quy định pháp lý liên quan đến hoạt động báo chí, trực tiếp là các quy định xử phạt vi phạm quảng cáo trên báo điện tử, đảm bảo hài hòa lợi ích của 3 đối tượng quan trọng: Cơ quan báo chí cần được đảm bảo nguồn thu hợp pháp, DN quảng cáo được đảm bảo nhu cầu quảng bá sản phẩm, thương hiệu, vì nếu không được quảng cáo trên báo chí họ sẽ chạy sang các nền tảng xuyên biên giới. Nói cách khác, cần đảm bảo đồng hành gắn bó giữa báo chí - DN theo mối quan hệ win - win cùng có lợi. Đặc biệt là lợi ích của người đọc, xã hội.
|
Hà Mai
Thanh niên
|