Khánh Hòa làm gì để khắc phục sai phạm đất công?
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo liên quan việc xử lý sai phạm tại các dự án đất công trên địa bàn.
* Khánh Hòa thẩm định lại giá đất hàng trăm dự án
* Cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng tiếp tục bị khởi tố
* Vì sao 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt tạm giam?
Một số dự án tại khu vực biển Bãi Dài thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh sẽ được định giá lại đất. HIỀN LƯƠNG
|
Ngày 11.6, nguồn tin của chúng tôi cho biết UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo liên quan việc xử lý sai phạm tại các dự án đất công trên địa bàn tỉnh, mà trước đó đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã có chỉ đạo ấn định thời gian xử lý các vụ việc sai phạm tại tỉnh Khánh Hòa phải trước ngày 30.6. T.Ư đã chuyển cho Khánh Hòa 6 hồ sơ, trong số đó có 4 vụ việc liên quan 4 dự án (DA) bất động sản tại Khánh Hòa đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 cựu lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa: Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa); Lê Đức Vinh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa); Đào Công Thiên (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa); 2 cựu Giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa là ông Võ Tấn Thái và ông Lê Mộng Điệp.
Cũng liên quan các sai phạm đất công, như chúng tôi đã phản ánh qua các loạt bài: Đất “kim cương” nhà nước vào tay tư nhân với giá bèo (đăng từ ngày 20 - 23.7.2020), Bất thường vụ đổi “đất vàng” ở Nha Trang (từ 10 - 11.10.2020), Vì sao Khánh Hòa phải lo xử lý sai phạm về đất đai? (từ 17 - 20.5.2021)..., đến nay Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thi hành kỷ luật 11 cán bộ lãnh đạo, trong số 18 cán bộ có sai phạm liên đới thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Truy thu “nhỏ giọt”
Như chúng tôi đã thông tin, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra 35 DA ở Khánh Hòa giai đoạn từ tháng 1.2010 - 6.2017 có những sai phạm cần khắc phục. Song song với việc xử lý sai phạm 6 vụ việc T.Ư giao, thì nhiệm vụ cấp bách của địa phương là khắc phục thất thoát ngân sách tại các DA đã giao đất, cho thuê đất không qua đấu thầu, đấu giá (giao chỉ định).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa gửi TTCP, đến nay tỉnh đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi đất đã giao của 10 DA. Đối với 24 DA theo kết luận phải thực hiện xử lý theo quy định từng DA mà TTCP đã kết luận, tỉnh đã kiểm tra việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư, đặc biệt là cam kết về tiến độ và năng lực thực hiện DA, trên cơ sở đó chấm dứt tình trạng nhiều DA chậm tiến độ kéo dài.
Trong số 24 DA mà tỉnh Khánh Hòa đang khắc phục các sai phạm, cụ thể là xác định lại giá đất từng DA đã giao cho doanh nghiệp (DN), có những cái tên “đình đám” như: DA sân bay Nha Trang (cũ), DA Trường Chính trị Khánh Hòa (đã khởi tố vụ án, bị can), DA khu nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang (thuộc Tập đoàn Eurowindow), DA Evason Ana Mandara Cam Ranh (Tập đoàn Sovico), DA khu du lịch Đồi Gió Cam Ranh (MB Land). Tại các DA này, tỉnh Khánh Hòa đang tiến hành rà soát lại việc xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính từ đất đai đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để thất thu ngân sách.
Riêng đối với DA khu phức hợp Thiên Triều (hiện là DA Mường Thanh Viễn Triều, thuộc Tập đoàn Mường Thanh) tại khu vực Bãi Dương (P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang), tỉnh Khánh Hòa giao công an tỉnh xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định một số nội dung. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi số tiền 11,21 tỉ đồng do UBND tỉnh trước đây đã quyết định mốc thời gian tính tiền thuê đất trái pháp luật tại DA này. Về xử lý tài chính các DA sai phạm liên quan đến đất đai, xây dựng như TTCP kết luận, tỉnh Khánh Hòa cho biết tính đến tháng 5.2021, chỉ mới thu được trên 66,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 12 quyết định thu hồi việc miễn, giảm tiền sử dụng đất không đúng tại 11 DA với số tiền trên 201 tỉ đồng. Riêng về xử lý chênh lệch tăng thêm khi bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng vốn nhà nước không đúng quy định, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị quản lý tài sản công làm việc với các DN, yêu cầu bổ sung phần chênh lệch theo kết luận thanh tra là 20,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chỉ duy nhất Công ty CP Seafood F17 nộp lại số tiền 48 triệu đồng. Theo tỉnh Khánh Hòa, hiện có một số DN đang khiếu nại chưa đồng ý việc tỉnh thu hồi tiền (miễn, giảm trái quy định).
Đối với xử lý chênh lệch giá đất, tiền thuê đất, hiện tỉnh Khánh Hòa đã ban hành thông báo cho DN nộp bổ sung tiền 823,25 tỉ đồng. Từ ngày 1.3 - 30.4, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã mời các DN lên yêu cầu nộp tiền, nhưng các DN không thực hiện và có một số DN đang khiếu nại.
Chấn chỉnh công tác tham mưu
Từ khi bị thanh kiểm tra, hàng loạt DA tại Khánh Hòa bị ngưng trệ do nghẽn thủ tục hành chính tại địa phương. Từ năm 2018, việc triển khai xây dựng ở nhiều DA tại Khánh Hòa chậm tiến độ rất nhiều do ảnh hưởng của việc thanh tra, kiểm tra. Một số DA chưa thể hoàn thành thủ tục để được cấp phép xây dựng theo quy định. Thậm chí, nhiều DN có đơn kêu cứu gửi TTCP, Thủ tướng, nêu rõ việc nhiều cơ quan tỉnh Khánh Hòa đơn phương dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính các DA, khiến họ “chết đứng” vì không làm được các thủ tục.
Liên quan các sai phạm, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Trước khi có kết luận chính thức của TTCP, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, rà soát, xử lý khắc phục các sai phạm về đất đai, môi trường, bảo vệ rừng, quốc phòng an ninh liên quan đến các DA khu vực phía đông núi Chín Khúc (TP.Nha Trang), DA khu vực đảo Bình Ba, Bình Hưng (TP.Cam Ranh). Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo chấn chỉnh toàn diện về công tác tham mưu của các sở ngành trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.
Xung quanh các vụ việc sai phạm đất công và vấn đề giải quyết hậu quả trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - người khá quyết liệt trong việc phản biện các DA sai phạm, cho rằng việc xử lý sai phạm là rất cần thiết, nhưng cũng làm sao để DN “sống” mới có thể thu được tiền, trước mắt và cả lâu dài. Còn xử lý mà cho họ “chết” thì mất đủ điều, nhất là môi trường đầu tư về sau.
|
Hiền Lương
Thanh niên
|