Hàng triệu người không có chỗ ở, nhiều dự án tái định cư vẫn bỏ hoang
Hàng nghìn căn nhà tái định cư tại Hà Nội đang bị bỏ hoang trong bối cảnh nhu cầu về nhà thu nhập thấp của người dân vẫn nhiều.
Các tòa nhà tái định cư bỏ hoang tại P.Trần Phú (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) hơn 3 năm qua. LÊ QUÂN
|
Những dự án bỏ hoang, xuống cấp
Tại các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên..., nhiều nhà tái định cư (TĐC) được xây dựng song không có người ở nên xuống cấp, nhếch nhác.
3 năm qua, 3 tòa nhà TĐC trên đường Tân Mai ở P.Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai bị bỏ không. Lối vào các tòa nhà bị bịt kín bằng tôn, nhiều phần tường, móng đã bong tróc, nứt nẻ. Ở Q.Hoàng Mai, 2 tòa của dự án xây dựng nhà TĐC tại P.Trần Phú cũng bỏ không dù đã xây xong từ năm 2019. Khu vườn hoa trong dự án đang được người dân làm nơi thả gà. Bà Nguyễn Thị Hồng, nhà ở gần dự án này, nói: “Nhìn mà xót ruột. Trong khi bao nhiêu người chẳng có nhà để ở thì nguyên 2 tòa, một 9 tầng, một 15 tầng lại bị bỏ không như thế kia, quả là quá lãng phí”.
Theo tìm hiểu, dự án này được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010 nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, có tổng kinh phí 761 tỉ đồng. Cũng tại Q.Hoàng Mai, 2 tòa A1, A2 nằm trong ngõ 13 Lĩnh Nam được hoàn thiện từ khoảng chục năm nay nhưng vẫn cửa đóng then cài. Ở một số quận khác như Cầu Giấy, Long Biên…, tình trạng này cũng được tái hiện. Chẳng hạn như tòa TĐC 15 tầng N01-D17 Duy Tân đã bỏ hoang cả 10 năm nay.
Lại có chuyện hy hữu, xây 3 tòa nhà TĐC mà không có người nhận, chủ đầu tư còn xin đập bỏ để xây nhà thương mại. Đó là dự án TĐC tại khu đô thị mới Sài Đồng (Q.Long Biên) do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư. Cụ thể, chủ đầu tư xây 3 tòa nhà TĐC này từ năm 2001 - 2006. Do xảy ra khiếu kiện, người dân không nhận nên khu nhà bị bỏ hoang đến nay. Năm 2017, Hanco3 đã đề xuất TP.Hà Nội cho phép phá bỏ 3 tòa nhà để xây dựng nhà thương mại phục vụ TĐC theo đặt hàng của thành phố. Thế nhưng, sau nhiều năm đề xuất, 3 tòa nhà trên vẫn “phơi sương”.
Chất lượng là mấu chốt
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định trước đây chủ trương đặt ra là phải xây quỹ nhà TĐC để phục vụ phát triển các dự án thu hồi đất ở, nhà ở của người dân nằm trong dự án; nhưng hiện mô hình này đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Về chất lượng ở giai đoạn trước, nhà TĐC được thực hiện theo cách được cấp vốn rồi giao cho các đơn vị đầu tư, xây dựng, kèm theo một số ưu đãi. Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án nhà TĐC trong giai đoạn này chưa thể hiện tốt. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu tính ưu việt, đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân cũng chưa được tiến hành sâu sát. Điều này khiến không ít dự án bị bỏ hoang vì không phù hợp nhu cầu sử dụng các công trình.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhà nước cho phép rất nhiều phương thức TĐC, trong đó là mua nhà ở xã hội để làm nhà TĐC. “Nếu muốn mua nhà ở TĐC thì cần phải làm điều tra xã hội học cho kỹ để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng người dân. Giải quyết chất lượng nhà TĐC để người dân không còn lo ngại chất lượng nữa”, ông Châu phân tích thêm.
Ngoài ra, luật Nhà ở 2014 cho phép chuyển đổi nhà ở xã hội sang nhà ở TĐC, cho phép mua nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội và nhà ở TĐC. “Người dân chắc chắn thích ở nhà ở thương mại hơn, bởi người ta quan ngại về chất lượng nhà TĐC, quan ngại về thiết bị, tiện ích”, ông Châu nói.
Lê Quân
Thanh niên
|