Thứ Năm, 17/06/2021 10:00

Đua nhau mở nhà máy mới, cổ phiếu dệt may có hấp dẫn?

Đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại, xây dựng nhà máy mới chờ thời cơ sẽ là động lực thúc đẩy ngành dệt may “bứt tốc” sau khi dịch được kiểm soát? Câu hỏi này được đặt ra khi loạt doanh nghiệp dệt may đang rục rịch bước vào chu trình xây dựng nhà máy mới nhằm thúc đẩy năng suất.

Về phía CTCP May Sông Hồng (HOSEMSH), triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 đến từ việc các đơn hàng và khách hàng truyền thống đang bắt đầu quay trở lại với tín hiệu tích cực sau những khó khăn và thử thách đã đối mặt trong năm 2020, Công ty đang nắm bắt cơ hội để đưa các đơn hàng FOB tiếp tục tăng trưởng.

Ngoài ra, MSH sẽ chính thức đưa khu vực SH10 vào hoạt động, góp phần quan trọng trong việc tăng năng lực sản xuất, doanh thu của Công ty và sẽ tiếp tục hoàn thiện hóa hệ thống quản trị nội bộ để nâng cao năng lực điều hành sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí. MSH ước tính nhà máy này sẽ chạy 50% công suất trong năm đầu tiên vận hành, chủ yếu phục vụ các đơn hàng FOB.

CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSESTK) cũng đang “rục rịch” lên phương án huy động vốn để tài trợ dự án “Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex”. Tùy vào số vốn thu được từ thực tế, HĐQT sẽ xây dựng phương án sử dụng vốn cụ thể, quyết định cụ thể việc phân bổ sử dụng vốn phù hợp với tình hình sản xuất hiện tại của Công ty, tiến độ thực hiện của dự án và đảm bảo lợi ích chung của cổ đông.

Ông Đặng Triệu Hòa - Chủ tịch STK chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021: "Nếu hoàn thành xong dự án, quy mô của STK sẽ tăng lên gấp đôi".

Được biết, dự án “Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex” có công suất tối đa là 60,000 tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 36,000 tấn (2021-2023) và giai đoạn 2 là 24,000 tấn (2023-2025). Tổng vốn đầu tư dự án là 120 triệu USD. Sản phẩm của dự án là sợi tái chế (Recycle) và các loại sợi đặc biệt có giá trị gia tăng cao.

Về định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, ông Hòa cho hay: “Trong ngắn hạn, STK sẽ duy trì chiến lược sản phẩm sợi tái chế và phát triển sản phẩm khác có giá trị gia tăng. Trong trung và dài hạn, STK sẽ mở rộng công suất các dự án và lên chiến lược gắn kết các chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Hay như CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSETCM) cũng có kế hoạch mở thêm một nhà máy tại Vĩnh Long. Ông Trần Như Tùng - Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) kiêm Phó Chủ tịch HĐQT TCM cho biết, ở Vĩnh Long, TCM có 1 nhà máy đã hoạt động được mấy năm rồi. TCM đang khởi công xây dựng nhà máy thứ 2 vào tháng 4 này và tháng 8 hoặc 9 sẽ hoàn thành, dự kiến doanh thu và lợi nhuận cũng sẽ được ghi nhận khi nhà máy này đi vào hoạt động.

 “Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy đan trong thời gian sắp tới. Những vấn đề liên quan tới Tân Cương khiến các nhà máy không mua vải Trung Quốc nên các nhà mua hàng sẽ chuyển sang thị trường Việt Nam. Về kế hoạch M&A, Công ty đang xem xét mua thêm nhà máy nhuộm. Thay vì xây thì chúng tôi sẽ mua ở phía Nam để việc vận chuyển thuận tiện”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Về dòng tiền đầu tư cho dự án mới, TCM dự kiến sẽ đầu tư 10 triệu USD, dùng vốn tự có và sẽ vay ngân hàng một ít. Sắp tới, khi mở thêm nhà máy đan nhuộm, TCM có thể huy động, phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Được biết, trong tháng 5, TCM đã nhận được giấy phép xây dựng cho dự án nhà máy Vĩnh Long 2. Dự án được kỳ vọng sẽ hoạt động vào quý 4/2021 và giúp TCM cải thiện biên lợi nhuận gộp khi giảm phần gia công bên ngoài.

Gắn bó với ngành dệt may hơn 40 năm, sở hữu 2 nhà máy phụ trợ, 13 nhà máy may và 257 dây chuyền sản xuất, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNXTNG) đang “nung nấu giấc mơ” xây dựng cụm công nghiệp sinh thái dệt nhuộm với mục tiêu hoàn thiện chuỗi cung ứng cho ngành dệt may. Hiện TNG đang tập trung hoàn thiện dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 và nghiên cứu nhiều dự án tiềm năng.

Được biết, cụm công nghiệp này có diện tích 70ha, hiện đã san lấp 42 ha. Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 1 được cấp phép các ngành trong chuỗi cung ứng dệt may (sản xuất bao bì, dệt may, sợi, nhuộm, giặt…).

Song song với kế hoạch phát triển nhà máy, cả 4 doanh nghiệp dệt may này đều đặt kế hoạch tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận năm trong năm 2021. Đáng chú ý kế hoạch mà TCM đặt ra ở mức cao kỷ lục kể từ khi hoạt động đến nay.

Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp dệt may qua các năm trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng

Một doanh nghiệp khác đến từ sàn UPCoM cũng góp mặt trong danh sách này là Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM). Trong giai đoạn 2021-2024, HSM sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy may Nghi Lộc (Nhà máy may số 2) với mức đầu tư là 80 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2021 và cũng trong năm 2021, Công ty còn đầu tư vào 2 Công ty con là CTCP Dệt Hà Đông (9 tỷ đồng) và CTCP Dệt kim (11 tỷ đồng). Ngoài ra, HSM lên kế hoạch đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng Tổng Công ty với tổng mức đầu tư là 300 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2022-2024.

Cổ phiếu dệt may còn hấp dẫn?

Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành đang đẩy mạnh đầu tư nhà máy thì cổ phiếu dệt may trên sàn khởi đầu năm 2021 một cách khả quan.

Đáng chú ý là mức tăng của cổ phiếu STK. Tính từ đầu năm đến 15/06/2021, giá cổ phiếu của doanh nghiệp sợi này ghi nhận mức tăng mạnh nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành (tăng 82%). Hiện giá đang giao dịch tại mốc 38,000 đồng/cp và đây cũng là vùng giá cao kỷ lục mà doanh nghiệp này thiết lập được kể từ khi niêm yết (30/09/2015).

Đứng thứ 2 đà tăng là cổ phiếu TCM (tăng 62%) nhưng xét về thị giá thì cổ phiếu này đang ghi nhận mức cao nhất so với toàn ngành và hiện chốt phiên 15/06 tại mốc 84,300 đồng/cp. Mới cách đây 2 tháng, giá cổ phiếu TCM từng có thời gian vượt mốc 100,000 đồng/cp, gấp đôi hồi đầu năm. Mặc dù nhiều tiềm năng nhưng thị giá đang ở mức cao nhất ngành, đây có lẽ cũng là điều khiến nhà đầu tư dè dặt hơn trong năm 2021 đối với cổ phiếu này.

Tỷ lệ tăng giá của một vài cổ phiếu dệt may từ đầu năm 2021 đến 15/06/2021
Nguồn: VietstockFinance

SSI Research dự đoán sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm ngành dệt may trong quý 2/2021 sẽ duy trì đến quý 3/2021. SSI Research cho biết hầu hết các công ty có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng 9/2021. Tại thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc, khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 28.5% trong tháng 12/2020 xuống 23.6% trong tháng 3/2021. Thị phần của Việt Nam tăng từ 12.7% lên 15.6% so với cùng kỳ.

Nhìn vào dữ liệu lịch sử một năm từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, thị phần bị mất của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho tất cả các đối thủ cạnh tranh trong đó Việt Nam là nước được hưởng lợi chính.

Còn theo VNDirect, xuất khẩu dệt may của Việt Nam phục hồi theo nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của Mỹ và EU. Cụ thể, Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA) thống kê giá trị nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ đạt 24 tỷ USD (tăng 4.32% so với cùng kỳ). Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu (E.C.) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của EU cho năm 2021 và 2022 do sự phục hồi đáng kể của các nước E.U. VNDirect tin rằng giá trị xuất khẩu sẽ hoàn thành kế hoạch của Chính phủ Việt Nam, đạt 39 tỷ USD trong năm 2021.

VNDirect cũng cho rằng khó khăn của ngành dệt may Myanmar sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc khi Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại 3 thị trường này.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất sản phẩm sợi sẽ được hưởng lợi từ đà tăng của giá sợi. Từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021, giá sợi đã tăng 25% do năng suất sản xuất của vụ bông vừa qua thấp và sản lượng bông tồn kho toàn cầu cũng giảm đáng kể. Theo Vinatex, thị trường bông toàn cầu sẽ thâm hụt nguồn cung vào khoảng 1 triệu tấn trong năm 2021. Các nhà sản xuất sợi sẽ tận dụng được lợi thế từ việc tăng giá sợi. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất vải và may mặc sẽ phải đối mặt với thách thức tăng giá nguyên vật liệu đầu vào.

Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   TCBS: Thông báo về việc ký Hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2021 (16/06/2021)

>   TCBS: Thông báo về việc ký Hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2021 (16/06/2021)

>   VJC: Nhắc nhở chậm công bố Báo cáo thường niên năm 2020 (16/06/2021)

>   TMT: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 (16/06/2021)

>   TMT: Thông báo đường dẫn về Điều lệ sửa đổi, bổ sung lần thứ 18 (16/06/2021)

>   TMT: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 (16/06/2021)

>   FUEVFVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 15/06/2021 (16/06/2021)

>   FUESSVFL: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 15/06/2021 (16/06/2021)

>   FUEVN100: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 15/06/2021 (16/06/2021)

>   FUEMAV30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 15/06/2021 (16/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật