Động lực nào đẩy cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất vắc xin ở Nha Trang dậy sóng?
Cổ phiếu BIO của CTCP Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (Biopharco, UPCoM: BIO) đã tăng giá phi mã gần 1,600% (gấp 17 lần) chỉ trong vòng 1 tháng, đạt đỉnh vào cuối tháng 5/2021. Liệu đâu là động lực giúp một cổ phiếu bị lãng quên trên sàn UPCoM bất ngờ dậy sóng?
Từ một cổ phiếu bị “lãng quên” đến đà tăng giá 1,600%
Bước lên sàn UPCoM từ năm 2018, song mãi đến 22/04/2021, BIO mới ghi nhận giao dịch đầu tiên với 100 cp khớp lệnh. Cũng từ đây, cơn sóng tăng giá cổ phiếu đã bắt đầu nổi lên. Từ 9,500 đồng/cp, thị giá BIO đã leo một mạch lên đỉnh 161,000 đồng/cp (phiên 27/05), tức tăng gần 1,600% (gấp 17 lần), chỉ ngót nghét trong vòng 1 tháng.
Đồng thời, từ một cổ phiếu trắng thanh khoản, bị “lãng quên” trên sàn UPCoM, BIO bất ngờ ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân 21,000 cp/phiên trong hơn 1 tháng trở lại đây. Cá biệt có phiên khối lượng gần 200,000 cp (phiên 08/06).
Diễn biến giá cổ phiếu BIO từ đầu năm 2021 đến phiên 09/06
|
Sóng… “vắc xin”?
Đi cùng với sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, vắc xin bất ngờ trở thành một trong những đề tài được quan tâm hàng đầu. Việc cung cấp vắc xin cho người dân kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu nhất, triệt để nhất nhằm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 về lâu dài.
Hình minh họa. Nguồn: Internet
|
Hiện tại, việc phân phối vắc xin vẫn phải thông qua Chính phủ, Bộ Y tế. Thông tin mới đây nhất, đầu tháng 6/2021, Bộ Y tế vừa công bố danh sách 36 đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin, bao gồm vắc xin Covid-19. Trong đó, với các vắc xin đã được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (từ các cơ sở sản xuất: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson...), Bộ sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc xin phòng Covid-19.
Trong số 36 đơn vị nói trên, những doanh nghiệp có cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán gồm Dược phẩm Bến Tre (HOSE: DBT), Dược phẩm Trung ương Codupha (UPCoM: CDP), Dược và Thiết bị Y tế Đà Nẵng (UPCoM: DDN) hay Dược phẩm Trung ương CPC1 (UPCoM: DP1).
Một điều trùng hợp là cổ phiếu của những đơn vị này đồng loạt bật tăng sau thông tin mà Bộ Y tế đưa ra.
Cổ phiếu DDN, DBT, CDP, DP1 bật tăng giai đoạn đầu tháng 6/2021
Nguồn: VietstockFinance
|
BIO không góp tên trong danh sách được cấp phép mà chỉ có tổ chức liên quan là Dược phẩm Bến Tre.
Dược phẩm Bến Tre “bán lúa non”
Khi cổ phiếu BIO bắt đầu nổi sóng thì cơ cấu cổ đông lớn của đơn vị này cũng rục rịch thay đổi. Dược phẩm Bến Tre (HOSE: DBT) là cổ đông chiến lược tại BIO hơn 4 năm nay (từ 2016). Lúc bấy giờ, Dược phẩm Bến Tre đã chi ra gần 21 tỷ đồng để nắm 39.48% vốn sở hữu (sau đó BIO tăng vốn lên gấp 2.5 lần vào tháng 05/2017, đạt gần 86 tỷ đồng như hiện tại).
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của BIO (diễn ra tháng 4) đã chấp thuận cho DBT được quyền chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn cam kết (5 năm). Ngay sau khi được chấp thuận, cổ đông này đã bán ra toàn bộ gần 4.4 triệu cp tương đương 51.06% vốn tại BIO từ 05-06/05/2021. Hai phiên 05 và 06/05, cổ phiếu BIO ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận trùng khớp với Dược phẩm Bến Tre bán ra. Tổng giá trị giao dịch thỏa thuận đạt gần 69 tỷ đồng, tương ứng trung bình 15,800 đồng/cp.
Với mức giá này, DBT chắc hẳn sẽ tiếc nuối khi nhìn cổ phiếu BIO sau đó tăng lên mức kỷ lục 161,000 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, ông Lê Đình Phan mua hơn 2.7 triệu cp vào ngày 06/05, nâng sở hữu lên 39.04% vốn. Bà Nguyễn Thị Kim Chung cũng đã gom thêm hơn 1.6 triệu cp vào 1 ngày trước đó, tăng sở hữu lên thành 34.94% vốn.
Ông Phan và bà Chung chính là 2 trong 3 cái tên vừa mới trúng cử vào HĐQT BIO nhiệm kỳ 2021-2025 (người còn lại là bà Dương Thị Mai); số lượng thành viên Ban lãnh đạo đã tinh giảm từ 6 xuống còn 3 người. Trong đó, ông Lê Đình Phan được bầu vào ghế Chủ tịch, thay thế cho ông Phạm Thứ Triệu - TGĐ Dược phẩm Bến Tre miễn nhiễm.
BIO kinh doanh ra sao?
Điểm qua về tình hình kinh doanh của BIO, dễ thấy đây là doanh nghiệp có quy mô kinh doanh khiêm tốn và đà tăng trưởng chưa ấn tượng.
Đọc qua tên gọi cũng đoán được phần nào về lĩnh vực hoạt động của BIO. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất/bán buôn vắc xin và sinh phẩm y tế (chế phẩm sinh học dành cho người); sản xuất/buôn bán thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng;…
BIO tiền thân là Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 2 trực thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế, thành lập vào năm 2001. Doanh nghiệp cổ phần hóa vào 2016 với vốn điều lệ ban đầu là 34.62 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, gần 8.6 triệu cp BIO đã được đưa vào giao dịch trên sàn UPCoM, tương ứng với vốn điều lệ gần 86 tỷ đồng (giữ nguyên đến nay).
Tình hình tài chính của BIO các năm qua không có nhiều điểm đặc sắc. Doanh thu giai đoạn 2017-2020 chưa tới 40 tỷ đồng, lãi ròng cao nhất cũng chỉ đạt 5 tỷ đồng (vào 2020).
Kết quả kinh doanh của BIO từ 2017-2020 và kế hoạch năm 2021. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Đáng chú ý là lượng bán thành phẩm với bên liên quan là Dược phẩm Bến Tre luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu đem về, dao động từ 65%-73% suốt 4 năm gần đây. Đến 31/12/2020, BIO còn đang ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn đối với Dược phẩm Bến Tre số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Doanh thu của BIO từ 2017-2020. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Với kết quả kinh doanh chưa thật sự ấn tương, cổ tức càng không phải là yếu tố hấp dẫn nếu đầu tư vào doanh nghiệp này. Bởi lẽ, tỷ lệ chia cổ tức cho các năm 2018-2020 chỉ từ 2-3% (mỗi cổ phiếu nhận được 200-300 đồng).
Sang năm 2021, Công ty cũng chỉ đặt kế hoạch xấp xỉ các năm trước. Doanh thu ở mức 35 tỷ đồng và lãi ròng dự kiến 4.5 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến chia với tỷ lệ 3%.
Kế hoạch kinh doanh có gì mới?
Giai đoạn 2021-2025, BIO muốn triển khai dự án đầu tư nâng cấp nhà xưởng sản xuất thực phẩm chức năng đạt tiêu chuẩn GMP, từ đó phát triển thêm mặt hàng, tăng doanh thu.
Trước mắt, Ban điều hành đề xuất đầu tư phân xưởng số 2 theo tiêu chuẩn GMP nhằm duy trì sản xuất và phát triển thêm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, do nhận thấy đang có nhiều khách hàng quan tâm nhóm sản phẩm này. Công ty cũng tiếp tục tìm kiếm đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất chủng vi sinh mới.
Điểm mới nữa trong năm 2021 là BIO vừa bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh, trong đó có lĩnh vực “xuất, nhập khẩu vắc xin, huyết thanh, sinh phẩm y tế,…”
BIO bổ sung ngành nghề kinh doanh năm 2021
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của BIO
|
Tựu trung lại, pha “dậy sóng” của cổ phiếu BIO dường như đến từ những yếu tố ngoài nội tại doanh nghiệp. Đó có thể là kỳ vọng tăng trưởng trước xu hướng xuất nhập khẩu/kinh doanh vắc xin hay làn sóng mua bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ/bên liên quan.
Song, việc kinh doanh còn ì ạch, triển vọng chưa rõ ràng cùng thanh khoản cổ phiếu không cao đang là những điểm trừ ở doanh nghiệp này.
Cổ phiếu rớt giá trước làn sóng bán ra của người nội bộ
Sau biến động thành phần Ban lãnh đạo và cổ đông lớn, BIO còn chứng kiến làn sóng thoái vốn đến từ người nội bộ.
Dù vừa mới mua vào, bà Nguyễn Thị Kim Chung - thành viên HĐQT lại muốn bán ra 450,000 cp từ ngày 27/05-25/06, nhằm hạ sở hữu xuống còn 2.5 triệu cp (29.7% vốn).
Tổng Giám đốc (TGĐ) Nguyễn Thành Long cũng dự định thoái bớt 11,800 cp đang nắm giữ. Trong khi đó, các ông/bà Huỳnh Thị Thanh Thảo (Phó TGĐ), Trần Thanh Hải (Phó TGĐ) và Nguyễn Thị Khánh Ninh (người uỷ quyền công bố thông tin) đã bán 1,000-1,600 cp từ 27/05-25/06.
Dường như gặp tác động bởi diễn biến thoái vốn của người nội bộ công ty, cổ phiếu BIO đã rơi tự do từ đỉnh 161,000 đồng/cp (phiên 27/05) xuống dưới 70,000 đồng/cp (phiên 03/06). Thị giá “bốc hơi” tới 57% chỉ sau 5 phiên và xu hướng giảm vẫn còn tiếp diễn các phiên sau đó (kết phiên 17/06 ở 58,500 đồng/cp).
|
Duy Na
FILI
|