Dịch COVID-19: Campuchia cắt giảm chi tiêu ngân sách
Nền kinh tế Campuchia đã giảm 3,1% năm 2020 do hậu quả của đại dịch COVID-19. ADB hy vọng nền kinh tế này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021, cụ thể là tăng trưởng 4% năm nay và 5,5% năm 2022.
Một góc thủ đô Phnom Penh-Campuchia
|
Theo phóng viên tại Phnom Penh, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF) đã ban hành thông tư điều chỉnh chi tiêu ngân sách năm 2021 do các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 tại một số khu vực đã ảnh hưởng chung đến khung ngân sách quốc gia năm nay.
Theo MEF, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đòi hỏi Chính phủ Campuchia phải xem xét lại một số khoản chi trong kế hoạch để tiết kiệm ngân sách, chuyển cho quỹ xử lý các vấn đề cần ưu tiên trong cuộc chiến chống COVID-19 và giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế và xã hội, theo đó Bộ này đã hướng dẫn tất cả các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan hành chính công chuẩn bị điều chỉnh chi tiêu ngân sách năm 2021.
Một số bộ, cơ quan được yêu cầu giảm chi ngân sách ít nhất 50%, đồng thời giảm chi vốn ngân sách nhà nước bằng cách hoãn giải ngân 11% gói tín dụng đối ứng. Tuy nhiên, thông tư này miễn trừ đối với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, một số cơ quan hành chính dưới cấp quốc gia và các sở trực thuộc tỉnh và thành phố chuyên trách phòng chống COVID-19.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth cho biết việc ban hành thông tư trên là cần thiết vừa để đảm bảo các bộ, ban, ngành hoạt động bình thường, vừa giúp duy trì ổn định đời sống người dân, đặc biệt là những gia đình nghèo và dễ bị tổn thương.
Làn sóng lây nhiễm thứ ba đang khiến tình hình kinh tế-xã hội Campuchia điêu đứng. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Cho biết kinh tế Campuchia đã giảm 3,1% năm 2020 do hậu quả của đại dịch COVID-19. ADB hy vọng nền kinh tế này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021, cụ thể là tăng trưởng 4% năm nay và 5,5% năm 2022./.
Trang Nhung
Vietnam+
|