ĐHĐCĐ Tân Cảng Logistics: Vì sao cổ tức năm 2021 dự kiến thấp hơn 2020?
Ngày 15/06, ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (Tân Cảng Logistics, HOSE: TCL) đã diễn ra. Ban lãnh đạo TCL cho biết đến tình hình kinh doanh những tháng đầu năm của Công ty vẫn ổn định, vượt khoảng 2-3% kế hoạch đề ra.
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của TCL diễn ra sáng ngày 15/06
|
*Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của TCL
Cổ tức 50% cho 2020, 22% cho 2021
Năm 2020, TCL mang về gần 104 tỷ đồng lãi sau thuế, vượt 1% kế hoạch. ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 50%/vốn điều lệ, tương ứng gần 151 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối đến cuối năm là 71 tỷ đồng. Cổ đông tán thành đề xuất của HĐQT về việc chốt danh sách chia cổ tức năm 2020 vào ngày 16/07/2021.
Phương án chia cổ tức năm 2021 dự kiến sẽ thấp hơn, ở mức 22% tương ứng hơn 66 tỷ đồng. Đáng chú ý là mục tiêu lãi sau thuế năm 2021 không hề đi lùi. Cụ thể, lãi sau thuế năm 2021 dự kiến trên 109 tỷ đồng, tăng trưởng gần 6% so với 2020.
Ông Lê Văn Cường - Giám đốc kiêm thành viên HĐQT cho biết theo quy định thì lợi nhuận mỗi năm sẽ phân phối hết. Trong các năm trước, Công ty chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ dao động từ 15-25%/vốn điều lệ, riêng năm 2020 chia cổ tức cao tới 50%/vốn điều lệ do còn phần thặng dư từ các năm trước bổ sung vào. Điều này cũng tạo ra một vấn đề là khi có cơ hội đầu tư dự án thì Công ty lại không có sẵn nhiều tiền.
Do đó, năm 2021, HĐQT kiến nghị giữ lại nhiều hơn để có nguồn lực thực hiện các dự án khi có cơ hội. Cổ tức cho năm 2021 theo đó dự kiến chia với tỷ lệ 22%/vốn điều lệ. Tỷ lệ trích quỹ khen thưởng là 30%/LNST (năm 2020 là 10%).
Nếu tình hình kinh doanh tích cực, phương án chia cổ tức năm 2021 có thể sẽ điều chỉnh sau.
Kết quả kinh doanh từ 2017-2020 và kế hoạch 2021 của TCL. Đvt: Tỷ đồng
|
Thuận lợi và khó khăn trong năm 2021
TCL dự kiến sản lượng xếp dỡ container tại bãi ở mức 2.94 triệu Teus, giảm 2% so với 2020. Sản lượng dịch vụ thông qua depot tăng trưởng 4% lên mức 2.05 triệu Teus.
Ban lãnh đạo nhìn nhận các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như những lo ngại về rắc rối liên quan tới thuế quan đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ vẫn đang tiếp diễn. Điều này sẽ mang lại cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2021 và sau dịch.
Năm nay, dự kiến sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng SNP tăng trưởng hơn 5% so với năm 2020; một số dự án trong chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 sẽ triển khai trong năm 2021.
Cảng Cát Lái dự kiến sẽ phải tăng trưởng sản lượng tối thiểu 5%. Để có thể đạt được mức tăng sản lượng nêu trên thì toàn bộ lượng rỗng nhập về cảng Cát Lái sẽ phải chuyển ra các depot liên kết, trong đó chủ yếu là depot Tân Cảng Mỹ Thủy, tạo cơ hội cho TCL phát triển.
Về khó khăn, theo TCL, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid 19, các kịch bản kinh tế liên tục được thay đổi và rất khó dự báo, các doanh nghiệp luôn ở thế bị động, chờ thời cơ.
Mặc dù đã nỗ lực phòng chống, nhưng bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề. Nhiều lĩnh vực chịu tác động nặng như nông lâm thủy sản đã ảnh hưởng trực tiếp sản lượng xuất khẩu của Việt Nam năm 2021.
Trong khi đó, thị phần xếp dỡ container tại bãi của TCL đang bị thu hẹp do Công ty triển khai nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị xếp dỡ trong Cảng Cát Lái; hạ tầng cơ sở của TCL chủ yếu đi thuê, thời hạn ngắn nên công tác duy tu sửa chữa chỉ đảm bảo phù hợp với thời gian thuê, việc này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của depot.
Kế hoạch đầu tư năm 2021
Số tiền TCL dự kiến đầu tư xây dựng cơ bản năm nay đạt 75.8 tỷ đồng. Trong đó, khu vực Tân Cảng chiếm 54.8 tỷ đồng, chủ yếu là xây kho hàng (khu 15 ha). Công ty còn muốn dùng 21 tỷ đồng cho dự án nâng cấp depot Tân Cảng Mỹ Thủy 2.
Về lâu dài, TCL cũng đang nghiên cứu, "nhắm" đến các dự án cảng biển sâu. Song, Ban lãnh đạo đánh giá đây là cuộc đầu tư rất lớn, số vốn bỏ ra có thể lên đến cả ngàn tỷ đồng, gấp nhiều lần vốn điều lệ hiện tại của TCL.
Nhìn lại tình hình đầu tư trong năm 2020, tổng số tiền TCL đã rót ra là 25.3 tỷ đồng, chỉ đạt 43.3% kế hoạch. Trong đó đầu tư xây dựng cơ bản 13.5 tỷ đồng và việc thoái thoái vốn tại 3 công ty chưa thực hiện được.
Ban lãnh đạo giải trình điều này nguyên nhân chủ yếu do việc đầu tư xây kho tại ICD Tân Cảng Nhơn Trạch chưa thực hiện được. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Về thoái vốn, TCL cho biết do thủ tục xin phép chưa được thông qua.
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của TCL diễn ra sáng ngày 15/06
|
Cuộc họp kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua. Ông Hoàng Đức Thịnh trúng cử vào HĐQT, ông Phạm Văn Phượng và bà Lê Thị Kim Chung được bầu vào Ban Kiểm soát.
Duy Na
FILI
|