ĐHĐCĐ TAC: Lãi trước thuế 6 tháng tăng 23%, lên kế hoạch tiến ra thị trường phía Bắc
Trong giai đoạn sắp tới, CTCP Dầu Thực vật Tường An (HOSE: TAC) dự kiến đầu tư nhà máy tại Vinh nhằm mở đường đưa sản phẩm tiến ra thị trường phía Bắc. Khâu phân phối và marketing trong tương lai sẽ được phía Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) đảm nhiệm.
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của TAC được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
|
Chiều ngày 17/06, ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CTCP Dầu Thực vật Tường An (HOSE: TAC) đã được tổ chức.
Ban lãnh đạo TAC trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần 5,266 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 232 tỷ đồng, lần lượt cao hơn 0.36% và 5% so với năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2021 là 20%.
“Kế hoạch đầu năm đã được chúng tôi chuẩn bị khá chu đáo nhưng hiện đang bị tác động bởi dịch, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập người tiêu dùng và họ sẽ chi tiêu cẩn trọng hơn” - Tổng Giám đốc Bùi Thanh Tùng chia sẻ tại Đại hội.
Theo ông Tùng, trong năm 2021 tính đến thời điểm này, TAC gặp khá nhiều khó khăn về vấn đề bán hàng. Do đó, các kênh bán hàng của TAC sẽ có sự thay đổi lớn để tiếp cận người tiêu dùng.
Nửa đầu năm 2021, doanh thu TAC dự kiến đạt xấp xỉ 3 ngàn tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi đó lợi nhuận trước thuế ước đạt 105 tỷ, tăng 23%.
Tổng Giám đốc TAC - ông Bùi Thanh Tùng trình bày tại Đại hội.
|
Tại Đại hội, Tổng Giám đốc Tùng cho biết 6 tháng cuối năm nay là giai đoạn cần thận trọng vì tình hình nguyên liệu đầu vào và môi trường kinh doanh có nhiều biến động phức tạp, do ảnh hưởng của dịch bệnh lên chuỗi cung ứng và thu nhập người tiêu dùng. “Trong thời điểm này chúng tôi tập trung giữ thị trường và đồng thời đảm bảo duy trì lợi nhuận”, ông nói.
Theo Tổng Giám đốc TAC, giá nguyên liệu đầu vào hiện đã tăng 67% so với cùng kỳ nhưng giá bán không thể tăng theo tương đương, bởi “thị trường và người tiêu dùng sẽ không chấp nhận”.
“Kế hoạch 6 tháng cuối được chúng tôi đặt ra rất thận trọng về vấn đề cơ cấu lại nguyên vật liệu cũng như cơ cấu lại sản phẩm. Nguyên vật liệu dầu hiện nay hầu như là nhập khẩu. Thứ nhất, chúng ta cần thận trọng về nguồn nhập và thứ hai là về giá bởi giá đang ở đỉnh cao nhất 10 năm” - ông Tùng chia sẻ.
Tiến ra thị trường phía Bắc
Trong phần thảo luận tại Đại hội, Thành viên HĐQT TAC – bà Nguyễn Thị Xuân Liễu chia sẻ về mục tiêu đứng đầu ngành dầu Việt Nam của Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC), mà TAC là một phần trong đó.
“Chúng tôi sẽ phát triển, mở rộng nhà máy Vinh và tạo điều kiện để đưa hàng từ miền Nam ra miền bắc. Chỉ trong thời gian nữa thôi quý vị sẽ thấy hàng hóa của TAC tràn đầy trên thị trường miền Bắc.
Chúng tôi tin tưởng rằng sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty là điều cần thiết, giúp cho người tiêu dùng có được nhiều sản phẩm tốt hơn. Nhưng chúng tôi cũng có quyền kỳ vọng rằng sẽ chiếm lĩnh thị trường phía bắc và giữ vị trí cao nhất trong ngành dầu” - bà Liễu nói.
Cũng tại Đại hội thường niên 2021, Ban lãnh đạo TAC đã được cổ đông thông qua việc đầu tư mở rộng Nhà máy Dầu Phú Mỹ và Nhà máy Dầu Vinh, với tổng mức đầu tư dự kiến 625 tỷ đồng và 292 tỷ đồng.
Tập trung vào cốt lõi
Một động thái đáng chú ý của TAC là định hướng tái cấu trúc mô hình kinh doanh, theo đó Công ty tập trung vào hoạt động cốt lõi là sản xuất, phát triển sản phẩm và chuyển các hoạt động kinh doanh, marketing sang cho KDC.
Theo Tổng Giám đốc Tùng, sự hỗ trợ của KDC trong khâu phân phối giúp TAC gia tăng năng lực cạnh tranh và tối ưu chi phí. Trong khi đó, TAC tập trung làm tốt vai trò sản xuất, tiếp tục gia tăng sản lượng và sản phẩm đưa ra thị trường. Công ty sẽ tiến hành cao cấp hóa sản phẩm và nhắm vào các dòng sản phẩm chuyên biệt như dầu nành, dầu mè và dầu ô liu.
Sau khi được ĐHĐCĐ chấp thuận phương án tái cấu trúc, TAC sẽ ký hợp đồng mua bán sản phẩm với KDC, theo đó, KDC sẽ thực hiện phân phối, bán sản phẩm cho tất cả các kênh bán hàng trong và ngoài nước.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Tại Đại hội, Chủ tịch TAC - ông Trần Lệ Nguyên đã có những chia sẻ về thời điểm sáp nhập TAC vào KDC. Theo đó, thương vụ sẽ được Ban lãnh đạo trình sự chấp thuận của ĐHĐCĐ sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoàn tất thoái vốn khỏi Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, UPCoM: VOC).
Tính đến thời điểm hiện tại, VOC vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 26.5% cổ phần tại TAC, trong khi đó, KDC nắm 51% cổ phần và nắm quyền kiểm soát.
|
Thừa Vân
FILI
|