Bài Cập nhật
ĐHĐCĐ HBC: Khả năng thu về hơn ngàn tỷ từ thoái vốn các dự án
Chiều ngày 21/06, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 nhằm trình cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận đồng loạt tăng trưởng. Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
* Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của HBC
Thảo luận
"Trong 2 năm tới, chắc chắn giá cổ phiếu sẽ được cải thiện"
Có cách nào nâng giá cổ phiếu lên không? Có ai đó thao túng giá cổ phiếu không?
Ông Đặng Doãn Kiên - Trưởng Ủy ban Kiểm toán nội bộ: Nhiều khi trong thị trường các cổ phiếu không được định giá đúng với giá trị cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp giảm giá như bất động sản trong khi dòng ngân hàng, chứng khoán, thép lại tăng giá rất nhiều. Cổ đông HBC đa số là cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông nắm dài hạn không nhiều nên giá cổ phiếu bị ảnh hưởng xấu trong thời gian qua.
Chúng tôi thực sự không biết được có ai đó thao túng giá cổ phiếu không. Nếu cổ đông nào biết thì báo để các cơ quan được nắm chứ chúng tôi không hề liên quan đến vấn đề này.
Tại sao HĐQT, Ban TGĐ không có động thái mua cổ phiếu quỹ để giá cổ phiếu HBC sụt giảm, có khi giá rơi từ 19,000 đồng về 13,000 đồng?
Ông Đặng Doãn Kiên: Thực tế mua cổ phiếu quỹ rất khó khăn, việc đó không thể diễn ra nhanh chóng được, nếu muốn mua phải tiến hành xin phép. Nếu sử dụng vốn vay của Ngân hàng chúng ta không thể dùng để mua cổ phiếu quỹ được. Công ty nào cũng phải có kế hoạch dài hạn.
Trước đây, chúng ta mua cổ phiếu có thể giữ lại để bán hoặc kinh doanh hay thưởng cho nhân viên. Theo luật mới, chúng ta khi mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn do đó để mua rất khó. Chúng tôi chỉ biết cách làm sao để tiết giảm chi phí, trúng nhiều thầu hơn, đảm bảo kết quả kinh doanh để giúp giá cổ phiếu tăng trưởng.
Tại sao cổ phiếu HBC liên tục bị bán đều đặn phiên ATC? Công ty có biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư không?
Ông Đặng Doãn Kiên: Giá cổ phiếu thường bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố như tình hình vĩ mô, chính sách về thuế, xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế, nội tại doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông. Nếu cổ đông đa số lướt sóng và có những giao dịch rất đặc biệt ở những nhóm cổ đông rất khó hiểu làm giá cổ phiếu bị nhiễu, chúng tôi không thể nào điều tra để biết được. Đó là một thực trạng của thị trường.
Đối với HBC, một trong những chính sách chúng ta sẽ làm mạnh hơn trong thời gian tới là làm việc với bộ phận phân tích của CTCK… Tôi nghĩ sau một thời gian “thay máu”, cổ phiếu sẽ đạt được mức độ tăng trưởng và đi về giá trị thật của doanh nghiệp.
Dự báo giá cổ phiếu trong tương lai như thế nào?
Chủ tịch Lê Viết Hải: Giá cổ phiếu HBC trước đây có lúc gấp 2 lần rưỡi giá trị sổ sách. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, dịch bệnh kéo dài hơn dự báo. Việc cấp phép trong xây dựng chưa được cải thiện nhiều. Nhiều công trình của HBC thuộc về lĩnh vực du lịch, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên doanh thu HBC vẫn chưa cải thiện được, thu hồi nợ có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. HĐQT quyết tâm thực hiện bằng các dự án thoái vốn. Tôi tin trong 2 năm tới, tình hình sẽ cải thiện nhiều, chắc chắn giá cổ phiếu cũng sẽ được cải thiện.
Công ty có kế hoạch gì để đảm bảo kết quả khi Covid còn kéo dài?
Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu: Ở thời điểm hiện tại, giá trị trúng thầu 6 tháng ước tính đạt 9,408 tỷ đồng, khả năng từ 6 tháng đến cuối năm vượt kế hoạch rất khả thi. Kế hoạch đề ra hoàn toàn có thể đạt được.
Dịch Covid có những ảnh hưởng khá mạnh đến doanh thu của Tập đoàn trong năm 2020 và vẫn tiếp tục trong năm 2021. Có một số dự án triển khai chậm, huy động nhân công khó khăn, rủi ro về lây nhiễm khiến 1 số dự án phải dừng thi công. Chúng tôi đưa ra một số biên pháp phòng chống dịch như 5K, xịt khuẩn, cung cấp nước rửa tay, đảm bảo khoảng cách và HBC cũng lên phương án ứng phó nhanh nếu dịch lây nhiễm…
Kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu chưa được cụ thể, Công ty hãy giải trình?
Ông Đặng Doãn Kiên: Quá trình tăng vốn diễn ra rất lâu, được cổ đông thông qua chúng tôi mới tiến hành làm việc với đối tác mới có thể chốt được phương án cụ thể. Khi nào có phương án, chúng tôi sẽ trình cổ đông.
Việc tăng giá thép ảnh hưởng như thế nào đến HBC?
Ông Lê Viết Hiếu: Tình hình giá vật liệu xây dựng là thép, nhôm, đồng tăng hơn 40% tính từ cuối năm 2020 đến thời điểm hiện tại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến HBC. Để đối phó với việc này, HBC đã áp dụng một số biện pháp trong khả năng như chủ động làm việc với những nhà cung cấp lớn về điều kiện hợp đồng thanh toán, mua dự trữ trước theo kế hoạch thi công để giảm thiểu thiệt hại.
HBC đã đàm phán và nhiều chủ đầu tư đã xác nhận việc tăng giá thép nên đã hiểu và đáp trả tinh thần hợp tác với HBC trong thời gian khó khăn này, đã hỗ trợ rất nhiều trong việc trượt giá thép.
HBC cũng đốc thúc các công văn gửi tới Chính phủ về vấn đề kiểm soát lại giá thép. Nếu giá thép tăng quá cao sẽ gây cản trở rất nhiều cho nền kinh tế Viêt Nam.
Thu về 500-800 tỷ đồng từ việc thoái vốn các dự án trong năm 2021
HBC thành lập Công ty TNHH MTV HBIC, mục tiêu là gì, hoạt động như thế nào trong tương lai?
Chủ tịch Lê Viết Hải: Trước đây, chúng ta đầu tư vào trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình ở Khu Công nghệ cao. Đây là 1 vị trí đắc địa, khi mà Thành phố Thủ Đức hình thành, dự án càng có tính ưu việt hơn. Chúng ta đã đóng đầy đủ tiền thuê đất 50 năm. Hiện nay, đã hợp tác với 1 đơn vị chuyên ươm tạo, phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển. Mục tiêu của dự án để phục vụ cho các dự án khi HBC phát triển ra thị trường nước ngoài. Chúng ta không chỉ cạnh tranh về giá mà còn cả về công nghệ và kỹ thuật.
Thoái vốn các dự án bất động sản nào? Khả năng 2021 sẽ thoái được bao nhiêu?
Ông Lê Viết Hải: Hiện nay, HBC có đầu tư khoảng 11 dự án. Trong đó, có 4 dự án lớn là Ascent Garden Home, 1C Tôn Thất Thuyết, Ascent Plaza và Ascent Lakeside.
Riêng dự án số 1C Tôn Thất Thuyết mua 100 tỷ đồng nhưng hiện nay chúng ta sẽ thoái vốn 1 mức không dưới 400 tỷ đồng vì đây là dự án tốt, 5,000 m2 ở quận 4. Dự án Ascent Lakeside hoàn thành xây dựng đã bán 90% chuẩn bị thu hồi vốn và bàn giao nhà, khả năng sau khi hoàn tất thu được 400 tỷ.
Dự án Ascent Garden Home quy mô khoảng 500 căn hộ. Hiện nay có hợp tác nước ngoài trong khoảng đầu tư. Nếu thoái vốn có thể thu về không dưới 250 tỷ đồng.
Đối với dự án Ascent Plaza, HBC đầu tư trên 200 tỷ đồng. Với những dự án lớn trên, khả năng HBC sẽ thu về hơn 1,000 tỷ đồng.
Chúng tôi sẽ thoái vốn tại một số Công ty con, Công ty liên kết là Công ty chứng khoán Sen Vàng dự kiến sẽ thu hồi về 30 tỷ đồng, thoái vốn tại Công ty Sản xuất bê tông sợi thủy tinh có quy mô nhỏ, Công ty MHB hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, HBC chủ trương sẽ sáp nhập vào Công ty Inter House chuyên sản xuất đồ mộc.
Trong năm 2021, chúng tôi chủ trương việc thoái vốn có thể giúp HBC thu về 500 - 800 tỷ đồng và sẽ tiếp tục thu hồi vốn ở các dự án bất động sản trong năm 2022.
FLC cam kết đến tháng 4/2022 sẽ trả hết 285 tỷ đồng cho HBC
Theo công bố thông tin, HBC đã thắng kiện FLC nhưng sau đó, FLC lại kiện HBC, đề nghị HBC nói rõ việc này?
Ông Lê Viết Hải: Vụ kiện giữa HBC với FLC đến nay đã kết thúc, ngày mai biên bản thỏa thuận trong việc thi hành án sẽ được ký tại cơ quan thi hành án Hà Nội. Theo biên bản thỏa thuận, FLC sẽ trả cho HBC tổng cộng 285 tỷ đồng trong đó nợ gốc 192 tỷ đồng (Lẽ ra FLC phải thanh toán 303 tỷ cho cả 2 hợp đồng).
Vừa qua FLC đã thanh toán được 20 tỷ đồng cho HBC ở Hợp đồng 27, còn lại khoảng 15 tỷ đồng. Mặt khác, tại Hợp đồng 18, nợ gốc là 162 tỷ thì theo phán quyết của toà, FLC sẽ thanh toán 234 tỷ nhưng do phát sinh lãi thanh toán chậm, do đó giá trị lên đến 250 tỷ đồng.
FLC cam kết sẽ rút các đơn kiện đã gửi các nơi. Cam kết thanh toán mà FLC phải thực hiện là tháng 6 là 15 tỷ, tháng 7- tháng 12 là 20 tỷ và sang năm mỗi tháng 25 tỷ cho 3 tháng đầu tiên và tháng tiếp theo là phần còn lại.
Nếu FLC trễ một lần theo phán quyết của tòa thì việc phát sinh lãi sẽ được tính từ đầu. Tôi hy vọng rằng không có lý do nào để FLC sẽ bị cưỡng chế thi hành án thêm một lần nào nữa.
HBC có còn hợp tác với FLC thời gian tới?
Ông Lê Viết Hải: Sau khi kết thúc vụ kiện, phía FLC cũng đã có những chia sẻ cảm thấy tiếc nuối về sự cố vừa qua. Phía HBC thì luôn mở lòng, tuy nhiên cũng nhấn mạnh sẽ không để sự việc như vừa qua tái diễn. Nhìn chung, HBC vẫn mong hợp tác với FLC nếu có cơ hội.
ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra chiều ngày 21/06/2021
|
Mở đầu Đại hội, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT HBC chia sẻ với cổ đông: “Năm 2020 vừa qua có thể khẳng định là năm khó khăn nhất trong hơn 33 năm hình thành và xây dựng của HBC. Thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có các dự án được chấp thuận xây dựng cộng thêm dịch Covid-19 khiến ngành xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều nhà đầu tư đã đánh giá HBC khó có thể vượt qua khủng hoảng khi giá cổ phiếu có lúc xuống mức 6,000 đồng/cp. Tuy nhiên, HBC đã đưa ra loạt giải pháp như tái cấu trúc hệ thống nguồn nhân lực và tài chính. Đồng thời, tái cấu trúc mô hình kinh doanh, chuẩn bị thiết lập hệ sinh thái đa quốc gia.
Doanh nghiệp xây dựng Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây không có quá nhiều sự cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, thậm chí là thị trường toàn cầu. Hiện tại, HBC có 1 số dự án thực hiện tại Canada nhưng chưa triển khai được do đại dịch vẫn còn nhiều ảnh hưởng”.
Kế hoạch trúng thầu 14,000 tỷ đồng trong năm 2021
Về cơ hội trong năm 2021, ông Lê Viết Hiếu cho biết: “Vaccine Covid-19 bắt đầu được phân phối trên một số nước sẽ tạo điều kiện mở cửa kinh tế tiếp đón dòng vốn FDI. Bên cạnh đó, nhu cầu dịch chuyển sản xuất và nhà máy từ Trung Quốc và Châu Âu sang Việt Nam sẽ hâm nóng thị trường bắt động sản công nghiệp và du lịch quốc tế hồi phục sẽ làm tăng nhu cầu xây dựng bất đông sản du lịch trong nước.
Trong năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu trúng thầu 14,000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị trúng thầu của HBC trong 6 tháng đạt 9,408 tỷ đồng".
Năm 2021, HBC dự kiến doanh thu đạt 13,500 tỷ đồng, tăng 20% so với kết quả năm 2020. Theo đó, Công ty ước tính lợi nhuận sau thuế 2021 đạt 235 tỷ đồng, gấp hơn 2.8 lần năm 2020. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 5% bằng cổ phiếu và/hoặc bằng tiền mặt.
Tình hình kinh doanh của HBC qua các năm. Đvt: Tỷ đồng
|
Đại hội đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT triển khai, quyết định phương án thực hiện, mở rộng hay thu nhỏ quy mô các dự án đầu tư, có thể tăng, giảm tỷ lệ tham gia của HBC, triển khai, thực hiện thêm một số dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư địa ốc mới có tính khả thi.
Dự định phát hành chứng khoán có tổng giá trị không vượt quá 2,000 tỷ đồng
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 4/2018, năm 2021, Công ty sẽ phát hành 3.25 triệu cp cho CBCNV (ESOP) với giá bằng mệnh giá.
Đại hội đã thông qua phương án phát hành 4.62 triệu quyền mua cổ phiếu cho CBCNV trong năm 2021, 1 quyền mua được mua 1 cp với giá bằng mệnh giá, quyền mua có hiệu lực sau 3 năm kể từ ngày 01/01/2021 với điều kiện CNCNV làm việc cho Công ty liên tục trong 3 năm và không bị kỷ luật từ cấp 2 trở lên.
Ngoài ra, HBC dự định phát hành chứng khoán bao gồm trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu với tổng giá trị không vượt quá 2,000 tỷ đồng nhằm tăng vốn hoạt động kinh doanh. Giá phát hành cổ phiếu sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành. Thời điểm phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định cụ thể khi điều kiện thị trường phù hợp.
“Rục rịch” thay đổi Thành viên HĐQT
Thành viên HĐQT độc lập - ông Đặng Hồng Anh có đơn từ nhiệm và đã được HĐQT thông qua. Đồng thời, 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Đặng Doãn Kiên và ông Phương Công Thắng có nhiệm kỳ 2017-2021 đến nay đã kết thúc .
Đại hội đã thông qua việc bầu cử Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2021-2024, ứng viên trúng cử là ông Nguyễn Tường Bảo, ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng.
Tiên Tiên
FILI
|