ĐHĐCĐ FCN: Kế hoạch lãi 175 tỷ đồng, phát hành 32 triệu cp tăng vốn
Sáng ngày 30/6, Công ty CP FECON (FCN: HOSE) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 theo hình thức trực tuyến với nhiều nội dung quan trọng được thông qua trước các cổ đông.
FECON tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021
|
Giá trị ký hợp đồng 2020 đạt kỷ lục
Kết thúc năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu 3,154 tỷ đồng, tăng 2.2% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng.
Năm 2020 ghi nhận doanh số ký hợp đồng kỷ lục với tổng giá trị hợp đồng đã ký trên toàn hệ thống gần 6,000 tỷ đồng. Đặc biệt, một trong những mảng kinh doanh chiến lược mà FECON đang đẩy mạnh phát triển là xây dựng công nghiệp, trong đó nổi bật là các dự án năng lượng sạch... khi trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn tại các dự án điện gió như dự án B&T Quảng Bình, dự án Thái Hòa, dự án Trà Vinh V1.3, dự án Lạc Hòa – Hòa Đông, dự án Quốc Vinh Sóc Trăng…
Giá trị hợp đồng ký mới ghi nhận cho các dự án điện gió mà FECON tham gia là trên 2,000 tỷ đồng. Tại các dự án điện gió, FECON đều giữ vai trò nhà tổng thầu phần xây dựng và hạ tầng (CBoP), đảm nhận toàn bộ phần thiết kế và thi công các kết cấu chính và hạ tầng kỹ thuật cho công trình.
Kế hoạch doanh thu 3,900 tỷ, lãi hợp nhất 175 tỷ đồng
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, FECON đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3,900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24% và 31% so với thực hiện năm trước. Công ty dự kiến trích tối đa 15% quỹ khen thưởng phúc lợi cho năm 2021 và cổ tức sẽ không quá 10% vốn điều lệ (bằng tiền).
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của FECON
|
FECON cũng dự kiến dành 340 tỷ đồng đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo và dự án hạ tầng đô thị trong năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 1,220 tỷ đồng vào năm 2022.
Lãnh đạo FECON cho biết trong các mảng đầu tư, công ty đang ưu tiên cho lĩnh vực Khu công nghiệp. Hiện nay, FECON đang theo đuổi các KCN có vị trí thuận lợi ở Bắc Giang, Thái Nguyên với diện 465 ha, và 2 khu với diện tích 75 ha. FECON đang xem xét đầu tư thêm một khu công nghiệp phía nam, gần TP.HCM. Tuy nhiên, công ty chưa công bố cụ thể về dự án vì về mặt pháp lý công ty chưa hoàn toàn sở hữu.
Cũng theo lãnh đạo FECON, với lợi thế về xây dựng hạ tầng nên công ty sẽ triển khai được hầu hết các hạng mục trong thi công khu công nghiệp. FECON cũng có nhiều đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và điều này sẽ giúp công ty có lợi thế về khách thuê. Công ty tự tin rằng mảng khu công nghiệp sẽ mang lại lợi nhuận lớn trong vài năm tới.
Về căn cứ thực hiện kế hoạch năm 2021, ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc FECON cho biết công ty hiện đang thực hiện hợp đồng chuyển tiếp từ năm 2020 với giá trị khoảng 2,000 tỷ đồng. Ngoài ra, FECON cũng đặt mục tiêu ký mới hợp đồng với giá trị khoảng 5,000 tỷ đồng và từ đầu năm tới nay đã ký mới khoảng 1,500 tỷ đồng. Với khả năng chốt được 2 dự án nhiệt điện lớn, cùng các dự án năng lượng điện gió (khoảng 3,000 tỷ đồng), các dự án hạ tầng, dân dụng, FECON tự tin hoàn thành kế hoạch doanh thu 3,900 tỷ đồng.
Lãnh đạo FECON ước tính lợi nhuận từ mảng xây dựng khoảng 140–150 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty sẽ thực hiện thoái vốn, thu lợi nhuận từ các dự án đầu tư như điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 (kỳ vọng mang về hơn 30 tỷ đồng lợi nhuận). Các dự án BĐS cũng có thể mang về lợi nhuận nếu thị trường thuận lợi.
Chào bán riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu
Tại đại hội, cổ đông FECON cũng thông qua phương án phát hành chào bán riêng lẻ 32 triệu cp với mức giá 13,000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 416 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ FECON sẽ lên tới 1,574 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, thời điểm cụ thể được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và UBCKNN chấp thuận.
Ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT FECON cho biết giai đoạn 2020 và 2 năm trước đó, công ty đã có kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược; FECON đã có cơ hội tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Singapore. Trong năm 2020, FECON đã đàm phán với một nhà đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó công ty đã nhận được những thông tin không mấy tích cực về đối tác này. Để đảm bảo quyền lợi, FECON đã quyết định không đám phán tiếp với đối tác này.
Cũng theo ông Khoa, hiện FECON đang ở vòng đàm phán cuối với 2 nhà đầu tư tiềm năng. Trước đây, mức giá phát hành dự kiến là 15,000 đồng/cp, nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, giá cổ phiếu các doanh nghiệp xây lắp giảm sâu, FECON có thời điểm dưới 10,000 đồng, do đó mức giá phát hành đã được thay đổi còn 13,000 đồng/cp.
Cách duy nhất giúp giá cổ phiếu FCN tăng là lợi nhuận doanh nghiệp tăng
Trả lời câu hỏi cổ đông về diễn biến giá cổ phiếu FCN, ông Phạm Việt Khoa cho biết việc giá cổ phiếu chưa tăng nhiều do ngành xây dựng nói chung chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế trên toàn cầu. Các dự án bất động sản hầu hết bị dừng hoặc chậm tiến độ, các dự án hạ tầng, công nghiệp cũng vậy. Các nhà đầu tư, tư vấn nước ngoài không sang Việt Nam được. Bối cảnh thị trường khó khăn, tình hình các công ty xây lắp đều khó khăn trong nguồn việc. Do đó kết quả kinh doanh không như mong đợi, dẫn tới giá cổ phiếu bị ảnh hưởng không tăng được.
Cổ phiếu ngành xây lắp nói chung đều lao dốc và FCN cũng không nằm ngoài xu thế đó. Ông Khoa cho rằng cách duy nhất để tăng giá cổ phiếu là công ty có kết quả kinh doanh tốt hơn, lợi nhuận cao hơn trong thời gian tới.
Kết thúc đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua toàn bộ tờ trình của HĐQT với tỷ lệ biểu quyết rất cao, đều trên 99%.
FILI
|