Dệt may KMR trở lại 'đường đua', lãi sau thuế 6 tháng đạt 71% kế hoạch 2021
Gần đây, nhóm cổ phiếu dệt may có dấu hiệu tăng tốc nhờ sự phục hồi của đơn hàng và dự báo từ các chuyên gia về tiềm năng thị trường trong tương lai. Hòa chung đà tăng đó, cổ phiếu KMR của CTCP Mirae (HOSE: KMR) cũng ghi nhận sự đột biến về mọi mặt, từ kết quả kinh doanh đến giá cổ phiếu và đặc biệt là “ánh nhìn” của nhà đầu tư thông qua biến động về thanh khoản.
Theo kết quả kinh doanh được doanh nghiệp công bố, doanh thu quý 2 ước đạt 159 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế ước đạt 8.3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 3 tỷ đồng. Với kết quả này, ước tính doanh thu và lãi sau thuế 6 tháng lần lượt đạt 264 tỷ đồng và 12.7 tỷ đồng.
Năm 2021, KMR đặt kế hoạch đem về 493.5 tỷ đồng doanh thu và hơn 18 tỷ đồng lãi sau thuế. Trong đó, tấm bông chiếm 95% tổng doanh thu, còn lại là tấm chần gòn. Như vậy, doanh nghiệp dệt may này ước thực hiện được 53% chỉ tiêu doanh thu và 71% chỉ tiêu lãi sau thuế dù chỉ kết thúc nửa đầu năm.
Theo đại diện công ty, khả năng kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và vượt chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra.
Kết quả kinh doanh của KMR các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
Với chiến lược và tầm nhìn của Ban lãnh đạo về việc cơ cấu doanh thu, lợi nhuận và nâng cao tỷ trọng các mảng họat động hiệu quả cho doanh nghiệp, KMR đã cơ cấu lại doanh thu nhóm hàng chăn, ra, gối, đệm ở nhà máy Bình Dương và chuyển tăng doanh thu mảng tấm bông và tấm chần gòn. Công ty đã lắp đặt thêm 3 dây chuyền sản xuất tấm bông và tấm chần gòn. Ngoài ra, Công ty cho biết sẽ đẩy mạnh công tác marketing để tìm kiếm khách hàng mới, đặc biệt phối hợp với Công ty Mirae Fiber Tech tham gia các hội chợ triển lãm may mặc quốc tế, quảng bá hình ảnh Công ty và thương hiệu bông tấm cao cấp của Công ty Unifil và Pufian đến các khách hàng tiềm năng.
Nhà máy sản xuất của KMR
Đơn hàng dệt may phục hồi trở lại
Theo nhận định từ các chuyên gia, trong năm 2021, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch, tuy nhiên, ngành dệt may vẫn có những cơ hội lớn đến từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết.
Đặc biệt, hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu) và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu) với các cam kết mở cửa thị trường, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế vẫn là những tín hiệu tích cực từ thị trường EU cho ngành dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường EU với những tiêu chuẩn khắt khe, sẽ là một ngách thị trường tiềm năng, thuận lợi cho KMR bởi đơn vị này đã có chứng chỉ uy tín về tiêu thụ năng lượng xanh, sản xuất xanh…
Thêm vào đó, trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, nhiều đơn hàng xuất vào Mỹ đã rời Trung Quốc chuyển qua Việt Nam. Điều này sẽ tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ.
SSI Research dự đoán sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm ngành dệt may trong quý 2/2021 sẽ duy trì đến quý 3/2021. SSI Research cho biết hầu hết các công ty có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng 9/2021. Còn theo VNDirect, xuất khẩu dệt may của Việt Nam phục hồi theo nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của Mỹ và EU. VNDirect tin rằng giá trị xuất khẩu sẽ hoàn thành kế hoạch của Chính phủ Việt Nam, đạt 39 tỷ USD trong năm 2021.
Tiên Tiên
FILI
|