Đất nền vùng ven TP.HCM “lặng sóng”
Theo thống kê của nhiều đơn vị bất động sản, ở thị trường khu vực miền Nam, các điểm “nóng” về giao dịch nhà đất từng “đạt đỉnh” về mức độ quan tâm trong quý đầu năm thì đến nay đều suy giảm lượng thông tin tìm kiếm từ khách hàng.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch đất nền tại thời điểm nửa cuối quý 1/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Trong đó có một số vùng ven của TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…
MỨC ĐỘ QUAN TÂM ĐÃ GIẢM MẠNH
Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua. Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.
Báo cáo của Batdongsan.com.vn cũng chỉ rõ, ở thị trường khu vực miền Nam, các điểm “nóng” về giao dịch nhà đất từng đạt đỉnh về mức độ quan tâm trong tháng 3/2021 như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu đều suy giảm mức độ quan tâm trong tháng 4. Cụ thể, so với tháng 3, lượt tìm kiếm bất động sản tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu lần lượt giảm 7 -10%, trong khi Đồng Nai, Long An và Lâm Đồng có xu hướng giảm mạnh hơn, vào khoảng 12-15% so với tháng trước. Hầu như không có thị trường nào có lượt tìm kiếm nhà đất ghi nhận tăng trong tháng 4.
Còn theo ông David Jackson, CEO Colliers Vietnam, suốt nhiều năm gần đây, đất nền tại các khu vực vùng ven của TP. HCM luôn nằm trong danh mục ưa thích của nhà đầu tư. Nhưng cũng như nhiều phân khúc khác, giai đoạn này, đất nền cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và trong khoảng 6 tháng tới, sẽ rất khó để phân khúc này trở lại nhộn nhịp như đã từng.
Động lực quan trọng khiến phân khúc đất nền trở nên sôi động chính là cơ sở hạ tầng. Song hiện tại, nhiều nguồn lực đang được tập trung để chống dịch. Một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đã phải tạm ngưng hoặc thi công không đạt được tiến độ đã đề ra.
"Trong tháng 05/2021 vừa qua, chúng tôi ghi nhận lượng thông tin tìm hiểu về đất nền đã giảm từ 15 – 20% so với tháng trước đó. Mới chỉ vài tháng trước, thông tin về việc có khả năng quy hoạch một số huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP. HCM còn khiến đất nền tại Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ hoặc Nhà Bè được tìm kiếm nhiều thì nay lượng đã giảm mạnh. Các tỉnh lân cận TP. HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ghi nhận các thông tin tìm kiếm về đất nền giảm khoảng 10-12% trong giai đoạn từ tháng 04 – 05/2021. Trong số các tỉnh thành này, Long An đang ghi nhận có hiện tượng dư thừa nguồn cung đất nền”, ông David Jackson chia sẻ.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, lãnh đạo Colliers cho rằng, ngoài ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây nên thì việc không ít người môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch sân bay, cầu cảng… để tạo sóng ảo, thổi giá đất lên quá cao trong đợt sốt đất vừa qua tại một số địa phương cũng khiến các nhà đầu tư cảnh giác hơn. Ngay cả khi mà dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn thì nhà đầu tư cũng sẽ không quá “vồ vập” và thận trọng hơn trước khi xuống tiền.
Chưa kể, không ít nhà đầu tư cũng đã bị “đứt gãy” dòng tiền trong các đợt bùng phát của dịch Covid-19 do bị “chôn” vốn, thậm chí phải bán tháo, cắt lỗ nên phần nào khiến cho tính thanh khoản của phân khúc đất nền cần thêm nhiều thời gian để hồi phục.
XU HƯỚNG ĐẦU TƯ VÙNG VEN VẪN CÒN TIẾP TỤC
Tuy nhiên, khi nhận định về tiềm năng của thị trường đất nền vùng ven, ông David Jackson đánh giá, thông tin tích cực từ chiến dịch tiêm ngừa vaccine trên diện rộng sẽ là chất xúc tác quan trọng đối với sự hồi phục của thị trường. Dịch Covid-19 được khống chế sớm chừng nào thì nhiều dự án cơ sở hạ tầng sẽ được tái khởi động lại sớm chừng ấy, tiếp tục đóng vai trò là động lực chính yếu cho sự sôi động trở lại của phân khúc đất nền.
Trong khi đó, đại diện VnDirect nhìn nhận, chúng tôi tin rằng xu hướng “di cư” đến các tỉnh lân cận TP HCM và Hà Nội sẽ tiếp tục là xu hướng chính trong năm 2021, chủ yếu do giá bán tại các khu vực này vẫn ở mức thấp hơn, tương đương giá bán tại các khu vực trung tâm 4-5 năm trước đây. Do đó, khu vực này hứa hẹn một tiềm năng sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư do các chủ đầu tư mua đất ở đây có chi phí thấp hơn các khu trung tâm.
Ngoài ra, những dấu hiệu tích cực về hoạt động đầu tư công trong năm 2020, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng có khả năng kích cầu bất động sản vùng ven. Đặc biệt, tại TP HCM, việc mở rộng đường cao tốc đến khu vực phía Tây ven biển với biển với các dự án hạ tầng đang triển khai như Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết đã nâng giá đất tại một số khu vực như Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Phan Thiết, Bình Thuận và Đồng Nai lên 50-100% trong vòng một năm. Do đó, bất động sản liền thổ tại nhiều tỉnh lân cận TP.HCM được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ phát triển cơ sở hạ tầng.
Đồng quan điểm, trong báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản, DKRA cũng phân tích: khi quỹ đất tại TP. HCM ngày càng khan hiếm, mặt bằng giá bán tại TP. HCM tăng cao, thúc đẩy các chủ đầu tư dịch chuyển sang các tỉnh giáp ranh để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Giữa tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, lãi suất ngân hàng ở mức thấp, bất động sản đất nền vẫn là kênh đầu tư có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn. Đặc biệt các dự án kết nối thuận lợi về giao thông, nằm trong khu dân cư hiện hữu, vùng địa phương có quy hoạch hạ tầng phát triển mạnh mẽ, tiềm lực tài chính của chủ đầu tư trong việc chỉnh trang tiện ích cũng như đảm bảo tiến độ ra sổ cho khách hàng…
Phan Nam
VnEconomy
|