Cổ phiếu ngành phân bón trở lại chu kỳ tăng trưởng!?
Trong tuần 07-11/06, nhóm cổ phiếu ngành phân bón (DPM, DCM, ABS…) đang thu hút mạnh dòng tiền của thị trường khi giá cổ phiếu DPM vượt đỉnh 6 năm, DCM thiết lập đỉnh cao mới và ABS có sự trở lại ấn tượng.
Giá phân bón thế giới tích cực
Theo báo cáo năng lượng của CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), giá Ure thế giới trong tuần 07-11/06 tiếp tục tăng mạnh khi kỳ vọng Ấn Độ chuẩn bị thông báo mở thầu mới nhập khẩu Ure với thời hạn giao hàng có thể tới 23-24/07/2021, trong khi nguồn cung có sẵn cũng khá hạn chế.
Đến cuối tháng 5/2021, giá phân Ure tại thị trường Trung Quốc đã tăng 31% - 34%, từ 290 USD/tấn lên 380 – 390 USD/tấn. Trong khi đó giá Ure Biển Đen đã tăng 50% từ 245 USD/tấn cuối năm 2020 lên 390 USD/tấn.
Giá bán của các nhà sản xuất Ure tại Việt Nam trong tuần 07-11/06 đều đồng loạt tăng giá thêm 300 đồng/kg so với mức cuối tháng 5-đầu tháng 6. Giá phân bón tăng trong bối cảnh nguồn cung không dồi dào nên thị trường giao dịch ở mức giá cao hơn 200-500 đồng/kg, và nhu cầu nội địa đang tăng cao (nhu cầu giảm tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tăng tại hầu hết các khu vực khác).
Các nhà phân phối/đại lý vẫn có xu hướng kéo giá DAP tăng trong bối cảnh nguồn cung thấp, giá Kali thế giới tăng mạnh do nguồn cung thắt chặt vì sự leo thang căng thẳng giữa nhà sản xuất Kali lớn nhất thế giới - Belarus và Liên minh Châu Âu/Hoa Kỳ làm giá nhập khẩu Kali về Việt Nam gần đây tăng 25-65 USD/tấn so với các lô hàng từ đầu năm. Chính vì thế, mặc dù lượng hàng trong nước dồi dào nhưng các nhà phân phối/thương nhân tại Việt Nam vẫn giữ chào giá Kali ở mức cao và tiếp tục tăng.
Doanh số phân bón tăng trưởng mạnh
Sự gián đoạn sản xuất do dịch Covid gây ra đã khiến giá gạo Việt Nam tăng mạnh trong năm 2020 và đầu năm 2021. Giá lúa tăng cao thúc đẩy nông dân xuống giống nhiều hơn, trong khi nguồn cung phân bón từ các thị trường nhập khẩu truyền thống giảm do đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá phân bón tăng.
Hiệu ứng kép giá tăng và sản lượng tiêu thụ tăng đã thúc đẩy kết quả kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh - sản xuất phân bón như DPM, DCM, ABS tăng trưởng vượt bậc.
Kết quả kinh doanh của DPM và DCM
Tỷ đồng
|
Đạm Cà Mau đạt 1,931 tỷ đồng doanh thu trong quý 1/2021, tăng 39% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế tăng 64%, lên mức 152 tỷ đồng.
Tương tự, Đạm Phú Mỹ ghi nhận 1,974 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá vốn chỉ tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Sản phẩm Ure đạt mức đỉnh trong vòng hai năm gần đây (giá Ure Phú Mỹ tại các đại lý miền Nam đang tiệm cận mức 11,000 đồng/kg), giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện tương đối (22.2% trong quý 1/2021, so với cùng kỳ là 20%).
Một doanh nghiệp khác là CTCP Dịch Vụ Nông Nghiệp Bình Thuận (HOSE: ABS) cũng tăng trưởng doanh thu 16,5% trong Q1/2021 nhờ là nhà phân phối chủ lực khu vực Nam Trung Bộ của Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Phân bón Năm Sao, Supe Phốt Phát Lâm Thao…
Xu hướng tăng giá còn tiếp tục
Theo thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 dự kiến đạt khoảng 10.3 triệu tấn, tăng 5.5% so với năm 2020. Theo đó, giá phân bón nội địa năm 2021 kỳ vọng sẽ tăng nhẹ theo giá thế giới trong 6 tháng còn lại.
Chúng tôi đã có buổi tham vấn nhanh ông Nguyễn Nhật Huy – Giám đốc CTCP Dịch Vụ Nông Nghiệp Bình Thuận để có cái nhìn toàn cảnh hơn từ một doanh nhân kinh nghiệm trong ngành phân bón.
Ông Nguyễn Nhật Huy – Giám đốc Công ty CP DV Nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco)
|
Thưa ông, theo đánh giá của ông thì xu hướng tăng giá phân bón hiện nay sẽ kéo dài đến khi nào?
Ông Nguyễn Nhật Huy: Điều này rất khó dự báo vì chúng ta đang chứng kiến một chu kỳ tăng giá mạnh của hàng hóa cơ bản trên toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng. Riêng về hàng hóa là phân bón đang chịu nhiều tác động kết hợp từ đứt gãy chuỗi cung ứng đến vấn đề xung đột (Belarus – EU), thiếu hụt lương thực và giá nguyên liệu đầu vào ( giá khí) tăng nhanh. Một hay một vài yếu tố tác động trên khó có thể giải quyết trong ngắn hạn ( dưới 1 năm), vì vậy tôi cho rằng giá phân bón sẽ khó lòng hạ nhiệt trong vài quý tới.
Như vậy, thưa ông, các doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ giá bán tăng?
Đúng một phần, đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn hiện nay thì việc giá bán tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 làm gia tăng biên lợi nhuận tức thời nhưng khó kéo dài khi giá khí nguyên liệu đầu vào tăng theo và đang bắt kịp. Ngay cả các nhà máy phân bón của Trung Quốc ( chiếm 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam) cũng đang thiếu hụt khí đầu vào và than đá khiến chi phí sản xuất gia tăng.
Điều quan trọng hơn đối với các tập đoàn -doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón nội địa là cơ hội chiếm lĩnh thị phần trong nước khi các nguồn phân bón nhập khẩu đang bị chững lại. Đây mới là yếu tố căng cơ giúp cho các doanh nghiệp trong nước tăng trưởng trong dài hạn, thị phần lớn hơn đồng nghĩa với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bền vững.
Thưa ông, như vậy trong ngắn hạn, cụ thể là Q2/2021, các doanh nghiệp phân bón vẫn có một quý tăng trưởng mạnh về doanh số?
Tôi cho là như vậy, là nhà kinh doanh phân bón trọng điểm của khu vực Nam Trung Bộ, chúng tôi phân phối cho hầu hết các thương hiệu phân bón nội địa lớn là DPM, DCM, LAS, Năm Sao…thì hầu hết đều tăng trưởng mạnh về doanh số bán ra. Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi cho 6 tháng đầu năm 2021 thì doanh số mặt hàng phân bón tăng trưởng gấp 2 lần về lượng và gấp 3,3 lần về giá trị so với cùng kì năm 2020.
Như vậy, ABS không bị ảnh hưởng của dịch bệnh hay đứt gãy cung ứng, thậm chí là tăng trưởng mạnh mẽ hơn trước?
ABS có thâm niên gần 50 năm trong lĩnh vực cung ứng vật tư nông nghiệp – phân bón nên đủ năng lực dự báo cũng như cung ứng kịp thời nhu cầu của địa bàn kinh doanh. Các địa phương trọng điểm như Ninh Thuận, Bình Thuận có diện tích cây trồng xuất khẩu rất lớn như thanh long, nho…trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung vật tư nông nghiệp, phân bón thì chúng tôi nhận sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo cấp cao luôn phải bám sát địa bàn, nhu cầu của người nông dân. Nhiệm vụ đặt ra là đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu của bà con nông dân, có sự dự báo và kế hoạch cung ứng cho các biến động sắp tới, tránh tình trạng thiếu hụt và chống đầu cơ đẩy giá vật tư sản xuất trên thị trường làm thiệt hại đến bà con.
Là một doanh nghiệp niêm yết, ông có nhận định gì về cổ phiếu ngành phân bón nói chung và ABS nói riêng trong thời gian tới, thưa ông?
Theo tôi được biết thì thời gian qua các cổ phiếu ngành phân bón trên TTCK trong đó có ABS thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của NĐT do yếu tố tích cực từ ngành này. Mặc dù không chuyên sâu về lĩnh vực này nhưng về phía doanh nghiệp tôi nhận thấy có nhiều sự quan tâm hơn từ quý NĐT đến tình hình kinh doanh của ABS.
Chúng tôi tiếp nhận và giải đáp nhiều cuộc gọi của cổ đông về tình hình kinh doanh của ABS, trong ĐHĐCĐ vừa qua, số lượng cổ đông tham dự cũng tăng mạnh so với năm trước, đây là điều đáng mừng, cho thấy sự quan tâm và tin tưởng của quý cổ đông. Chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh để đáp lại sự yêu mến và tin tưởng này.
Xin cám ơn ông.
FILI
|