Cơ hội với TS4 liệu có còn?
Khi mà triển vọng ngành chưa thực sự khởi sắc trong khi nhiều yếu tố bất lợi vẫn còn chực chờ, CTCP Thủy sản Số 4 (HOSE: TS4) lấy gì để đảm bảo doanh nghiệp sẽ có lãi trở lại? Nếu không bật cơ chế thoát lỗ trong năm 2021, doanh nghiệp thủy sản này sẽ phải cuốn gói nói lời chào tạm biệt với sàn HOSE.
Tiền thân của TS4 hình thành từ 2 nhà máy thủy hải sản của tư nhân là nhà máy Thái Bình và Tân Nam Hải. Sau này được hợp nhất thành Xí nghiệp Hải sản Đông lạnh 4. Từ năm 1995, Xí nghiệp này được đổi tên thành Công ty XNK và chế biến Thủy sản Đông lạnh số 4.
Đến ngày 11/01/2001, Công ty được cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Thủy sản số 4 với vốn điều lệ 15 tỷ đồng và chính thức niêm yết trên HOSE ngày 01/07/2002. Trải qua 5 lần tăng vốn, hiện tại vốn điều lệ của TS4 ghi nhận gần 162 tỷ đồng (gấp 11 lần so với vốn góp ban đầu).
Quá trình thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinnace
|
Hoạt động chính của Công ty là chế biến, bảo quản các mặt hàng thủy sản. Ngoài ra, TS4 còn sản xuất hàng may mặc và kinh doanh bất động sản, chế biến và bảo quản rau quả…
Hiện, Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, UPCoM: SEA) đại diện cho phần Vốn góp của Nhà nước sở hữu 27% vốn tại TS4 và là cổ đông lớn nhất tại đây. Cổ đông lớn thứ 2 là Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lực với tỷ lệ sở hữu 25%.
Cơ cấu cổ đông của TS4 tính đến 31/03/2021
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 của TS4
|
Sử dụng đòn bẩy tài chính cao, TS4 lấy gì để đảm bảo thoát khỏi “bản án” hủy niêm yết?
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản này khá “dập dìu” qua các năm. Giai đoạn 2010-2017 doanh thu, lợi nhuận chưa thật sự đột phá. Sang đến năm 2018, đơn vị bất ngờ công bố doanh thu và lãi ròng gấp đôi so với năm trước nhờ doanh thu bán hàng thủy sản tăng. Đây cũng là năm mà doanh nghiệp ghi nhận doanh thu cao nhất kể từ khi niêm yết. Tuy nhiên, mức tăng đó đã bị kết quả kinh doanh 2 năm tiếp theo nhấn chìm khi lần lượt báo lỗ 9 tỷ đồng (2019) và lỗ đậm 96 tỷ đồng (2020).
Kết quả kinh doanh của TS4 qua các năm trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
|
Vậy, TS4 lấy gì để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh trong năm 2021 khi mà ngành thủy sản mặc dù vẫn có chút triển vọng nhưng tiềm năng vẫn chưa hoàn toàn bứt phá?
Khép lại quý đầu năm 2021, TS4 ghi nhận doanh thu thuần hơn 67 tỷ đồng, gấp 2.3 lần đầu năm và lỗ ròng gần 1.4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 3 tỷ đồng). Lỗ lũy kế tính đến 31/03/2021 của TS4 đã cán mốc hơn 98 tỷ đồng.
Nếu năm 2021, TS4 không vực dậy nổi để thoát khỏi vũng đầm lầy thua lỗ thì án hủy niêm yết sẽ gõ cửa cổ phiếu này.
Điểm cần lưu ý là TS4 đang sử dụng đòn bẩy tài chính (D/E) khá cao khi nợ phải trả tính đến cuối quý 1/2021 (hơn 844 tỷ đồng) gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Đây là điều cho thấy tài sản của doanh nghiệp thủy sản này được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Do đó, TS4 sẽ gặp khá nhiều rủi ro khi “cõng” nợ vay quá mức trong khi tình hình kinh doanh đang yếu kém.
Tình hình vay nợ của TS4 qua các năm. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Thị giá từ đỉnh cao “trượt chân ngã quỵ”
So với các ông lớn trong ngành thủy sản, giá cổ phiếu TS4 thời điểm 20/04/2010 thiết lập đỉnh kỷ lục vượt mốc 30,000 đồng/cp. Đây là mức giá mà nhiều doanh nghiệp cùng ngành ao ước cũng khó chạm tới vào thời điểm lúc bấy giờ.
Diễn biến giá cổ phiếu TS4
Nguồn: VietstockFinance
|
Thế nhưng, liền sau đó, “quạ đen” vẫy gọi TS4 khiến giá cổ phiếu theo đà trượt dài từ vùng đỉnh lịch sử về mức 3,830 đồng/cp (chốt phiên 04/06/2021). Một thập kỷ trôi qua, trong lúc những đối thủ tăng phi mã thì TS4 còn lại gì? Và rồi giá cổ phiếu TS4 có thể quay lại vùng đỉnh lịch sử đó không? Câu hỏi này chắc hẳn cổ đông TS4 là người biết rõ đáp án nhất.
Lọt tầm ngắm do chậm chạp trong công bố thông tin
Mới đây, TS4 bị nhắc nhở về việc chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2020 lần 5 và BCTC thường niên 2020 lần 2. Theo giải trình của Công ty, do tình hình dịch Covid-19, Công ty đã cho nhân viên nghỉ việc 90% nên không đủ người làm, đây là việc bất khả kháng. TS4 có 2 chi nhánh hoạt động và đều sản xuất chế biến thủy sản tại 2 tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang nên việc tập hợp số liệu, chứng từ mất nhiều thời gian. Ngoài ra, do dịch bệnh nên khách hàng thanh toán chậm, ảnh hưởng đến nguồn thu chi của Công ty làm ảnh hưởng đến khoản chi trả cho Công ty kiểm toán.
Trước đó, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu TS4 vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 14/05/2021. Lý do là Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo do vi phạm công bố thông tin.
Cổ phiếu TS4 sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch).
Tựu trung lại, dịch Covid-19 như “tấm màng lọc” trên thương trường, nếu không biết áp dụng những lợi thế sẵn có cũng như những cơ hội từ các hiệp định FTA để vươn lên thì doanh nghiệp sẽ mãi thụt lùi về phía sau. Điều quan trọng nhất của TS4 lúc này nếu muốn vực dậy doanh nghiệp có lẽ là cơ cấu lại các khoản nợ vay và giữ cho hoạt động kinh doanh không bị lỗ.
Tiên Tiên
FILI
|