Cần có gói hỗ trợ mới
Với tác động của đợt dịch Covid-19 thứ 4, các chuyên gia cho rằng cần có một gói hỗ trợ trong giai đoạn này, và nên hỗ trợ vào an sinh xã hội và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Công nhân là một trong những đối tượng cần được hỗ trợ theo đề xuất mới. Trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại Bắc Giang. ẢNH: GIA HÂN
|
Sáng qua 9.6, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tọa đàm với các chuyên gia để nhìn lại tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng tiếp theo. Trong nhiều nội dung được thảo luận, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm ủy ban, đề nghị các chuyên gia đánh giá những chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua đã đúng đối tượng, có hiệu quả, và có cần thiết phải triển khai một gói hỗ trợ mới trong đợt dịch này hay không.
Doanh nghiệp lớn rút khỏi thị trường tăng cao
Theo báo cáo mới nhất ngày 8.6 của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu KT-XH 6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 xâm nhập vào khu công nghiệp (KCN) đã ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp; nhiều hoạt động dịch vụ như du lịch, vận tải... giảm sâu. Sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) có dấu hiệu suy giảm. Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các DN quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các DN đã suy giảm bởi dịch bệnh. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người lao động (NLĐ) làm việc trong các KCN.
Cũng hơi ngược đời khi chính sách hỗ trợ an sinh xã hội thì đi vào cuộc sống chậm, nhưng chính sách hỗ trợ người có tiền để mua ô tô thì lại rất nhanh
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI)
|
PGS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đánh giá tình hình hiện nay phải “làm kỹ hơn điểm vô cùng quan trọng”, là tác động của đợt Covid-19 thứ 4 này, và biết đâu năm nay còn một vài đợt nữa thì sao. Cũng theo ông Tuấn, các chuyên gia của Viện đã chạy kịch bản sơ bộ thì thấy, nhiều khả năng GDP quý 2 năm nay chỉ tăng trưởng 5,5 - 5,8%, 6 tháng đầu năm tăng trưởng chỉ ở mức 5%. Cả năm 2021, theo kịch bản cơ sở, GDP chỉ tăng 6,1 - 6,3%, tức thấp hơn nhiều so với dự báo.
Chính sách thực thi rất chậm
Ông Bùi Quang Tuấn cũng bày tỏ quan ngại về con số thống kê liên quan đến DN. “5 tháng vừa rồi, DN ngừng hoạt động, đang chờ làm thủ tục giải thể tăng 20,7%; DN ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23%. Số lượng tăng càng ngày càng cao, tức là 1 năm qua, các DN đã cố gắng “đu xà”, cầm cự, nhưng dịch lại bùng phát, đã quá mỏi và buông tay. Những ông yếu đã buông hết rồi, những người khỏe hơn vẫn cố. Nhưng nếu chỉ 3 tháng nữa, hoặc một vài đợt dịch nữa mà không kiểm soát tốt, thì buông hết”, theo ông Tuấn.
Người dân trong khu cách ly tạm thời ở P.Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM) nhận quà hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Khánh Trần
|
Nhiều chuyên gia có mặt tại tọa đàm, bao gồm cả những người làm ở các viện nghiên cứu, Bộ KH-ĐT, Quốc hội... đặt câu hỏi: “Có bóc tách được trong các DN giải thể, rời thị trường, có DN nào đã nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ của Chính phủ, hoặc có nhu cầu mà không được hưởng?”. Không ai có câu trả lời.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (thuộc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam - VCCI), cho biết hồi tháng 4, VCCI đã nghiên cứu và công bố kết quả đánh giá về tác động của Covid-19 đến DN, khảo sát 12.000 DN tại 63 tỉnh, thành từ cuối 2020 đến đầu 2021. Khái quát có thể nói rằng, Covid-19 tác động “rất nghiêm trọng” đến DN Việt Nam (VN). Cụ thể, có đến 87,2% DN cho biết dịch tác động tiêu cực hoặc rất tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của mình. 65% DN tư nhân và 62% DN FDI bị giảm doanh thu trong năm 2020 so với 2019. Mức giảm doanh thu trung bình của DN tư nhân là 36%, DN FDI là 34%. Đáng lo ngại, chia theo quy mô, DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì có mức giảm cao hơn DN quy mô lớn.
Chia theo ngành, thì trừ y tế có chút tăng, còn hầu hết đều chịu tác động tiêu cực của dịch. Ngành thế mạnh truyền thống của VN như dệt may, da giày, thì tác động không chỉ ở chỗ làm đứt gãy nguồn cung, mà nó làm thay đổi hành vi tiêu dùng của thị trường đích (kinh tế khó khăn khiến mua sắm ít hơn). Ngành dịch vụ, như du lịch bị ảnh hưởng cực kỳ nặng nề.
Các chuyên gia cho rằng cần có gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động ở các vùng dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang. Ảnh: Gia Hân
|
Nhưng khi hỏi DN về việc thụ hưởng chính sách hỗ trợ, thì nhóm chính sách hầu hết DN được hưởng là giãn, hoãn các loại thuế; nhưng giãn, hoãn cũng chỉ được một thời điểm, khối nợ vẫn dồn lại, nên có giãn đến hết năm 2021 thì nguy cơ DN phải rời thị trường vẫn rất lớn.
Nhóm chính sách tín dụng thì số DN tiếp cận được rất ít. Đặc biệt, đến tháng 10.2020 vẫn không có DN nào tiếp cận được gói vay vốn các quỹ để trả lương cho NLĐ. “Cá nhân tôi cho rằng, chỉ một số chính sách đi vào ngay, như giảm lệ phí trước bạ 50%. Cũng hơi ngược đời khi chính sách hỗ trợ an sinh xã hội thì đi vào cuộc sống chậm, nhưng chính sách hỗ trợ người có tiền để mua ô tô thì lại rất nhanh”, ông Đậu Anh Tuấn nói và cho rằng: “Điểm rất quan trọng của 2021 là cần đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ. Nhiều DN đánh giá là thụ hưởng chính sách hầu như chỉ có trên ti vi”.
Hỗ trợ an sinh xã hội và khả năng tiếp cận vốn của DN
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cho rằng để đánh giá chính sách hỗ trợ DN nói chung và hỗ trợ DN trong giai đoạn Covid-19 nói riêng có hiệu quả hay không là “cực kỳ khó”, nếu không muốn nói là “không thể”.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, “ở đâu đó”, các bộ, ngành, địa phương vẫn dựa trên các con số có thể quá hồng, chưa đánh giá được sức khỏe của nền kinh tế.
Ông Bùi Quang Tuấn cũng cho rằng số liệu về sức khỏe DN thực tế nghiêm trọng hơn, “cần giải pháp mạnh hơn như hồi sức cấp cứu”, và khuyến nghị với 640.000 công nhân ở Bắc Ninh, Bắc Giang đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, cần có hỗ trợ cho họ mỗi tháng vài ba triệu đồng/người trong vài tháng.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cũng đề xuất cần có một gói hỗ trợ trong giai đoạn này, và chính sách cần dài hơi hơn là giãn, hoãn thuế. Cụ thể, nên hỗ trợ vào 2 việc: an sinh xã hội và khả năng tiếp cận vốn của DN. Theo ông Lực, công nhân và đối tượng cách ly thì nên được ưu tiên nhiều hơn, giảm bớt giấy tờ thủ tục. Thứ hai, DN nhỏ và vừa cần được hỗ trợ vốn, và lúc này cần ngân sách (khoảng 60.000 tỉ đồng) để giúp DN tiếp cận vốn, có thể thông qua quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa hoặc cho vay thông qua ngân hàng, nhưng phải có hỗ trợ lãi suất.
Đề xuất 9 nhóm chính sách hỗ trợ NLĐ và DN ảnh hưởng bởi Covid-19
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho hay Bộ LĐ-TB-XH đã nghiên cứu và trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ 9 nhóm chính sách hỗ trợ NLĐ, gồm: giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ; hỗ trợ lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể; chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19; đề xuất ngân sách T.Ư hỗ trợ đột xuất cho các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh; hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc cho NLĐ trong DN; hỗ trợ cho vay trả lương cho NLĐ trong DN bị tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Dự kiến, hôm nay (10.6), Chính phủ sẽ họp và cho ý kiến về vấn đề này.
|
Lê Hiệp
Thanh niên
|