Bong bóng Dogecoin có thể sắp vỡ vụn
Chỉ trong vỏn vẹn 6 tháng, giá Dogecoin tăng 27.000%. Nhưng có nhiều dấu hiệu chỉ ra bong bóng Dogecoin sẽ sớm tan vỡ.
Theo The Motley Fool, trong vòng hơn 100 năm qua, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư được ưa chuộng. Lợi nhuận trung bình hàng năm đạt khoảng 7%, cao hơn tất cả tài sản khác.
Nhưng trong thập kỷ qua, tiền mã hóa đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Bitcoin là loại tiền thuật toán phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, Dogecoin - đồng tiền ra đời như một trò đùa - mang lại lợi nhuận cao nhất.
Chỉ trong vỏn vẹn 6 tháng tính từ đầu tháng 11/2020 đến tháng 5/2021, giá Bitcoin đã tăng 27.000%, cao hơn lợi nhuận của S&P 500, bao gồm cổ tức, trong vòng 56 năm qua.
Nhưng không may là giấc mơ Dogecoin dường như sắp tan tành. Kể từ khi đạt đỉnh gần 0,74 USD hôm 8/5, giá Dogecoin đã giảm 3/4. Tính đến ngày 28/6, Dogecoin được giao dịch ở mức 0,26 USD/đồng.
Giá Dogecoin tăng mạnh so với một năm trước đó, nhưng đã sụt giảm đáng kể từ mức đỉnh. Ảnh: Coin Desk.
|
Thiếu lợi thế cạnh tranh
Một số nhà đầu tư coi đây là một đợt sụt giảm lành mạnh hoặc cơ hội tốt để mua vào. "Nhưng tôi xem đó là một vụ nổ bong bóng hoàn toàn có thể dự đoán trước được", nhà phân tích Sean Williams viết trên The Motley Fool.
Thứ nhất, tính ứng dụng của Dogecoin trong thế giới thực rất hạn chế. Đồng tiền có thể được mua bán trên Coinbase ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.400 doanh nghiệp (chủ yếu là ít tên tuổi) chấp nhận Dogecoin như một hình thức thanh toán, theo Cryptwerk.
Hơn nữa, họ cũng không là những người tiên phong. Bởi phải mất đến 8 năm, Dogecoin mới tiếp cận được khoảng 1.400 trên tổng số 582 triệu doanh nghiệp trên toàn cầu.
Nếu cần tìm thêm bằng chứng cho thấy Dogecoin đã bị thổi phồng quá mức, chỉ cần nhìn vào số lượng giao dịch hàng ngày trên blockchain của đồng tiền này.
Sau khi đạt trung bình 35.000-55.000 giao dịch/ngày từ tháng 7/2020 đến tháng 5/2021, Dogecoin chỉ ghi nhận 20.000-35.000 giao dịch/ngày trên blockchain vào tháng 6. Để so sánh, Visa có khả năng xử lý khoảng 24.000 giao dịch/giây.
Một số nhà đầu tư coi đây là một đợt sụt giảm lành mạnh hoặc cơ hội tốt để mua vào. Nhưng tôi xem đó là một vụ nổ bong bóng hoàn toàn có thể dự đoán trước được.
Nhà phân tích Sean Williams tại The Motley Fool
|
Trong khi đó, phí giao dịch của Dogecoin cao hơn rất nhiều các loại tiền mã hóa phổ biến khác.
Một trong những lập luận của người ủng hộ Dogecoin là phí giao dịch của đồng tiền thấp hơn nhiều so với hai đồng tiền lớn, Bitcoin và Ethereum. Điều này không sai. Nhưng phí giao dịch của Dogecoin cũng lớn hơn đáng kể những đồng tiền khác.
Stellar, Nano, IOTA, Litecoin, Cardano, Ripple, Monero, Bitcoin SV, Bitcoin Cash, Ethereum Classic, DigiByte, Dash và một danh sách dài loại tiền thuật toán khác đều có phí giao dịch thấp hơn Dogecoin. Trong nhiều trường hợp, những mạng này cũng xác minh và giải quyết các giao dịch nhanh hơn Dogecoin.
Thêm vào đó, có một nguồn cung vô tận những loại tiền mã hóa mới. Các dự án blockchain cũng được giới thiệu thường xuyên. Do đó, việc thiếu lợi thế cạnh tranh khiến Dogecoin dễ dàng bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.
Ngoài ra, tỷ phú Elon Musk là một trong những động lực lớn của Dogecoin. Tuy nhiên, ngoại trừ thông báo của ông về việc đang hợp tác với các nhà phát triển để cải thiện mạng lưới, không có bất cứ dòng tweet hay meme nào khác của CEO Tesla giúp thúc đẩy những yếu tố cơ bản của đồng tiền.
Trên thực tế, Musk đã từng quay lưng với Bitcoin. "Do đó, sự ủng hộ của ông ta đối với Dogecoin không còn đáng tin", ông Williams nhấn mạnh.
Chực chờ vỡ vụn
Một lý do khác khiến Dogecoin có thể trật bánh là cuộc đàn áp Bitcoin ở Trung Quốc. Bitcoin không giống Dogecoin, nhưng rõ ràng là Bắc Kinh không muốn bất cứ đồng tiền nào có thể cạnh tranh với đồng NDT được ngân hàng trung ương hậu thuẫn.
Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia cũng cảnh giác với tiền mã hóa. Mới đây, Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) đã cấm Binance - một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - kinh doanh hàng loạt dịch vụ tại quốc gia này.
Lạm phát tiền mã hóa do khai thác cũng là một vấn đề của Dogecoin. 5,2 tỷ Dogecoin sẽ được tạo ra từ khai thác, tức xác thực các giao dịch trên blockchain của Dogecoin, chỉ trong một năm. Vào năm 2021, điều này sẽ dẫn đến lạm phát nguồn cung tuần hoàn khoảng 4%.
Một trong những mục đích cốt lõi của tiền mã hóa là đảm bảo tính phi tập trung, tức không có thực thể lớn nào thể hiện quyền kiểm soát đáng kể đối với Dogecoin. Tuy nhiên, Dogecoin đã thất bại trong việc này.
Theo BitInfoCharts, trên tổng số hơn 3 triệu địa chỉ sở hữu Dogecoin trị giá ít nhất 1 USD, chỉ 95 địa chỉ kiểm soát 66,01% tất cả token đang lưu hành. Khi những "cá voi" này bán tháo, giá đồng tiền sẽ lao dốc mạnh.
Tỷ phú Elon Musk từng đưa giá Bitcoin và Dogecoin tăng phi mã. Nhưng ông cũng là người chặn đà tăng giá của Bitcoin. Ảnh: Reuters.
|
Sự gia tăng đòn bẩy trên các sàn giao dịch tiền mã hóa cũng là lý do khiến Dogecoin chắc chắn sẽ trở thành thảm họa. Hôm 19/5, theo Bybt.com, cú rơi của tiền mã hóa đã kích hoạt margin call (yêu cầu ký quỹ) đối với 887.000 chủ tài khoản tiền mã hóa, thanh lý khoảng 9,4 tỉ USD tiền mã hóa.
Việc ký quỹ có thể làm tăng lợi nhuận của nhà đầu tư, nhưng cũng tạo ra rủi ro thua lỗ cao hơn. "Khi các công ty môi giới cho phép sử dụng ký quỹ đối với những tài sản có tính biến động cao, việc các yêu cầu ký quỹ đè bẹp những ván cược Dogecoin chỉ là vấn đề thời gian", ông Williams nhấn mạnh.
Cuối cùng, lịch sử chỉ ra tất cả bong bóng cuối cùng đều vỡ vụn. Dù blockchain có thể mang đến tương lai tươi sáng, các doanh nghiệp vẫn do dự trong việc thay đổi cơ sở hạ tầng thanh toán.
"Hơn nữa, một khi không có bất cứ lợi thế cạnh tranh nào, Dogecoin vẫn chỉ là một bong bóng được thổi phồng và chực chờ vỡ vụn", cây bút của The Motley Fool viết.
Thảo Phương
ZING
|