Báo động thiếu vắc xin chương trình COVAX
Trong lúc tình hình dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt tại nhiều nơi, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước giàu tiếp tục đóng góp cho chương trình COVAX.
Ấn Độ đang nỗ lực đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân. AFP
|
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo hiện chương trình COVAX (cơ chế cho phép tiếp cận công bằng vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu) đang thiếu khoảng 200 triệu liều trong tháng 6 và tháng 7.
Cung không đủ cầu
Hãng Reuters hôm qua dẫn lời nhà dịch tễ học Bruce Aylward, chuyên gia dẫn đầu chương trình COVAX của WHO, cho hay chương trình sẽ thất bại nếu không sớm có thêm nguồn cung vắc xin để đưa thế giới đi đúng hướng trong nỗ lực thoát khỏi dịch bệnh hiện tại. “Chúng ta cần được bổ sung gấp đôi số vắc xin hiện có và cần phải làm ngay lập tức”, tiến sĩ Aylward nói.
Đến nay, vắc xin AstraZeneca chiếm 97% số liều đóng góp cho COVAX, phần còn lại là vắc xin của liên danh Pfizer/BioNTech. Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), sản xuất vắc xin AstraZeneca, đóng vai trò xương sống của chuỗi cung ứng cho chương trình này, nhưng hiện chính quyền New Delhi đang giới hạn lượng vắc xin xuất khẩu nhằm đối phó làn sóng dịch nghiêm trọng trong nước. Theo Forbes, tính từ tháng 2 đến ngày 4.6, chương trình COVAX đã phân phối hơn 80 triệu liều vắc xin Covid-19 cho 129 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo số liệu của AFP, thế giới đã tiêm được 2 tỉ liều vắc xin Covid-19 vào ngày 3.6, mốc quan trọng của nỗ lực chung toàn cầu. Tuy nhiên, 37% số này được tiêm ở các quốc gia thu nhập cao, chiếm 16% dân số thế giới. Chỉ có 0,3% số vắc xin được triển khai ở nhóm nước thu nhập thấp nhất, vốn chiếm 9% dân số toàn cầu.
Dịch bệnh vẫn hoành hành
Trong lúc đó, diễn biến dịch tại nhiều nơi đang trong giai đoạn phức tạp. Tại Thái Lan, giới chức y tế hôm qua thông báo có thêm 36 người chết vì Covid-19 và 2.817 ca dương tính mới. Trong số này, 2.502 ca nhiễm trong cộng đồng, 315 trường hợp ở các trại giam, báo Bangkok Post đưa tin. Ở quốc gia láng giềng Campuchia, tình hình tiếp tục đáng quan ngại với số ca mới trong ngày tăng mạnh: 538 trường hợp mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ. Tờ Khmer Times dẫn trường hợp nhân viên an ninh của sứ quán Mỹ tại Phnom Penh có kết quả dương tính với Covid-19 dù đã tiêm đủ liều vắc xin của Pfizer/BioNTech.
Cùng ngày, Malaysia chứng kiến số ca Covid-19 tăng, với 7.452 ca mới trong vòng 24 giờ, trong bối cảnh nước này đang thi hành lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài từ ngày 1 - 14.6. Bên cạnh đó, Đài Loan ghi nhận 511 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, toàn bộ đều là ca nhiễm cộng đồng, đồng thời công bố ổ dịch thứ hai liên quan lao động nhập cư ở huyện Miêu Lập, theo CNA. Số ca tử vong trong ngày ở Đài Loan tăng thêm 38, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Tính từ ngày 15.5, Đài Loan ghi nhận hơn 9.500 ca nhiễm cộng đồng và 213 người chết vì dịch bệnh, trong tổng số gần 11.000 ca nhiễm và 224 ca tử vong cho đến nay.
Tại Trung Quốc, giới chức TP.Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm cộng đồng. Còn ở Ấn Độ, một số bang có kế hoạch dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa dù số ca nhiễm mới trong ngày 5.6 vẫn hơn 120.000 trên toàn quốc, theo Reuters. Để chuẩn bị nới các biện pháp phòng dịch, thủ đô New Delhi sẵn sàng xử lý số ca nhiễm lên đến 37.000 ca/ngày, đồng thời trữ 420 tấn ô xy dùng cho y tế.
Độc lực đáng lo của biến chủng mới
Giới chức y tế thế giới đang ngày càng quan ngại về độc lực của biến chủng Delta của SARS-CoV-2 (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ). Kết quả nghiên cứu cho thấy biến chủng Delta có khả năng lây lan mạnh hơn từ 30 - 100% so với biến chủng phổ biến trước đó là Alpha (phát hiện đầu tiên ở Anh). Biến chủng Delta chiếm khoảng 60% số ca Covid-19 ở New Delhi vào tháng 4. Đến nay, nó đã xuất hiện tại 62 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng liên quan vi rút, tờ Los Angeles Times dẫn một nghiên cứu mới cho biết một phụ nữ 36 tuổi ở Nam Phi nhiễm HIV đã mang SARS-CoV-2 tới 216 ngày mới được phát hiện và trong thời gian đó vi rút đã đột biến 32 lần.
|
Thụy Miên
Thanh niên
|