3 tuần giãn cách và cuộc chạy đua vaccine của TP.HCM
Trong 21 ngày giãn cách xã hội, TP.HCM đã thay đổi các biện pháp chống dịch nhưng số ca nhiễm vẫn tăng. Lúc này, thành phố đang gấp rút chạy đua để có thêm vaccine phòng Covid-19.
Hôm nay, TP.HCM bước sang ngày giãn cách xã hội thứ 22. Số ca nhiễm đã gần chạm mốc 1.800. Một tuần trước đó, ngày 16/6, số bệnh nhân chỉ vừa vượt ngưỡng 1.000.
Trong 3 tuần TP.HCM giãn cách xã hội, người dân chứng kiến số ca nhiễm không ngừng tăng. Đây là nghịch lý chưa từng có vì ở những lần giãn cách trước, số ca nhiễm giảm rõ rệt sau 2 tuần.
Dịch bùng phát từ Gò Vấp đến Bình Tân
Tuần đầu tiên, tâm dịch của TP.HCM tập trung ở Gò Vấp, địa bàn đông dân thứ ba với 676.000 người.
Hai tuần sau, tình hình trở nên xấu đi khi tâm dịch chuyển sang quận Bình Tân, nơi đông dân nhất TP.HCM với 784.000 người. Số người cư trú trên thực tế ở hai khu vực này có thể cao hơn con số thống kê.
Ngày 18/6, số ca nhiễm được ghi nhận tại quận Bình Tân là 193 người, vượt quận Gò Vấp (147 ca). Chỉ trong một ngày, từ 17/6 đến 18/6, số ca nhiễm tăng 1,6 lần, từ 120 ca lên 193 ca.
"Nơi đông dân nhất TP.HCM trở thành tâm dịch.
|
Từ 15/6 đến 16/6, 6 nhà máy tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Củ Chi đã bị phong tỏa do ghi nhận ca nhiễm nCoV. Các nhà máy này đều nằm trong khu công nghiệp đông công nhân như Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân).
Trong đó, nhà máy của Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, ghi nhận tới 26 ca vào 17/6. Đánh dấu cột mốc dịch bắt đầu lây lan trong khu công nghiệp.
Tại PouYuen, nơi có 56.000 lao động cũng đã ghi nhận ít nhất 3 ca nhiễm nCoV. Hai người bán nước ở cổng sau của công ty này cũng được xác định dương tính với SARS-CoV-2 qua khám sàng lọc khi nhập viện. Đây trở thành mối lo lắng lớn. PouYuen luôn là “gót chân Achilles” của thành phố bởi công ty này tập trung lượng công nhân thuộc diện đông nhất.
TP.HCM không khỏi lo lắng khi dịch xuất hiện tại Công ty PouYuen, nơi tập trung khoảng 56.000 công nhân. Ảnh: Chí Hùng.
|
Cũng trong ngày 15/6, ngành y tế quận Bình Tân nhận thêm tin một nữ nhân viên y tế của Trung tâm Y tế quận Bình Tân có kết quả dương tính với nCoV. Ngay hôm sau, Trạm Y tế phường An Lạc ghi nhận thêm 3 nữ nhân viên y tế khác nhiễm nCoV. Hai cơ sở y tế bị phong tỏa, nhân viên y tế trở thành F1, phải đi cách ly khiến quận Bình Tân lâm vào cảnh thiếu nhân lực chống dịch.
Song song với mối lo từ dịch bệnh trong khu công nghiệp, quận Bình Tân còn liên tiếp phát hiện các ca nhiễm nCoV ngoài cộng đồng. Trong 193 ca bệnh mà quận này ghi nhận hôm 18/6, có 33 trường hợp được phát hiện qua tầm soát, khoanh vùng và xét nghiệm.
Ngoài 29 ca được xác định là F1 của bệnh nhân ở quận, huyện khác, F0 của các chuỗi lây nhiễm còn lại đều chưa rõ nguồn lây.
Nơi đông dân nhất TP.HCM trở thành tâm dịch.
2 thay đổi trong biện pháp chống dịch
Ngày cách ly thứ 17, số ca nhiễm tại TP.HCM vượt mốc 1.000.
TP.HCM liên tục tự phá vỡ kỷ lục về số ca mắc trong ngày, từ 99 ca (16/6) tăng lên 137 ca (17/6) và tiếp tục tăng lên 149 ca (18/6). Ngày 21/6, TP.HCM ghi nhận đỉnh dịch mới khi phát hiện 166 ca nhiễm/ngày.
Biện pháp tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 mà TP.HCM đưa ra hôm 14/6 chưa mang lại hiệu quả thực sự. 15 ngày giãn cách xã hội đầu tiên, chuỗi siêu lây nhiễm từ điểm nhóm truyền giáo tại Gò Vấp đã được kiểm soát. Thế nhưng, hàng loạt chùm ca bệnh mới liên tục được phát hiện qua hệ thống khám sàng lọc tại các bệnh viện cho thấy tình hình còn diễn biến phức tạp.
Trưa 19/6, các lãnh đạo của TP.HCM thống nhất phương án nâng mức độ giãn cách xã hội. Chỉ thị 10 - một chỉ thị riêng cho TP.HCM - được ban hành với các biện pháp thay thế cho Chỉ thị 15 mà thành phố áp dụng trước đó. Cũng trong ngày 19/6, UBND TP.HCM ra quyết định phong tỏa 3 khu phố tại quận Bình Tân và 3 ấp tại huyện Hóc Môn. Ngày 21/6, thêm một khu phố ở quận 8 bị phong tỏa.
Nhiều khu vực tại TP.HCM đang bị phong tỏa. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
So với đợt giãn cách đầu tiên, TP.HCM đã thay đổi 2 biện pháp trong phòng chống dịch.
Về phương án phong tỏa, 15 ngày giãn cách đầu, TP.HCM quyết định áp dụng Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12).
Người dân vẫn có thể ra, vào khu vực này với điều kiện phải khai báo y tế. Riêng giờ cao điểm, các chốt mở để người dân ra vào.
"Lệnh phong tỏa với địa bàn rộng sẽ gây nhiều khó khăn, bất tiện
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức
|
Nếu giữ nguyên công thức như đợt giãn cách đầu tiên, TP.HCM có thể áp dụng Chỉ thị 16 tại quận Bình Tân giống như đã làm với Gò Vấp. Thế nhưng, TP đã chọn hướng đi khác.
TP.HCM quyết định khoanh vùng, phong tỏa theo khu vực nhỏ thay vì áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn quận. Các khu phố có nhiều F0 trở thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Lý giải cách làm này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định việc áp dụng lệnh phong tỏa với địa bàn rộng như Bình Tân sẽ gây nhiều khó khăn, bất tiện cho đời sống người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế. Quyết định của TP dựa trên phương châm của Chính phủ là bước đầu phong tỏa diện rộng, sau đó thu hẹp để giảm tối đa ảnh hưởng đời sống người dân.
"Trên thực tế, tình hình dịch bệnh từng địa phương mỗi quận, huyện khác nhau. Dù số lượng ca bệnh tại Bình Tân là lớn nhưng tập trung chủ yếu tại khu vực đang được khoanh vùng. Mặt khác, tình hình những địa bàn lân cận không khác biệt so với tình hình chung thành phố", ông Đức phân tích.
Chỉ thị 10 yêu cầu người dân không tập trung quá 3 người nơi công cộng, giãn cách 1,5 m. Ảnh: Duy Hiệu.
|
Sự thay đổi thứ hai nằm ở phương pháp giãn cách của thành phố. Chỉ thị 10 yêu cầu không tụ tập quá 3 người ở nơi công cộng và giữ khoảng cách tối thiểu là 1,5 m. Với cách làm này, thành phố thắt chặt số lượng người tụ tập (trước đó quy định không quá 5 người) nhưng nới lỏng về khoảng cách từ 2 m xuống 1,5 m.
“Phép trừ” trong bài toán chống dịch của TP.HCM gỡ được thế khó của doanh nghiệp cũng như ngành y tế khi nhiều hoạt động đòi hỏi phải tập trung lượng lớn người như sản xuất, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine…
Về góc độ an toàn dịch tễ, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định 1,5 m là mức tối thiểu chấp nhận được theo khuyến cáo của WHO. Chuyên gia dịch tễ cho rằng các công xưởng có thể cho công nhân làm việc cách nhau 1,5 m nhưng phải thực hiện các biện pháp bổ sung như đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế nói chuyện, thông gió tự nhiên.
Cuộc chạy đua vaccine
Vaccine là mục tiêu được TP.HCM theo đuổi từ nhiều tháng nay bởi đây có thể là lối thoát duy nhất khỏi đại dịch.
Ngay từ buổi làm việc với Chính phủ hôm 29/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có những kiến nghị cụ thể về vaccine. Tuy nhiên, khi đó, đề xuất của TP.HCM mới chỉ dừng lại ở “hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine” qua đàm phán, cấp phép và xin cơ chế tài chính để mua vaccine.
"Sau đợt tiêm chủng 7 ngày, khoảng 6% dân số TP.HCM sẽ được tiêm vaccine Covid-19
|
Tình hình vaccine tại TP.HCM chỉ thực sự chuyển biến sau khi tổng số ca nhiễm tại TP.HCM vượt 1.000 ca bệnh. Ngày 15/6, Chính phủ có công văn cho phép TP.HCM chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine. Ngày 16/6, Bộ Y tế quyết định chuyển 836.000 liều trong tổng số gần một triệu liều vaccine Astra Zeneca mà Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam.
Sau khi tiếp nhận 836.000 liều vaccine từ Bộ Y tế, TP.HCM đã gấp rút triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử với tốc độ thần tốc trong 7 ngày, tính từ 19/6.
650 điểm tiêm được tổ chức tại trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm lưu động. Mỗi điểm chỉ tiêm cho 200 người/ngày để đảm bảo giãn cách. Sở Y tế tính toán nếu thực hiện đúng tiến độ, chiến dịch sẽ hoàn thành trước ngày 27/6. Khi đó, khoảng 6% dân số TP.HCM sẽ được tiêm chủng ngừa Covid-19.
TP.HCM gấp rút chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: Chí Hùng.
|
Để chuẩn bị cho nguồn cung vaccine từ nay đến cuối năm, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết TP.HCM có 2 nguồn cung vaccine là Chính phủ cấp và thành phố chủ động tiếp cận.
Theo kế hoạch dự kiến đến cuối năm, Việt Nam sẽ nhận hơn 100 triệu liều vaccine, TP.HCM sẽ được nhận khoảng 10% trong số này (khoảng 10 triệu liều). Ngoài ra, thành phố đã tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất, không qua trung gian. Với nguồn cung này, TP.HCM đang hướng đến việc có khoảng 5-10 triệu liều trong năm nay.
"Nếu tính mục tiêu của TP tiêm được cho 75% dân số ở độ tuổi từ 18-65 tuổi thì lượng vaccine dự kiến được cung cấp sẽ tương đối đảm bảo để thực hiện mục tiêu TP đề ra", ông Đức đánh giá.
Theo thống kê của Sở Y tế hôm 17/6, TP.HCM có hơn 2,3 triệu người thuộc diện ưu tiên tiêm chủng. Sau 3 đợt phân bổ vaccine trước đây, TP.HCM mới chỉ tiêm chủng được cho hơn 94.000 người. Như vậy, 836.000 liều vaccine mà Bộ Y tế vừa cấp cho TP.HCM mới chỉ đáp ứng gần một nửa số người thuộc diện ưu tiên.
Điều này cho thấy, để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 dân số trong năm 2021, TP.HCM còn một chặng đường dài phải đi.
Thu Hằng
Zing.vn
|