Xét xử đại án Nhật Cường: Một bị cáo được đình chỉ vụ án ngay trước tòa
Trước khi đi vào xét xử, chủ tọa phiên tòa công bố quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Mai Tiến Dũng, Trưởng ngành hàng máy cũ Công ty Nhật Cường, do bị cáo vừa tử vong.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Trần Cường
|
Sáng 5.5, TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm, xét xử 15 bị cáo trong vụ án “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Phiên tòa do thẩm phám Trần Nam Hà, Phó chánh tòa Hình sự (TAND TP.Hà Nội) ngồi ghế chủ tọa. Dự kiến phiên xét xử kéo dài 7 ngày, kể cả ngày nghỉ.
Trước khi bước vào phần thủ tục, chủ tọa Trần Nam Hà cho biết, HĐXX nhận được giấy báo tử của bị cáo Mai Tiến Dũng, Trưởng ngành hàng máy cũ Công ty Nhật Cường. Bị cáo Dũng tử vong ngày 23.4 tại Bệnh viện E Hà Nội do trọng bệnh, trước khi vụ án được đưa ra xét xử.
Ngay tại tòa, chủ tọa phiên tòa công bố quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời hủy bỏ mọi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo này. Các bị cáo còn lại vẫn xét xử theo quy định.
Bị cáo Mai Tiến Dũng bị truy tố về tội “buôn lậu”. Theo cáo buộc, từ năm 2014, ông Dũng được Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường thuê làm nhân viên kinh doanh, sau đó được cất nhắc lên làm Trưởng ngành hàng điện thoại cũ. Từ giữa năm 2016, ông Dũng tham gia hoạt động trao đổi, mua bán điện thoại cũ từ các nhà cung ứng nước ngoài.
Sau khi bị khởi tố, bị can Dũng phản cung, không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các bị can khác và dữ liệu liên quan xác định Dũng đã giúp sức cho Công ty Nhật Cường buôn lậu 1.574 chiếc điện thoại, iPad với tổng trị giá 45,3 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, Công ty Nhật Cường được thành lập từ năm 2001, có trụ sở chính tại phố Lý Quốc Sư (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), do Bùi Quang Huy (đang trốn truy nã) làm Tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật; ngành nghề chính buôn bán thiết bị, linh kiện điện tử viễn thông…
Từ năm 2014 đến ngày 9.5.2019, Bùi Quang Huy đã sử dụng hệ thống nhân sự của Công ty Nhật Cường để giao dịch mua 2.502 đơn hàng với 16 nhà cung cấp nước ngoài, trong đó mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động iPhone các loại, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, Apple TV, đồng hồ và một số điện thoại nhãn hiệu khác, tổng trị giá 2.927 tỉ đồng, của nhiều chủ hàng tại Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông...
Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi 72 tỉ đồng để thuê các đối tượng vận chuyển, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp và tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam, bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài; đường biển qua Hải Phòng và đường bộ qua Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Thông qua hệ thống phân phối của mình, Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm nhập lậu, thu được tổng số tiền hơn 3.213 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền 221 tỉ đồng. Đồng thời, trốn thuế giá trị gia tăng 26,8 tỉ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp 3,1 tỉ đồng.
Cơ quan tố tụng đã truy tố 15 bị cáo trong vụ án, trong đó, Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường và Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường, bị xét xử về tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
13 bị cáo còn lại bị xét xử về tội “buôn lậu”, trong đó có Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc; Đỗ Quốc Huy, Giám đốc bán hàng; Trần Tất Khoa, Giám đốc Nhật Cường Quảng Châu; Lê Hoài Phương, nhân viên; Bùi Quốc Việt, nhân viên; Hoàng Văn Phong, Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường…
Trần Cường
Thanh niên
|