Vốn hóa của 10 “đại gia” công nghệ Trung Quốc bốc hơi 800 tỷ USD trong 3 tháng
Tổng giá trị vốn hóa của 10 công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, bao gồm Alibaba và Tencent, đã giảm hơn 800 tỷ USD - tương đương 30% từ mức đỉnh ghi nhận hồi tháng 2...
Loạt đại gia công nghệ Trung Quốc lao đao khi nhà chức trách siết chặt giám sát và có loạt biện pháp mạnh tay - Ảnh: Nikkei Asia
|
Trong vài tháng qua, loạt “đại gia” công nghệ Trung Quốc chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc mạnh do tâm lý hoang mang của nhà đầu tư trước các biện pháp cứng rắn của chính quyền đối với lĩnh vực này, theo Nikkei Asia.
Tổng giá trị vốn hóa của 10 công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, bao gồm Alibaba và Tencent, đã giảm hơn 800 tỷ USD - tương đương 30% từ mức đỉnh ghi nhận hồi tháng 2.
Tencent, công ty đứng sau ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc WeChat, là một trong những công ty chứng kiến vốn hóa sụt mạnh nhất. Cổ phiếu này đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/5 ở mức giá 585,5 Đôla Hồng Kông, giảm hơn 20% so với kỷ lục hồi tháng 2. Trước đó, Tencent công bố lợi nhuận ròng đạt 47,7 tỷ Nhân dân tệ (7,44 tỷ USD) trong quý 1, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Điều này ngược lại với Alibaba, khi “đại gia” thương mại điện tử báo lỗ ròng trong quý do khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì kinh doanh độc quyền.
Các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đang quay sang trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ với lãi suất cao hơn so với trái phiếu tại các quốc gia phát triển. Tính tới cuối tháng 4, nhà đầu tư ngoại đã bơm hơn 3.600 tỷ Nhân dân tệ (hơn 565 tỷ USD) vào các tài sản này.
|
Mặc dù lãi lớn, cổ phiếu Tencent vẫn chịu áp lực lớn khi chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý đối với các hoạt động của công ty này. Đầu tháng 5, Tencent bị yêu cầu dừng thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân của người dùng trên các ứng dụng của công ty, bao gồm WeChat. Trong khi đó, Alibaba và công ty con Ant Group cũng chịu sự giám sát nghiêm ngặt hơn, khiến kế hoạch IPO hơn 35 tỷ USD của Ant bị “đổ bể” hồi tháng 11 năm ngoái.
Không chỉ vậy, hồi cuối tháng 4, Tencent, hãng thương mại điện tử JD.com, nền tảng giao đồ ăn Meituan và 10 nền tảng trực tuyến khác đã bị Ngân hàng Trung ương triệu tập và yêu cầu chấp chịu sự giám sát hoàn toàn của các cơ quan quản lý tài chính.
Giá cổ phiếu của hãng thương mại điện tử JD, Meituan cũng như hãng thương mại điện tử Pinduoduo - các công ty có Tencent là cổ đông, đều giảm mạnh. Những năm qua, Alibaba và Tencent liên tiếp đầu tư vào các startup tiềm năng và tăng trưởng mạnh của các startup này góp phần lớn vào tăng trưởng vốn hóa của hai “đại gia” này.
Tính từ ngày 17/2, vốn hóa của Alibaba, Tencent, Meituan, JD và Kuaishou trên sàn chứng khoán Hồng Kông đều giảm từ 20-40%. Tổng giá trị vốn hóa của các công ty này hiện là 13.500 tỷ Đôla Hồng Kông (1.739 tỷ USD), giảm hơn 5.100 tỷ Đôla Hồng Kông.
Trong khi đó, tổng giá trị vốn hóa của Pinduoduo, công cụ tìm kiếm Baidu, nền tảng dịch vụ tài chính Lufax, trang phát video trực tuyến Bilibili và nền tảng game NetEase, niêm yết tại Mỹ, giảm khoảng 150 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.
Ngược lại, giá cổ phiếu Apple cùng loạt đại gia công nghệ Mỹ khác đều giao dịch ở mức ổn định.
Trong bối cảnh đó, ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, tháng trước cho biết đã tạm hoãn kế hoạch IPO một số mảng kinh doanh. Theo các nhà phân tích, quyết định này của ByteDance được đưa ra sau khi tính đến các rủi ro pháp lý và nguy cơ bị định giá thấp.
Trước tình hình này, các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đang quay sang trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ với lãi suất cao hơn so với trái phiếu tại các quốc gia phát triển. Tính tới cuối tháng 4, nhà đầu tư ngoại đã bơm hơn 3.600 tỷ Nhân dân tệ (hơn 565 tỷ USD) vào các tài sản này, bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu ngân hàng nhà nước, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.
Đức Anh
VnEconomy
|