Tuần 10-14/05/2021: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock
Các cổ phiếu “nóng” được phân tích trong báo cáo của Phòng Tư vấn Vietstock gồm: DPM, FCN, GEX, HSG, MSN, NLG, TCH, TPB, VPI và VIC.
Các cổ phiếu này được chọn lọc theo các tín hiệu phân tích kỹ thuật, thanh khoản, mức độ quan tâm của nhà đầu tư... Các phân tích dưới đây có thể phục vụ cho mục đích tham khảo trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
DPM - Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP
Trong phiên giao dịch ngày 07/05/2021, giá cổ phiếu DPM giằng co mạnh và hình thành mẫu hình High Wave Candle. Bình quân bán thường xuyên lớn hơn bình quân mua cho thấy nhà đầu tư lớn đang bán ra.
Đỉnh cũ tháng 01/2018 (tương đương vùng 19,500-21,000) là kháng cự mạnh và giá đã đảo chiều sau khi test vùng này.
Khối lượng giao dịch hồi phục và vượt mức trung bình 20 phiên cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư giảm bớt.
FCN - CTCP FECON
Trong phiên giao dịch ngày 07/05/2021, giá cổ phiếu FCN điều chỉnh khá mạnh và về sát trendline hỗ trợ dài hạn được hình thành từ tháng 07/2020. Ngưỡng này hiện duy trì trong vùng 11,700-12,300.
Khối lượng nằm ở mức thấp trong những phiên giao dịch gần đây cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang bi quan và thận trọng.
Chỉ báo MACD chững lại đà giảm nhưng chưa cho mua. Nếu tín hiệu mua xuất hiện trong thời gian tới thì rủi ro sẽ giảm bớt.
GEX - Tổng Công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam
Chỉ báo Stochastic Oscillator vẫn đang lao dốc và chưa cho tín hiệu mua trở lại nên khả năng hồi phục không quá lớn trong ngắn hạn.
Đường trendline trung hạn đang duy trì trong vùng 23,700-24,700 và sẽ là hỗ trợ mạnh của giá trong trường hợp có sụt giảm mạnh bất ngờ (thrust down).
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn chưa vượt mức trung bình 20 phiên nên khó có thể kỳ vọng vào một đợt tăng giá trong thời gian tới.
HSG - CTCP Tập đoàn Hoa Sen
Trong phiên giao dịch ngày 07/05/2021, giá cổ phiếu HSG tiếp tục bứt phá và xuất hiện mẫu hình White Opening Marubozu.
Giá đã phá vỡ hoàn toàn ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% và đang hướng đến vùng 38,000-39,000 (tương đương ngưỡng Fibonacci Retracement 261.8%).
Khối lượng giao dịch thường xuyên nằm trên mức trung bình 20 phiên. Chỉ báo Relative Strength liên tục nằm trên đường trung bình chứng tỏ cổ phiếu đang mạnh hơn (outperform) thị trường chung.
MSN - CTCP Tập đoàn Masan
Các mẫu hình nến có bóng mờ dài (long shadow) như Doji, Inverted Hammer… xuất hiện liên tục cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá phân vân.
Đường SMA 50 ngày vẫn đang nằm trên các đường SMA 100 ngày và đường SMA 200 ngày nên xu hướng tăng dài hạn vẫn chưa bị đảo ngược.
Giá đang test lại vùng hỗ trợ mạnh 92,000-98,000. Nếu vùng này trụ vững thì nhiều khả năng đà tăng sẽ quay trở lại.
NLG - CTCP Đầu tư Nam Long
NLG vẫn duy trì trendline tăng dài hạn (bắt đầu từ tháng 03/2020). Bên cạnh đó, giá cổ phiếu cũng đang nằm trên các đường MA quan trọng chứng tỏ xu hướng tăng vẫn đang là xu hướng chính của NLG.
Tuy khối lượng giao dịch có sụt giảm nhưng vẫn nằm trên mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang ổn định.
Hiện tại, giá cổ phiếu NLG đang test ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% (tương đương vùng 39,000-40,000). Nếu vượt được hoàn toàn đường này thì đà tăng sẽ được củng cố.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần khá thận trọng trong giai đoạn này do chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến vào vùng quá mua (overbought) và có thể cho tín hiệu bán bất cứ lúc nào.
TCH - CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy
Trong phiên cuối tuần, giá cổ phiếu xuất hiện cây nến đỏ có thân lớn sau khi test lại trendline tăng ngắn hạn (bắt đầu từ tháng 11/2020) cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá bi quan. Khối lượng giao dịch vẫn đang duy trì mức thấp (dưới trung bình 20 ngày) trong những phiên gần đây cho thấy dòng tiền vẫn chưa quay trở lại đối với mã cổ phiếu này.
Vùng 21,000-22,000 (đáy cũ tháng 03/2021 hội tụ cùng đường SMA 200 ngày) đang là hỗ trợ quan trọng của giá cổ phiếu. Đường SMA 200 ngày cũng đang hiện diện tại đây nên độ tin cậy của hỗ trợ này là khá cao.
Chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho tín hiệu mua tại vùng quá bán (oversold) và hiện đang vượt lên trên vùng này. Đây là tín hiệu khá khả quan.
TPB - Ngân hàng TMCP Tiên Phong
Trong phiên giao dịch ngày 07/05/2021, giá cổ phiếu bứt phá mạnh và quay trở lại test vùng kháng cự 28,500-30,000 (tương đương đỉnh cũ tháng 03/2021). Nếu vượt hoàn toàn được vùng này thì đà tăng sẽ được củng cố.
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch bùng nổ và vượt mức trung bình 20 phiên gần nhất chứng tỏ dòng tiền đang chảy vào cổ phiếu này. Bên cạnh đó, chỉ báo MACD cho tín hiệu mua mới và vượt mức 0. Những tín hiệu này củng cố hơn cho đà tăng của cổ phiếu.
Vùng 28,500-30,000 được xem là kháng cự quan trọng. Nếu phá vỡ được vùng này thì mục tiêu mới của giá sẽ là vùng 35,000-37,000 (theo nguyên lý đối xứng).
VPI - CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST
Giá cổ phiếu VPI điều chỉnh và đã rơi xuống dưới cận dưới của mẫu hình tam giác (triangle). Khối lượng giao dịch tăng cao hơn mức trung bình 20 phiên chứng tỏ nhà đầu tư giao dịch khá sôi động.
Chỉ báo MACD rơi mạnh và đã giảm dưới mức 0, qua đó cho thấy rủi ro điều chỉnh là vẫn còn. Chỉ báo Relative Strength nằm dưới đường EMA 20 ngày cho thấy cổ phiếu đang yếu hơn thị trường chung (underperform).
Vùng 34,000-35,000 (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 05/2020 và tháng 06/2018 hội tụ đường SMA 200 ngày) sẽ là hỗ trợ mạnh của giá cổ phiếu VPI.
VIC - Tập đoàn VINGROUP - CTCP
Trong phiên giao dịch ngày 07/05/2021, giá cổ phiếu tạo mẫu hình nến Dragonfly Doji sau khi về gần vùng hỗ trợ 120,000-127,000 (đỉnh cũ tháng 08/2019) chứng tỏ lực mua bắt đáy đã xuất hiện tại đây. Đường SMA 50 ngày cũng đang tiến gần vùng này nên độ tin cậy của hỗ trợ là khá cao.
Tuy nhiên, chỉ báo MACD và chỉ báo Stochastic Oscillator đều đang cho những tín hiệu tiêu cực chứng tỏ rủi ro điều chỉnh là vẫn còn. Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì dưới mức trung bình 20 phiên thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư.
Nếu vùng 120,000-127,000 vẫn được giữ vững thì tình hình sẽ có khả năng tích cực trở lại. Nhà đầu tư có thể canh mua VIC nếu giá cổ phiếu rơi về vùng giá này.
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|