Trung Quốc tìm cách cứu các ngân hàng nhỏ
Trung Quốc đang sáp nhập các tổ chức tín dụng nhỏ lại thành ngân hàng lớn trước những thách thức từ đại dịch Covid-19 và các công ty fintech.
Người dân tại một khu trung tâm tài chính ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg
|
Mới đây, tỉnh Sơn Tây Trung Quốc đã cho ra đời một ngân hàng mới thông qua sự hợp nhất 5 ngân hàng trong khu vực với cái tên mới là Ngân hàng Sơn Tây (Shanxi Bank), theo tờ Nikkei Asia.
Ngân hàng Sơn Tây có vốn hóa 24 tỉ nhân dân tệ (3,7 tỷ USD), là ngân hàng thương mại cấp thành phố lớn thứ hai ở Trung Quốc. Đứng đầu nhóm này là Ngân hàng Tứ Xuyên (Sichuan Bank), cũng được thành lập vào tháng 11.2020 thông qua việc sáp nhập 2 ngân hàng thương mại ở tỉnh này.
Bộn bề khó khăn
Một thập niên tăng trưởng tín dụng quá mức đã khiến các công ty cho vay của Trung Quốc mắc nợ xấu nặng nề. Tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh - ở mức thấp nhất trong 29 năm vào năm 2019 - và cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây thêm áp lực lên bảng cân đối kế toán trong 2 năm qua, theo tờ Financial Times.
Đợt bùng phát Covid-19 bắt đầu vào tháng 12.2019 ở thành phố Vũ Hán cũng đã đem đến một mối đe dọa mới đối với nhiều công ty vừa và nhỏ dựa vào tín dụng ngân hàng để tồn tại.
Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng thương mại cấp thành phố và ngân hàng thương mại nông nghiệp đều giảm từ 14-15%, theo số liệu thống kê của Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc.
Nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch đã giúp các ngân hàng cho vay cấp quốc gia đạt được 3% lợi nhuận sau thuế, bởi đối tượng khách hàng tiềm năng của các ngân hàng này là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên trong khi đó, các ngân hàng tại khu vực nông thôn bị tụt lại phía sau.
Làn sóng sáp nhập
Việc hình thành các ngân hàng Sơn Tây và Tứ Xuyên là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm sáp nhập những ngân hàng nhỏ lẻ đang gặp khó khăn vì đại dịch.
Tỉnh Sơn Tây đã huy động được 15,3 tỉ nhân dân tệ từ trái phiếu hạ tầng mới phát hành và rót số tiền huy động được vào Ngân hàng Sơn Tây.
Chính quyền Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc cũng đang có kế hoạch thành lập một ngân hàng quy mô lớn nhằm phục vụ cho toàn tỉnh. Họ cũng đã gửi đề xuất mong muốn sáp nhập 12 trong số 15 ngân hàng trong khu vực lên Ủy ban Ổn định tài chính và phát triển thuộc Quốc vụ viện (chính phủ Trung Quốc).
Tên của các ngân hàng nằm trong kế hoạch sáp nhập này vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên việc sáp nhập 12 ngân hàng nhỏ này sẽ tạo nên một ngân hàng cho vay có vốn hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ.
Các ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc, chuyên cung cấp tín dụng cho nông dân, cũng đang được tái tổ chức. Ngân hàng Thương mại Nông thôn Shaaxi Qinnong, có trụ sở chính tại thành phố Tây An, cũng sẽ sớm tiếp nhận 2 ngân hàng nông nghiệp khác trong thành phố này.
Thách thức từ fintech
Mặt khác, sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng gây thêm áp lực buộc các ngân hàng trong khu vực phải hợp nhất.
Hiệu trưởng Trường Tài chính Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa, bà Trương Tiểu Huệ phân tích: “Các ngân hàng Internet có thể dễ dàng lấy đi cơ sở khách hàng mà các ngân hàng nhỏ đã phải vất vả lắm mới có thể gầy dựng được”.
Theo bà Trương, các cơ quan quản lý tài chính nên cho phép sáp nhập các ngân hàng nhỏ để họ có thể tập hợp các nguồn lực nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh trong các khu vực riêng của họ.
Các cơ quan quản lý tài chính đã hỗ trợ các ngân hàng khu vực một phần bằng cách hoãn thanh toán nợ. Tuy nhiên, các khoản cho vay trong quá khứ có thể chuyển thành nợ xấu. Nhà chức trách mong muốn các ngân hàng có thể xóa nợ xấu với tốc độ nhanh hơn, nhưng việc xây dựng các khoản dự phòng sẽ vô tình thêm gánh nặng cho các ngân hàng khu vực.
Thêm vào đó, giới quản lý cũng thúc giục các ngân hàng vừa và nhỏ phải tăng vốn, nhưng các nhà đầu tư do dự trong việc cấp vốn cho các tổ chức có nền tảng hoạt động yếu kém. Do các ngân hàng nhỏ có khả năng huy động vốn hạn chế, chính quyền địa phương đã trở thành vị cứu tinh của họ.
Nguyễn Lan Hương
Thanh niên
|