Để niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, ngoài con đường IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian, còn có một con đường khác: sử dụng SPAC. Cơn sốt SPAC hiện đang ở đỉnh điểm và có dấu hiệu xì bong bóng vì bị lạm dụng.
SPAC (Special Purpose Acquisition Company) là một công ty được niêm yết chỉ để sau này sáp nhập một công ty khác, tức là loại công ty muốn niêm yết nhưng không đủ điều kiện hay muốn đi tắt không thông qua con đường IPO nhiêu khê. SPAC như thế chỉ là một vỏ bọc nhằm làm bệ phóng cho một công ty khác. Dĩ nhiên những người lập ra các SPAC là những tay tài phiệt lọc lõi tìm cách hưởng lợi nhiều nhất từ các phi vụ làm bệ phóng này.
Một ví dụ rõ nhất về SPAC là công ty làm xe tải điện Nikola vì chưa có sản phẩm nào bán ra thị trường thì khó lòng làm IPO thành công. Nikola bèn sáp nhập ngược vào một SPAC tên là VectoIQ Acquisition vào tháng 6-2020. Sau đó, cổ phiếu của Nikola chính thức niêm yết trên sàn NASDAQ và cứ thế giá cổ phiếu công ty này tăng như pháo thăng thiên.
Trong vòng một tháng giá cổ phiếu Nikola tăng lên 93,99 đô la, đưa giá trị vốn hóa của một công ty chưa có sản phẩm lên mức kỷ lục 28 tỉ đô la, có lúc còn cao hơn hãng xe lâu đời Ford. Nay bong bóng Nikola đã xẹp, còn 9,76 đô la mỗi cổ phiếu, còn thấp hơn mức định giá lúc chuẩn bị sáp nhập vào VectoIQ. Nhưng ắt hẳn trước đó những người lập nên công ty rỗng này đã kiếm được bộn tiền.
Giá cổ phiếu Nikola - công ty chưa có sản phẩm - tăng như pháo thăng thiên lên 93,99 đô la khi sáp nhập vào một SPAC rồi sau đó tụt không phanh về 9,76 đô la - thấp hơn mức định giá lúc chuẩn bị sáp nhập.
|
SPAC lợi hại như thế nên, theo tờ Economist, bốn tháng đầu năm nay đã có hơn 100 tỉ đô la được huy động rót vào các SPAC để tìm các ứng viên tiềm năng đưa lên bệ phóng. Năm 2021, cũng theo tờ báo này có 84 công ty tuyên bố sẽ lên sàn theo con đường SPAC so với 123 công ty đi theo đường IPO.
Theo Economist, sự hăm hở này là bất kể trong quá khứ nhiều công ty niêm yết theo con đường đi tắt này là công ty có lai lịch không tốt đẹp cho lắm. Những ông chủ SPAC thường đòi phần chia cổ phần khá béo bở cho họ trong khi các nhà đầu tư mới thường phải đổ vào nhiều tiền mới mua được.
Họ lại hứa hẹn quá nhiều, toàn là những lời hay ý đẹp trong khi, theo tổng hợp của tờ Economist, một nửa trong 50 công ty sắp tham gia hay vừa mới tham gia một SPAC để niêm yết là đang thua lỗ. Số còn lại trong 50 công ty này lãi tổng cộng chừng 1 tỉ đô la tiền lãi gộp mỗi năm nhưng lại được hứa hẹn với nhà đầu tư mức lãi này sẽ tăng lên 15 tỉ đô la vào năm 2023 một cách diệu kỳ.
Đặc biệt hứa hẹn nhiều nhất là các công ty làm xe chạy điện, ăn theo sự thành công của Tesla. Trong số tám công ty sản xuất xe điện niêm yết theo con đường SPAC vào năm 2020, đến năm công ty hứa hẹn sẽ đi từ chỗ chưa có đồng doanh thu nào lên mức thị giá đến 10 tỉ đô la trong vòng năm năm. Ngay cả Google cũng chưa làm được điều này vì thực tế Google phải mất tám năm.
Tuy nhiên hiện đã có dấu hiệu thị trường không dễ bị dụ dỗ. Ngoài vụ giá cổ phiếu Nikola quay về mức cũ, thị giá của Virgin Galactic, một công ty công nghệ hàng không đã rơi từ 13 tỉ đô la về lại 5 tỉ đô la. Giá cổ phiếu Opendoor, một công ty địa ốc đã sụt mất một nữa.
Đó là các công ty được SPAC đưa lên bệ phóng. Bản thân các SPAC chưa tìm được công ty tiềm năng để sáp nhập cũng mất giá. Một SPAC của nhà tài phiệt Bill Ackman trị giá 4 tỉ đô la được mua bán ở mức cao hơn giá trị thật 50% do được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận gấp nhiều lần nay mức chênh giá này đã sụt còn 17%. Thậm chí nhiều quỹ đầu cơ đang nhắm bán khống các SPAC vì họ cho rằng thị giá các công ty rỗng này sẽ chóng sụp đổ.
Giới quản lý cũng bắt đầu săm soi con đường niêm yết kiểu SPAC. Tuần trước, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ đưa ra một hướng dẫn làm nhụt chí các nhà đầu tư muốn rót tiền vào các SPAC. Họ quy định chứng quyền (warrant) mà các SPAC phát hành cho nhà đầu tư có thể không được xem là công cụ cổ phiếu mà chỉ là các khoản nợ trên sổ sách kế toán. Quy định này đảo lộn hết mọi tính toán của nhà đầu tư và các SPAC nên cần giải quyết trước khi SPAC thu hút được dòng tiền đầu tư sớm như trước.
Ủy ban này cũng cảnh báo các công ty dự định niêm yết theo con đường SPAC không hẳn đã tránh được nghĩa vụ công bố đầy đủ thông tin cho công chúng. Thị trường cũng bắt đầu quan ngại hình thức đầu tư theo đường tắt này vì chủ các SPAC ăn phí quá cao, lại rơi vào tình huống mâu thuẫn lợi ích; có nhiều nhân vật nổi tiếng đòi ăn theo SPAC và nhất là vì chênh lệch cung cầu khi các SPAC ngày càng khó kiếm đối tác tiềm năng, dễ ăn như trước.
Hai giai đoạn của một SPAC
SPAC đăng ký thành lập nhưng không có hoạt động gì. Giai đoạn đầu SPAC bán chứng khoán lấy tiền mặt chủ yếu cho các quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư tổ chức. Tiền đưa vào quỹ để sau này mua lại công ty họ muốn đưa lên bệ phóng.
Nhà đầu tư còn mua chứng quyền để sau này được quyền mua cổ phiếu ở một mức giá nhất định. SPAC thường có những nhân vật nổi tiếng bảo trợ đổi lại các nhà bảo trợ này bỏ ra ít tiền mà sẽ được nhận phần cổ phiếu nhiều hơn. Tuy nhiên nếu một SPAC sau hai năm mà không kiếm ra đối tác tiềm năng để sáp nhập, phần thưởng dành cho nhà bảo trợ coi như xóa, SPAC phải thanh lý tài sản. Từ năm 2009 đến nay chừng 10% các SPAC phải thanh lý.
Giai đoạn 2, SPAC hoàn thành sáp nhập một công ty muốn niêm yết. Sau đó thì các cổ đông cũ của SPAC sẽ bán cổ phần của mình trên thị trường thứ cấp để công ty mới hoạt động theo ngành nghề chuyên môn của nó. Dĩ nhiên lúc đó giá cổ phiếu cũ đã tăng gấp nhiều lần, đem lại một món lời từng làm cơn sốt SPAC lên cao.
|