Nguy cơ tái bùng phát dịch là rất lớn
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc họp khẩn sáng 30.4 về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại khu vực bệnh nhân 2910 lưu trú ở P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM vào ngày 30.4 ẢNH: CAO AN BIÊN
|
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sáng 30.4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tham dự cuộc họp có các Phó thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Diễn biến phức tạp
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực hết sức phức tạp, khó dự đoán, khó kiểm soát, tác động lớn đến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã tích cực bám sát tình hình, kịp thời đưa ra các chỉ đạo quyết liệt. Cùng với đó là sự vào cuộc khẩn trương của các địa phương, bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự ủng hộ của đa số nhân dân nên trên thực tế, tới nay Việt Nam cơ bản đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp ẢNH: Q.HIẾU
|
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cảnh báo, một số cơ sở, địa phương và cá nhân thời gian qua thực hiện chưa thực sự nghiêm túc, chưa hiệu quả các chỉ đạo, quy định phòng, chống dịch; có nơi xuất hiện sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt, việc tiếp nhận, cách ly, điều trị mầm bệnh do người nhập cảnh từ bên ngoài mang vào trong nước cũng chưa tốt; việc quản lý, theo dõi người cách ly y tế sau 14 ngày còn lỏng lẻo. Do đó, nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát dịch tiếp theo ở Việt Nam là rất lớn và khó dự báo, nhất là sau khi đã xuất hiện một số ca lây nhiễm trong cộng đồng như những ngày vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét biểu dương những cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân làm tốt, thực hiện nghiêm túc và không để xảy ra sự cố; đồng thời kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm khắc các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định, để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định mục tiêu cao nhất trong phòng, chống dịch Covid-19 là bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân và thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả nhưng cũng phải phát triển kinh tế - xã hội để tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch cũng như ổn định tình hình chính trị, xã hội. Đặc biệt, phải làm tốt công tác kiểm soát dịch để tập trung bảo vệ thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Từ những dự báo, thực tế diễn biến dịch bệnh và mục tiêu trên, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có những biện pháp quyết liệt, tích cực hơn; bám sát thực tiễn để bổ sung và siết chặt việc tổ chức thực hiện các quy định, quy chế phòng, chống dịch. Đặc biệt, các cơ quan chức năng, địa phương phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa, bằng mọi biện pháp truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, khắc phục hậu quả của sự cố lây nhiễm dịch hiện nay, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng cần cách ly ẢNH: TRẦN THƯỜNG - CAO AN BIÊN
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương đề cao cảnh giác, bình tĩnh, tỉnh táo, sáng tạo, linh hoạt trong phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm các điểm phát sinh dịch, nhanh chóng ổn định tình hình. Khi xuất hiện ca lây nhiễm, cần khẩn trương truy vết, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Hai công ty phải tạm ngưng sản xuất
Liên quan tình hình dịch bệnh Covid-19, sau khi phát hiện người nhiễm Covid-19 là bệnh nhân (BN) 2899 (28 tuổi, ngụ thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý), Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam và H.Lý Nhân đã tập trung triển khai nhiều biện pháp chống dịch. Tính đến chiều 30.4, H.Lý Nhân đã có 7 ca nhiễm Covid-19 và 1 ca nghi nhiễm. Đã có 399 trường hợp F1, gần 600 trường hợp F2 được truy vết. Hiện, H.Lý Nhân đã cho lập 18 chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại 4 xã: Đạo Lý, Chân Lý, Bắc Lý và Đức Lý.
Sở Y tế Hà Nội cho biết từ BN 2899 tại Hà Nam, đến nay đã lây ra nhiều tỉnh thành khác với tổng số 14 trường hợp, trong đó riêng Hà Nội có 3 ca bệnh trong chưa đầy 24 giờ, cho thấy mức độ lây lan nhanh của dịch. Các BN tại Hà Nội, gồm: BN 2911 (F1 của BN 2899, tiếp xúc ngày 22.4) được xác định mắc Covid-19, nhưng hiện vẫn không có triệu chứng.
Trong số 21 trường hợp tiếp xúc gần với BN này đã có 2 người trở thành F0, là BN 2927 và BN 2928; 19 trường hợp còn lại âm tính. Điều đáng lo ngại là cả 2 BN trên đều là công nhân KCN, có nhiều người tiếp xúc gần và lo ngại nguy cơ lây lan tăng cao. BN 2927 là N.Đ.Đ (27 tuổi, trú H.Đông Anh, là công nhân tại Công ty TNHH Vinco - địa chỉ tại Kim Chung, Đông Anh), tiếp xúc với BN 2911 ngày 26.4 trong một bữa ăn; điều tra sơ bộ có 17 trường hợp F1 liên quan đến BN Đ., là công nhân làm cùng công ty. BN 2928 là N.H.N (nữ, 25 tuổi, trú thôn Lỗ Giao, là công nhân tại Công ty TNHH Panasonic (KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh), cũng là F1 của BN 2911. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, có 33 trường hợp F1 của BN N. (3 tại gia đình và 30 tại công ty BN làm việc).
Do sự xuất hiện của 2 BN này, Công ty TNHH Panasonic đã phải ngưng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Vinco cũng phải ngưng hoạt động phân xưởng số 2; toàn bộ công nhân của các phân xưởng này sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, liên quan đến 2 ca bệnh mới tại khu công nghiệp ở Đông Anh, Hoàn Kiếm cũng đã ghi nhận 58 trường hợp F2 là BN và nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ sản T.Ư, trong đó có 17 BN và 41 nhân viên y tế (do 1 F1 của BN 2928 đang điều trị tại bệnh viện này). Toàn bộ các F2 đã được lấy mẫu, bệnh viện đã phun khử khuẩn các khu vực liên quan, chuyển F1 đi cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố, các F2 đang được theo dõi tại chỗ.
TP.HCM ngưng hoạt động bar, karaoke, vũ trường
Sáng 30.4, tại cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và Bộ Y tế liên quan đến BN 2910, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết BN 2910 từ Hà Nam vào TP.HCM trên chuyến bay của Hãng VietJet ngày 27.4 để đi dự đám cưới đồng hương trong khu nhà trọ trên đường Phạm Đăng Giảng, P.Bình Hưng Hòa. Khi tới TP.HCM, BN 2910 tiếp xúc 7 F1 (đã cách ly tập trung), 57 người trong khu nhà trọ được xem là F2, hiện tất cả đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.
Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu từ 18 giờ ngày 30.4, toàn bộ vũ trường, quán bar và karaoke trên địa bàn TP.HCM phải dừng hoạt động. Còn các quán ăn, nhà hàng, nhà hát kịch, phòng trà phải tuân thủ quy định phòng dịch. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép.
Thanh Niên
Thanh niên
|