Thứ Sáu, 07/05/2021 09:40

Lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh - có đáng lo?

Yếu tố lãi suất sẽ là tâm điểm quan trọng nhất trong năm nay khi nhiều người tin rằng sau chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm vừa qua sẽ là chu kỳ thắt chặt chính sách trở lại. Với diễn biến lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng (thị trường 2) đã bật tăng mạnh gần đây, liệu xu hướng này có lan sang thị trường tiền tệ giữa ngân hàng và tổ chức, dân cư (thị trường 1)?

Tâm điểm là lãi suất

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, kênh vay mượn giữa các ngân hàng thương mại với nhau, đã bất ngờ tăng vọt trong tuần trước. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã leo lên mức 1,2%/năm, cao nhất trong vòng một năm qua. Con số này cũng gấp gần 3 lần so với tuần trước đó, cao hơn 4,5 lần so với thời điểm đầu tháng và tăng hơn 100 điểm cơ bản so với thời điểm đầu năm.

Tương tự, kỳ hạn một tuần, hai tuần và một tháng cũng đều tăng từ 100-120 điểm cơ bản so với đầu năm nay, còn so với thời điểm đầu tháng cũng cao hơn từ 2,5-3,5 lần. Diễn biến này khiến không ít người lo ngại, rằng áp lực thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang quay trở lại và xu hướng lãi suất đi lên có thể lan sang thị trường 1, tức các ngân hàng thương mại có thể bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động trở lại.

Số liệu tăng trưởng tín dụng cập nhật gần nhất đến giữa tháng 4 là 3,34%, tiếp tục cho thấy nhu cầu vay vốn tiếp tục tăng cao trở lại và có lẽ tăng trưởng huy động vốn vẫn chưa theo kịp tăng trưởng tín dụng cho đến nay. Nếu xu hướng này tiếp tục, mức độ dồi dào thanh khoản của hệ thống sẽ giảm dần là tất yếu và khi đó không loại trừ khả năng các ngân hàng sẽ bắt đầu phải cạnh tranh huy động vốn trở lại. Tuy nhiên, vẫn có yếu tố hỗ trợ lãi suất ổn định...

Theo giới phân tích, yếu tố lãi suất sẽ là tâm điểm quan trọng nhất trong năm nay, khi nhiều người tin rằng sau chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm vừa qua sẽ là chu kỳ thắt chặt chính sách trở lại. Một số báo cáo phân tích gần đây của các tổ chức cũng dự báo lãi suất có thể bắt đầu đi lên trở lại trong nửa cuối năm nay, trong khi đã có một vài quốc gia cũng có dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng toàn ngành từ đầu năm đến ngày 19-3 là 1,47%, cao hơn 2,7 lần con số tăng trưởng huy động vốn chỉ ở mức 0,54%. Số liệu tăng trưởng tín dụng cập nhật gần nhất đến giữa tháng 4 là 3,34%, cho thấy nhu cầu vay vốn tiếp tục tăng cao trở lại và có lẽ tăng trưởng huy động vốn vẫn chưa theo kịp tăng trưởng tín dụng cho đến nay.

Nếu xu hướng này tiếp tục, mức độ dồi dào thanh khoản của hệ thống sẽ giảm dần là tất yếu và khi đó không loại trừ khả năng các ngân hàng sẽ bắt đầu phải cạnh tranh huy động vốn trở lại. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố giúp hỗ trợ lãi suất ổn định, trong khi xu hướng dâng lên của mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 trong tuần vừa qua có lẽ cũng chỉ mang tính nhất thời theo mùa vụ.

Thực tế cho thấy trước mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 thường tăng nhanh do các ngân hàng cần vốn để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn thanh khoản và khả năng chi trả ngắn hạn, và sau đó thường giảm trở lại.

Đơn cử như trong đợt tăng vừa qua, dù lãi suất vay mượn trên thị trường 2 tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn, nhưng các kỳ hạn dài ba tháng, sáu tháng và chín tháng không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu tháng và thậm chí còn giảm đáng kể so với đầu năm. Do đó, nếu nhu cầu thanh khoản này chỉ mang tính nhất thời ngắn hạn, áp lực lan sang thị trường 1 có thể không diễn ra.

Những yếu tố hỗ trợ lãi suất

Trong khi đó, hiện nay cũng như giai đoạn tới vẫn có những yếu tố giúp mặt bằng lãi suất tiếp tục giữ được sự ổn định như đã nói.

Đầu tiên là lạm phát vẫn đang ở mức thấp, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 vừa qua tiếp tục ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp giảm so với tháng trước, với mức giảm nhẹ 0,04%.

So với thời điểm đầu năm nay CPI mới tăng 1,27% và so với cùng kỳ tăng 2,7%, cách khá xa so với mục tiêu 4%.

Đáng lưu ý là kể từ đầu quí 3, khả năng sẽ có một lượng lớn tiền đồng được bơm ra từ những hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng mà các ngân hàng thương mại đã ký kết với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hồi đầu năm nay, theo đó có thể giúp thanh khoản tiền đồng của hệ thống tiếp tục dồi dào. Trong những năm vừa qua, có thể nói lượng tiền đồng được bơm ra qua kênh mua ngoại tệ của NHNN đã đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ thanh khoản của hệ thống.

Trước áp lực về cáo buộc thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ hồi cuối năm ngoái, từ đầu năm nay NHNN đã chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng, nhưng về cơ bản chính sách này vẫn có thể góp phần hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Ngoài ra, mới đây phía Mỹ đã chính thức gỡ nhãn thao túng tiền tệ cho phía Việt Nam, nên việc can thiệp trên thị trường ngoại hối giao ngay có lẽ không còn phải chịu quá nhiều áp lực, theo đó nhà điều hành có thể sử dụng trở lại chính sách mua ngoại tệ giao ngay song song với chính sách mua kỳ hạn.

Đáng lưu ý là kể từ đầu quí 3, khả năng sẽ có một lượng lớn tiền đồng được bơm ra từ những hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng mà các ngân hàng thuơng mại đã ký kết với Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm nay.

Yếu tố kế tiếp là trước tình trạng thị trường bất động sản bị “thổi giá” một cách không lành mạnh tại các địa phương hiện nay, dẫn đến một lượng vốn vay ngân hàng có lẽ cũng đã được rót vào lướt sóng ở kênh đầu tư này, thì sắp tới các cơ quan quản lý sẽ có các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để hạ nhiệt giá nhà đất đang nóng sốt.

Về phía NHNN có lẽ sẽ có thêm các chính sách, giải pháp hạn chế và kiểm soát tín dụng rót vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay chứng khoán, do đó có thể kiềm chế lại tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Ở dòng vốn đầu vào, các ngân hàng đã tăng vốn điều lệ mạnh mẽ trong những năm qua và năm nay tiếp tục đặt ra kế hoạch tăng vốn khủng, cũng như đã phát hành thành công các trái phiếu, giấy tờ có giá kỳ hạn dài trong thời gian qua, do đó cũng giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào việc huy động vốn tiền gửi tiết kiệm từ thị trường dân cư, vốn thường phải sử dụng công cụ là lãi suất để thu hút khách hàng.

Về diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng, trong tháng 4 vừa qua, bên cạnh một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm như GPBank tăng 0,6 điểm phần trăm kỳ hạn từ sáu tháng trở lên, VPBank tăng 0,2 điểm phần trăm cũng từ kỳ hạn sáu tháng trở lên, PGBank tăng 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 1-3 tháng, vẫn có các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động như Kiên Long giảm 0,1 điểm phần trăm kỳ hạn từ sáu tháng trở lên; VIB giảm 0,2-0,3 điểm phần trăm kỳ hạn từ 6-11 tháng; Techcombank giảm 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 3-5 tháng và giảm 0,1 điểm phần trăm từ kỳ hạn 12 tháng trở lên; MBBank giảm 0,2-0,4 điểm phần trăm đều ở các kỳ hạn,...

Tuệ Nhiên

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đầu tháng 5 vẫn ổn định (10/05/2021)

>   Thiệt hại hơn 310 tỉ đồng tại VCB Tây Đô: Nguyên giám đốc chịu trách nhiệm chính (06/05/2021)

>   Tổng Bí thư giao 5 nhiệm vụ cho ngành ngân hàng (05/05/2021)

>   Giải pháp chi tiêu tối ưu cho doanh nghiệp với ưu đãi lãi suất 0% (05/05/2021)

>   Con đường sự nghiệp của tân Chủ tịch Kienlongbank (05/05/2021)

>   Không trích lập dự phòng, SHB báo lãi trước thuế quý 1 gấp đôi cùng kỳ (05/05/2021)

>   Cổ phiếu ngân hàng tháng 4: Thị giá ngược chiều thanh khoản (05/05/2021)

>   Không trích lập dự phòng, Bac A Bank báo lãi trước thuế quý 1 tăng 29% (05/05/2021)

>   Thu từ nợ đã xử lý tăng mạnh, MB báo lãi trước thuế quý 1 gấp đôi cùng kỳ (04/05/2021)

>   Thu từ chứng khoán tăng mạnh, MSB báo lãi trước thuế quý 1 gấp 4 lần (05/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật