Hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán, SIP báo lãi quý 1 gấp 5 lần cùng kỳ
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2021 vừa công bố, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) báo lãi ròng 3 tháng đầu năm đạt hơn 186 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ 2020.
Doanh thu thuần trong kỳ của SIP đạt 1,331 tỷ đồng, tăng 22% so với quý 1/2020, chủ yếu do doanh thu từ mảng kinh doanh bán điện, nước và cung cấp dịch vụ tiện ích KCN tăng lần lượt 18% (lên 1,035 tỷ đồng) và 82% (lên 71 tỷ đồng). Cùng với việc biên lợi nhuận được cải thiện đã giúp lãi gộp của Công ty trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 163 tỷ đồng, tăng 31%.
Dù ghi nhận hơn 10 tỷ đồng từ lãi bán các khoản đầu tư nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính của SIP vẫn giảm 2% so với cùng kỳ do khoản thu chiếm tỷ trọng nhiều nhất là lãi tiền gửi và cho vay giảm 7%, về mức xấp xỉ 80 tỷ đồng.
So với quý 1/2020, chi phí tài chính của SIP trong quý vừa rồi đã giảm đáng kể, từ 122 tỷ đồng về còn 3 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Công ty hoàn nhập các khoản giảm giá chứng khoán theo đó không còn ghi nhận hơn 114 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.
Danh mục chứng khoán kinh doanh của SIP. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 của SIP
|
Nhờ tổng chi phí sụt giảm đáng kể, SIP báo lãi ròng quý 1 đạt hơn 186 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. So với kế hoạch lãi sau thuế 520 tỷ đồng được dự kiến trình tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới thì Công ty đã thực hiện được hơn 40% mục tiêu. Lưu ý, chỉ tiêu dự kiến này chỉ bằng 47% mức thực hiện của năm 2020.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2021 của SIP. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 của SIP
|
Tổng tài sản tại thời điểm cuối tháng 3/2021 của SIP tăng 2% so với đầu năm, vượt mốc 17 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa, còn gần 506 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, khoản mục hàng tồn kho của Công ty tăng 17%, lên 466 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang từ phát triển các dự án được ghi nhận thêm.
Đối với nợ phải trả, khoản mục này của SIP ghi nhận hơn 14 ngàn tỷ đồng, gần như đi ngang so với thời điểm đầu năm. Đối với vay nợ tài chính, Công ty vẫn tiếp tục không ghi nhận các khoản vay dài hạn. Trong khi đó, các khoản ngắn hạn đã giảm 30%, còn 322 tỷ đồng.
Mặt khác, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng 72%, lên hơn 859 tỷ đồng.
Chi tiết khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn của SIP
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 của SIP
|
Hà Lễ
FILI
|