Thứ Sáu, 21/05/2021 13:31

Giải quyết nhà ở xã hội: Tăng nguồn cung, kéo giá giảm cho người dân

Hiện trên cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, tuy nhiên với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thành xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7%.

* Dự án nhà ở xã hội hơn 1.000 căn hộ ở TP.HCM bị ‘bán trộm’

* Xây dựng chính sách tổng thể, dài hạn cho nhà ở xã hội

* Lãi suất cho vay nhà ở xã hội 4,8%/năm

Khu nhà ở xã hội tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thành xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2). Vì thế, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục báo cáo đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp góp phần kéo giảm giá nhà ở để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân.

Thiếu quỹ đất sạch, vốn ưu đãi

Trước đó, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đã có kiến nghị gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đề nghị các cơ quan liên quan xem xét tham mưu Chính phủ trình Quốc hội bổ sung “Chương trình mục tiêu phát triển nhà ở xã hội” khi xem xét ban hành “Nghị quyết ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.”

Trên cơ sở đó, Nhà nước bố trí nguồn ngân sách thực hiện tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở.

Trả lời kiến nghị nêu trên, phía Bộ Xây dựng cho biết với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và sự tham gia của các doanh nghiệp, hiện trên cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2.

Ngoài ra, cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng 10.950.000 m2.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thành xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2).

Theo đại diện Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu là do tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở các vị trí không thuận lợi; chưa giải phóng xong mặt bằng. Thực trạng này dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội…

Nhóm nguyên nhân thứ hai là do hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí. Vì vậy, có nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện do không có vốn.

Để giải quyết khó khăn trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020, trong đó giao: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.”

Trên cơ sở Chính phủ giao, ngày 26/6/2020, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản số 3103/BXD-QLN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sớm báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ sung nguồn vốn hỗ trợ nêu trên để các Ngân hàng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Đến ngày 8/7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Trong đó quy định “các nhiệm vụ, chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật: hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng, chính sách khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ,...”

Tiếp đó, ngày 14/10/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 4987/BXD-QLN gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội như Chính phủ đã chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP.

Khuyến khích dự án nhà ở thương mại giá thấp

Cùng với kiến nghị về phân bổ nguồn vốn cho việc triển khai các dự án nhà ở xã hội nêu trên, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Quốc hội: “cần có giải pháp góp phần kéo giảm giá nhà để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của đông đảo người có thu nhập thấp đô thị, công chức, viên chức nhà nước, công nhân lao động và người nhập cư,… đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở lâu dài, vừa phát triển thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.”

Trả lời nội dung trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết năm 2019, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có khó khăn về nhà ở, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2019.

Tuy nhiên, do Ban Tổ chức Trung ương cũng đang chủ trì xây dựng “đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị” nên để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong nghiên cứu chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc lùi thời hạn trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở sau khi Bộ Chính trị thông qua đề án.

Trong thời gian tới, trên cơ sở nội dung đề án được thông qua, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đổi mới phương thức, cơ chế chính sách tăng nguồn cung, góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân đô thị.

“Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục báo cáo đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp góp phần kéo giảm giá nhà ở để đáp ứng nhu cầu nhà ở của đông đảo người dân,” đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh./.

Hùng Võ

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Bất động sản Long Thành tăng mạnh nhờ hạ tầng và quy hoạch đô thị đa chức năng  (21/05/2021)

>   Cấp sổ đỏ cho chung cư mini: Nên hay không? (21/05/2021)

>   Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên (20/05/2021)

>   Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng kháng cáo, xin giảm hình phạt (19/05/2021)

>   HBC trúng thầu dự án D&B trị giá gần 2,000 tỷ đồng (19/05/2021)

>   Vì sao Khánh Hòa phải lo xử lý sai phạm về đất đai?:Tùy tiện giao đất 'vàng' (18/05/2021)

>   Thi công thần tốc, NovaWorld Phan Thiet cán đích năm 2023 (17/05/2021)

>   Vinhomes: Trả cổ tức tỷ lệ 45%, đẩy nhanh triển khai BĐS khu công nghiệp (17/05/2021)

>   Chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép (17/05/2021)

>   Nhiều dự án bất động sản bỏ hoang: Cần chế tài xử phạt nặng với chủ đầu tư (15/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật