Dịch COVID-19: Người trẻ không bệnh nền, vẫn trở nặng nhanh
Tại Việt Nam, đến nay đã trải qua 3 đợt dịch và đang ở đợt dịch thứ 4. Khác với những đợt trước, ở làn sóng dịch mới nhất này, trong số các ca bệnh trở nặng nhanh, rồi diễn tiến nặng dần trở thành nguy kịch, có không ít bệnh nhân là người trẻ tuổi.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: Đ.T
|
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho 416 bệnh nhân (khoảng 25% tổng bệnh nhân cả nước). Trong đó có 41 ca tiến triển nặng lên, 28 ca tiên lượng rất nặng. Về tình trạng lâm sàng, 24 ca nặng phải thở oxy; 6 ca thở máy không xâm nhập; 18 ca thở máy, điều trị tích cực; 2 ca ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo).
Điều đáng nói, trong số các ca bệnh trở nặng nhanh, rồi diễn tiến nặng dần trở thành nguy kịch, có không ít bệnh nhân là người trẻ tuổi. Hiện Bệnh viện này có 4 bệnh nhân dưới 50 tuổi diễn biến nặng, phải thở oxy lưu lượng cao; 6 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân ECMO. Đặc biệt, trong số những ca nặng này không ai có bệnh lý nền.
Đơn cử, thai phụ 35 tuổi ở Hà Nội, phát hiện dương tính hôm 9/5, sau hơn 1 tuần vào viện phải thở máy qua ống nội khí quản, vẫn còn sốt cao, được điều trị an thần, giãn cơ. Trường hợp trở nặng cấp tính này được các chuyên gia hàng đầu khuyến nghị cần hội chẩn với sản khoa liên tục, xem xét sớm chỉ định đặt ECMO.
Ngoài ra, một số nhân viên y tế trẻ tuổi cũng diễn biến nặng lên. Mới nhất có trường hợp người đàn ông mới 37 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 hôm 8/5, chỉ 10 ngày sau vào viện phải chuyển từ Bắc Ninh lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư phải đặt ECMO ngay.
Hai bệnh nhân COVID-19 đã tử vong trong đợt dịch này (ca thứ 36 và 37), một người cao tuổi và một người mới 37 tuổi, có nhiều bệnh lý nền đi kèm. Cho rằng đặc điểm diễn biến bệnh do chủng virus mới này còn đang cần nghiên cứu tiếp, nhưng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư nhấn mạnh: “Để hạn chế tỷ lệ tử vong, chúng ta không chỉ lưu tâm đến nhóm bệnh nhân có tuổi, có bệnh nền mà còn phải đảm bảo việc điều trị tốt cho cả nhóm người trẻ khỏe. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị”.
“Hơn hết, mỗi người đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuân thủ các chỉ định cách ly giãn cách khi được yêu cầu để hạn chế số người mắc không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị”, bác sĩ Cấp nói.
Chiều 20/5 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành văn bản gia hạn thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Kim Chung đến 08h00 ngày 26/5/2021.
|
Thêm 2 ca COVID-19 tử vong
Ngày 20/5, Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo về 2 ca COVID-19 tử vong. Cụ thể, bệnh nhân BN3197, nữ 64 tuổi, có tiền sử viêm gan B mạn cách đây 10 năm, ung thư gan phát hiện cách đây 4 tháng. Bệnh nhân được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 4/5 với chẩn đoán: Nhiễm trùng huyết/ung thư gan, viêm gan B mạn, hội chứng thực bào máu. Do bệnh lý nền quá nặng không đáp ứng điều trị, bệnh nhân đã tử vong ngày 19/5. Chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân ung thư gan, viêm gan B mạn, hội chứng thực bào máu, kiệt bạch cầu, nhiễm SARS-COV-2. Đây là ca tử vong của bệnh nhân thứ 38.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân BN3554, 81 tuổi, nam, có tiền sử đau khớp gối nhiều năm, xơ gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, gút. Ngày 19/5 bệnh nhân có diễn biến nặng, mặc dù đã được bệnh viện cấp cứu hồi sức tích cực nhưng đã tử vong tối cùng ngày. Chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết đường vào viêm mủ khớp gối 2 bên trên bệnh nhân xơ gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, nhiễm SARS-COV-2. Đây là ca tử vong của bệnh nhân thứ 39 có liên quan tới COVID-19 tại Việt Nam.
Thái Hà
Tiền phong
|