Cổ phiếu ngân hàng có còn “nổi sóng”?
Cổ phiếu nhóm ngân hàng được cho là lấy lại phong độ “cổ phiếu vua” khi một số mã “leo dốc”, chuyển sang dẫn dắt thị trường chứng khoán tăng điểm trong những tháng gần đây.
Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng tích cực trong những tháng đầu năm 2021. Đà hưng phấn của các cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là một trong những nguyên nhân lớn giúp thị trường duy trì sắc xanh tích cực. Hiện tại, VN-Index đang duy trì quanh mức 1,250 điểm, các mã ngân hàng như VPB, TCB, MBB, STB, CTG,... luôn nằm trong top những cổ phiếu dẫn dắt chỉ số này. Còn đối với HNX-Index, SHB vẫn đang là trụ chính kéo giúp chỉ số đến gần mốc 300 điểm.
Tính từ đầu năm, VPB là cổ phiếu tăng mạnh nhất toàn ngành với mức tăng đến 96%. Đà tăng của VPB đến sau thông tin Ngân hàng này chính thức công bố bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) vào ngày 28/04/2021.
Một mã ngân hàng “dậy sóng” khác không thể không nhắc đến là SHB. Trên thực tế, đà tăng của cổ phiếu SHB bắt đầu manh nha từ sau thương vụ đăng ký mua 35.9 triệu cổ phiếu SHB vào đầu năm 2020 (13/01-11/02/2020) của ông Đỗ Vinh Quang – con trai của chủ tịch HĐQT SHB - ông Đỗ Quang Hiển. Thời điểm đó, thị giá SHB được giao dịch quanh mức 6,000 – 6,500 đồng/cp. Và đến nay, giá SHB đã tăng lên mức 29,300 đồng/cp – tương ứng tăng gần 5 lần giai đoạn ông Quang chi tiền để tăng tỷ lệ sở hữu.
Tạo được sức hút từ những ngày đầu lên sàn HOSE, cổ phiếu SSB của SeABank có lúc cũng khoác sắc tím liên tục 6 phiên. Khối lượng giao dịch bình quân trên 1.6 triệu cp/ngày, thị giá SSB đã tăng 56% so với ngày đầu niêm yết (24/03/2021), chốt phiên 18/05 ở mức 31,500 đồng/cp.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng phi mã trong thời gian gần đây như LPB (+82%), VIB (+78%), NVB (+58%), STB (+56%),…
Thay đổi giá cổ phiếu ngân hàng so với đầu năm tính đến ngày 18/05
(*) Giá kết phiên 18/05 so với ngày đầu niêm yết
|
Đà tăng đến từ đâu?
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế nhận định cổ phiếu của ngân hàng hiện tại đang ở trong xu hướng tăng rất mạnh, được hỗ trợ bởi nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, dựa vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua và hiện tại. Trong ngành kinh tế, có lẽ ngành ngân hàng là ngành có thanh khoản tốt nhất và trụ vững được trong thời gian dịch bệnh, cho nên cổ phiếu ngân hàng đang ở trong xu hướng tăng. Dĩ nhiên, tùy theo báo cáo kết quả kinh doanh của mỗi ngân hàng cho năm 2020 và quý 1/2021. Những ngân hàng nào tỷ lệ sinh lời (ROA, ROE) cao cũng như tỷ lệ nợ xấu trong vòng kiểm soát, thì những ngân hàng đó cổ phiếu đang tăng mạnh.
Thứ hai, tại thời điểm này, vấn đề tăng vốn của các ngân hàng cũng rất quan trọng. Ngân hàng nào có thông tin tăng vốn từ phía cổ đông, hoặc cổ đông nước ngoài, những mã cổ phiếu đó sẽ có sức bật mạnh nhưng nhìn chung vẫn dựa vào kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, có những hiện tượng, ngân hàng có tin tốt lành như đầu tư của nước ngoài hoặc bán cổ phiếu ra để kêu gọi đầu tư vào ngân hàng của họ cũng sẽ giúp cổ phiếu đó tăng mạnh.
Ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của CTCK MBS cho biết có 2 nguyên nhân đẩy nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây tăng rất mạnh.
Nguyên nhân từ nội tại doanh nghiệp, hầu như là toàn bộ ngành ngân hàng đều đạt lợi nhuận rất lớn, vượt kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là quý 1, đã đạt khoản lợi nhuận rất lớn. Có nhiều nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng trưởng. Thứ nhất là, mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất cho vay, do đó, NIM của hệ thống ngân hàng không bị ảnh hưởng như các chuyên gia lo ngại trước đây mà lại gia tăng đáng kể trong quý vừa rồi. Yếu tố thứ 2 là, liên quan đến Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được ban hành vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, do đó một số ngân hàng vẫn chưa áp dụng Thông tư 03 trong việc trích lập dự phòng quý 1, cho nên lợi nhuận của ngân hàng có vẻ tươi sáng hơn trong quý 1 và trích lập dự phòng sẽ có xu hướng tăng lên vào những quý tới. Đó là những nguyên nhân khiến cho lợi nhuận ngân hàng tốt hơn trong quý vừa qua.
Lợi nhuận ngân hàng tốt hơn, cộng với việc cổ phiếu ngân hàng có tính dẫn dắt thị trường, đồng thời nhóm cổ phiếu có thanh khoản rất là cao, do đó các nhà đầu tư hiện nay, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân rất ưa chuộng nhóm cổ phiếu này.
Ông Tuấn nhấn mạnh có một điểm phân hóa đáng lưu ý. Mặc dù các ngân hàng nhỏ và tầm trung giá cổ phiếu tăng rất mạnh nhưng những ngân hàng có quy mô lớn như VCB, BIDV thì giá cổ phiếu lại tăng trưởng hầu như không đáng kể so với đầu năm.
Cổ phiếu ngân hàng có còn “nổi sóng”?
Dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết còn gần 3 quý nữa, tình hình kinh tế của Việt Nam dĩ nhiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, ngành ngân hàng cũng sẽ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, khi mà khách hàng của họ gặp khó khăn về tài chính, các ngân hàng cuối cùng vẫn sẽ chịu thiệt hại từ vấn đề nợ xấu cũng như thanh khoản, huy động đều khó khăn hơn.
Còn theo ông Hoàng Công Tuấn, bắt đầu từ quý 2 và những quý cuối năm, cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ chững lại hoặc bị điều chỉnh giảm hoặc tăng chậm hơn mức tăng chung của thị trường. Nguyên nhân là chắc chắn thời gian tới ngân hàng sẽ phải áp dụng Thông tư 03, do đó trích lập dự phòng rủi ro sẽ tăng lên, lợi nhuận của các ngân hàng trong 3 quý tới dù vẫn tốt nhưng sẽ không còn được như quý đầu năm nữa.
Nguyên nhân thứ hai, đến khoảng tháng 6-7/2021, một loạt các ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn, ước tính khoảng 100,000 tỷ vừa phát hành tăng thêm, vừa trả cổ tức bằng cổ phiếu. Với lượng lớn cổ phiếu cung ra thị trường như vậy, cung cầu phải có sự cân bằng trở lại, thì chắc chắn mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ không còn được tươi sáng như thời gian đầu năm.
TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng bổ sung thêm các thông tin đưa ra trong quý 1 có vẻ ngân hàng đang là ngành có lợi nhuận cao, tuy nhiên chưa phản ánh hết mức độ thực chất về vĩ mô mà ngành ngân hàng đang gánh chịu. Như vậy triển vọng ngân hàng với lợi nhuận cao trong năm 2021 là triển vọng chưa logic về kinh tế học và khó khăn chung của nền kinh tế, cũng như tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng lại tăng rất mạnh so với năm 2019. Như vậy, số liệu khách quan cho thấy cổ phiếu ngân hàng sẽ khó tiếp tục tăng giá. Về lý luận, thì cổ phiếu ngân hàng sẽ khó tăng trưởng tiếp trong thời gian sắp tới vì nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, ngành ngân hàng gánh chịu khó khăn của nền kinh tế vì họ cho vay tất cả các ngành. Nói chung kinh tế vĩ mô tốt thì ngân hàng luôn luôn tốt và ngược lại. Ngành ngân hàng là ngành bình quân.
Thứ hai, khó khăn vẫn còn đang tiếp diễn phía trước. Ngành bất động sản vẫn đang có nhiều dấu hỏi và ngành này không thể tăng trưởng tốt nếu như doanh thu cho vay, cho thuê… đang khó khăn thế này, thì sự tăng trưởng không thể chắc chắn, do đó rủi ro rất lớn cho việc cho vay thu hồi vốn nợ xấu của ngân hàng sẽ xuất hiện.
Thứ ba, cổ phiếu ngân hàng tăng quá mạnh từ tháng 4/2020, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cổ phiếu tăng quá mạnh, sẽ khó tăng tiếp được.
Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) – ông Phan Dũng Khánh cũng đồng tình và cho rằng trong ngắn hạn giá cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ vẫn ổn định, còn trong trung hạn sẽ có xu hướng chững lại. Nguyên nhân là do trong thời gian qua, giá cổ phiếu nhóm ngân hàng đã tăng quá nhiều trong thời gian dài và còn dẫn dắt thị trường. Thêm vào đó là doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, các ngân hàng đã làm đủ mọi cách để tăng lợi nhuận kể cả kết hợp bảo hiểm tuy cũng gần hết cách nhưng lại xa rời tín dụng là lĩnh vực chính.
Cát Lam
FILI
|