Có nên trú vào vàng khi lạm phát gia tăng?
Nguy cơ lạm phát khiến dòng tiền có xu hướng trú ẩn vào vàng. Giá vàng dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên tại thị trường nội địa, nguy cơ “sập hầm” khi đổ tiền vào vàng là rất lớn.
Vàng SJC tăng giá chậm hơn thế giới. ẢNH: NGỌC THẮNG
|
“Bóng ma” lạm phát đẩy vàng tăng
Ngày 26.5, giá vàng miếng SJC tăng từ 130.000 - 200.000 đồng/lượng so với ngày 25.5, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 56,15 triệu đồng/lượng, bán ra 56,55 triệu đồng/lượng, có thời điểm lên 56,6 - 56,62 triệu đồng/lượng. Tại Eximbank, giá vàng miếng SJC sôi động hơn với 15 lần điều chỉnh theo xu hướng giảm dần trong ngày, từ mức giá mua 56,35 triệu đồng/lượng xuống còn 56,1 - 56,17 triệu đồng/lượng và bán ra từ 56,6 triệu đồng/lượng xuống 56,35 - 56,42 triệu đồng/lượng.
So với đầu tháng 5, giá vàng miếng SJC tăng từ 600.000 - 700.000 đồng/lượng và lên mức cao nhất trong vòng nhiều tháng trở lại đây. So với thời điểm thấp nhất hồi cuối tháng 3, vàng miếng SJC hiện nay đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng, tương ứng hơn 3,1%. Dù tăng khá mạnh nhưng vàng trong nước vẫn tăng chậm hơn thế giới.
Kim loại quý trên thế giới đã tăng hơn 200 USD/ounce trong gần 2 tháng qua, tương đương khoảng 13%, lên 1.907 USD/ounce ngày hôm qua khi các nhà đầu tư tìm kiếm vàng như một kênh trú ẩn trong bối cảnh lạm phát leo thang. Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã thực hiện mua liên tục trong tháng 5 thay vì liên tục bán ra vào tháng 3 và 4. Lượng vàng mua ròng trong tháng 5 của quỹ này hơn 24,4 tấn vàng so với cuối tháng 4, lên 1.046,12 tấn.
Yếu tố lớn hỗ trợ vàng tăng mạnh thời gian gần đây trên thị trường quốc tế đến từ lạm phát. Giá cả hàng hóa như gỗ xẻ, đồng, thiếc, nhôm, dầu… cũng như chi phí lương mà người sử dụng lao động phải trả đang tăng cao cho thấy lạm phát sẽ gia tăng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cố giữ lãi suất thấp để hỗ trợ kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Nợ của chính phủ Mỹ ngày càng cao hơn sẽ tiếp tục đẩy áp lực lạm phát tăng và phá hủy sức mua của USD. Trước những yếu tố này, nhiều tổ chức quốc tế dự báo giá vàng sẽ tăng lên lại mức 2.000 USD/ounce trong năm nay.
Đây là một trong những lý do khiến nhà đầu tư thế giới tìm đến vàng. Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng việc chọn vàng làm kênh đầu tư trước những lo ngại lạm phát gia tăng là điều nên làm. Khi lạm phát tăng, chính sách tiền tệ cũng sẽ có sự thay đổi, dòng tiền trên thị trường đang rút dần sang các tài sản khác, chẳng hạn như chứng khoán, bất động sản tăng chậm hơn trước.
Vàng trong nước nhiều rủi ro giá
Với thị trường nội địa, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho rằng vàng vẫn không phải là kênh sinh lời nhiều như các kênh đầu tư khác trong bối cảnh hiện nay. Do đó, chỉ nên bỏ một phần vốn chứ không nên gom hết trứng vào một giỏ.
Ông Hải tính toán để mua được 1 lượng vàng phải bỏ ra số vốn lớn lên khoảng 56,5 triệu đồng, phải chờ đợi trong nhiều tháng trong khi mức sinh lời cũng chỉ vài phần trăm. Đó là chưa kể thị trường đang có những biến động đầy rủi ro và bất ngờ. Ví như ở thời điểm này, giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng trong nước tăng khá chậm. Điều này gây bất ngờ đối với cả giới kinh doanh vàng.
Với kiểu “một mình một chợ”, người nắm giữ vàng từ hồi cuối tháng 3 đến nay vẫn không có lời nhiều, có người thậm chí còn lỗ. Tình trạng vàng trong nước “lẽo đẽo” theo vàng thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp diễn. Khi khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới được rút ngắn lại có thể “sóng” vàng trong nước sẽ tương đồng cùng giá thế giới. Bởi giới kinh doanh vàng cần nguyên liệu để sản xuất nữ trang vào quý 3, nên khả năng thu gom vàng miếng SJC để làm nguyên liệu sẽ quay lại. Tuy nhiên, tất cả chỉ là dự đoán, vàng trong nước bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố nên rủi ro sẽ rất cao.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, chia sẻ rằng gần đây, nhiều người quan tâm đến vàng khi thông tin lạm phát gia tăng nhưng chỉ nên mua vàng một ít làm tài sản bảo đảm. Theo phân tích của ông Nguyễn Ngọc Trọng, lực đẩy vàng cả trong và ngoài nước hiện nay chưa đủ mạnh để tạo thành một kênh tăng giá rõ rệt. Giá vàng thế giới những ngày qua vẫn chưa thể vượt qua mức 1.900 USD/ounce và vẫn đang chờ thông tin đủ mạnh để tăng qua mức này.
Giá kim loại quý trong nước biến động tách biệt khá xa thế giới, cộng thêm dòng vốn không đổ vào thị trường nên việc kỳ vọng mức giá SJC tăng lên 60 triệu đồng/lượng như hồi năm 2020 là điều khá khó cho dù giá quốc tế lên lại mức đỉnh trên 2.000 USD/ounce như hồi năm ngoái.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng
|
Mặc dù các quỹ đầu tư quốc tế tăng cường mua vàng, nhưng một số kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao, hấp dẫn và thu hút dòng vốn trên thị trường, chẳng hạn như chứng khoán. Vàng là tài sản an toàn, đầu tư có khả năng sinh lời, nhưng không phải kênh tạo ra lợi nhuận lớn để người có tiền “xuống tay” đổ tiền vào đây. Đối với thị trường vàng trong nước, người mua vàng còn gặp phải rủi ro hơn về giá. Giá kim loại quý quốc tế tăng 12%, còn trong nước chỉ tăng 3%, mức tăng này chẳng qua là thu hẹp lại khoảng cách chênh lệch giá trong và ngoài nước chứ hoàn toàn chưa hấp dẫn người mua tham gia nhiều, đó là chưa kể khả năng sắp tới giá thế giới tăng mà trong nước không theo kịp.
Thanh Xuân
Thanh niên
|