Bộ trưởng Y tế: Việt Nam vừa phát hiện chủng virus SARS-CoV-2 lai tạo mới
“Cơ quan y tế vừa phát hiện ra chủng SARS-CoV-2 mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói tại cuộc họp Chính phủ sáng nay.
Sáng 29-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã vào cuộc một cách quyết liệt và mạnh mẽ.
Dù vậy, ông Phạm Minh Chính cho rằng tình hình mới diễn biến phức tạp hơn. Chính vì thế, cần có biện pháp phòng chống dịch tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và thần tốc hơn mới đẩy lùi, kiềm chế việc bùng phát dịch, đặc biệt tại các thành phố, các khu công nghiệp lớn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP
|
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có báo cáo về tình dịch bệnh trong cả nước. Ông cho biết hiện nay xuất hiện nhiều ổ dịch lớn cùng một lúc ở một số tỉnh thành phố.
“Hình thái lây nhiễm nổi trội nhất trong thời điểm hiện nay là lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp ra cộng đồng và từ cộng đồng lây ngược lại khu công nghiệp” – ông Long nói.
Theo ông Long, qua giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Trong đó, chủng của Ấn Độ đang phổ biến nhất, chủng Anh chỉ có ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.
“Cơ quan y tế vừa phát hiện ra chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh” – ông Long nói và cho biết trên chủng Ấn Độ có những đột biến gen của chủng Anh.
“Đặc điểm của chủng này lây nhanh phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn” – ông Long nói tiếp.
Đối với việc bảo vệ các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng hết sức quan trọng để bảo vệ sản xuất.
Theo ông, chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát.
Do vậy, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong khu công nghiệp, phải lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh.
Đặc biệt, phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. “Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiêp phải được tăng cường. Cùng đó là tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp” – ông Long nói.
Về giãn cách xã hội, ông Nguyễn Thanh Long xem đây là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch. “Các địa phương đã rất chủ động thực hiện khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống ngươi dân” – ông Long nói.
Về chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, tuy nhiên nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có một loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3.
Theo ông Long, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19 trên thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết khoảng hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực để mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.
Đối với các lô vaccine về sớm nhất, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho hai địa phương này nhanh nhất có thể.
Theo công bố của Bộ Y tế, sáng nay có thêm 87 ca mắc COVID-19 trong nước, gồm 57 ca ở Bắc Giang, Bắc Ninh có 27 ca, Bạc Liêu, Gia Lai và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều mỗi nơi có một ca.
Các bệnh nhân ở Bắc Giang được ghi nhận trong khu cách ly và khu vực phong tỏa, liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp.
Bạc Liêu có ca bệnh đầu tiên được xác nhận là F1 của bệnh nhân COVID-19 liên quan ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở TP.HCM.
Những bệnh nhân mới tại Bắc Ninh, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) và Gia Lai đều thuộc diện F1, liên quan ổ dịch cũ, đã được cách ly.
Từ ngày 27-4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 3.594 ca mắc COVID-19 trong nước tại 33 tỉnh, thành phố. Bắc Giang vẫn là địa phương có số lượng người mắc cao nhất với 1.881 ca, tiếp đó là Bắc Ninh có 736 ca và Hà Nội có 356 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 90 ca, 50 ca ở Bệnh viện K).
8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Từ 29-4 đến nay, tổng số mẫu xét nghiệm ngành y tế đã thực hiện là 1.132.626 cho hơn 2 triệu lượt người.
Hiện tại, số người phải cách ly là 161.445. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 5.373 người, 32.404 trường hợp được cách ly tập trung tại cơ sở khác. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 123.668 người.
|
Tá Lâm
PLO
|