Thứ Sáu, 28/05/2021 09:00

Bất động sản - “Miếng bánh béo bở” thu hút nhiều doanh nghiệp lấn sân trái ngành

“Mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời” - Đó là quan niệm của nhiều nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường bất động sản. Nhưng liệu rằng câu nói đó có đúng cho những doanh nghiệp đi ngược lại với hoạt động cốt lõi, lấn sân sang mảng được cho là dễ kiếm ăn này? 

Việc đi lệch với ngành kinh doanh chính, bẻ lái sang lĩnh vực bất động sản sẽ là hướng đi tạo sự đột phá hay đó sẽ là con dao 2 lưỡi tiếp tục làm chùn bước chân của các doanh nghiệp như bài học mà các thế hệ đi trước để lại? Dịch Covid-19 xảy ra khiến giá trị nhiều bất động sản lao dốc. Khi thị trường ổn định, bất động sản được ví như một “món quà hời” thu hút túi tiền của những nhà đầu tư hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Mồi ngon” không được bỏ lỡ

Đơn cử như CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HOSEHAX), không dừng lại ở hoạt động bán lẻ xe hơi, đại lý chính hãng của Mercedes Benz Việt Nam đang nhen nhóm một mục tiêu cao hơn là kết hợp 2 trong 1, bất động sản với hoạt động bán xe sẽ tích hợp chung trong 1 dự án. Chính ông Đỗ Tiến Dũng - TGĐ HAX chia sẻ tại Đại hội: "Năm 2020, chúng tôi có đầu tư vào biệt thự biển tại Hồ Tràm. Vậy tại sao chúng tôi lại đầu tư vào đây? Đầu tiên mang tính chất đầu tư sẽ đem về lợi nhuận. Hiện tại, lợi nhuận mang về cũng tầm 10% nhưng chúng tôi có một ý nghĩ xa hơn là xây dựng biệt thự biển này thành khu nghỉ dưỡng Mercedes Home - nơi nghỉ dưỡng cho khách hàng của Mercedes. Chúng tôi sẽ bố trí toàn bộ biệt thự mang đậm dấu ấn của Mercedes và HAX sẽ dùng biệt thự đó để biến thành một điểm khác biệt so với các đại lý khác”.

Năm 2021, HAX cũng dự kiến sẽ mở rộng sang đầu tư bất động sản nhưng do ảnh hưởng của đại dịch nên giá đất hiện tại khá rẻ. HAX đã và đang khảo sát loạt dự án đất tại các tỉnh thành cho kế hoach triển khai sắp tới.

Hay như Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSETCM) cũng dự kiến sẽ tái khởi động lại dự án TC Tower. Được biết, dự án này đã nhiều năm trễ hẹn do chờ phê duyệt của Ủy ban Nhân dân TPHCM. Trong năm nay, TCM quyết tâm sẽ thực hiện, dự kiến thủ tục pháp lý sẽ hoàn thiện tầm 12-15 tháng và sẽ ghi nhận doanh thu lợi nhuận 2-3 năm sau. Ngoài ra, dự án của TCM nằm kế bên tuyến Metro, TCM hy vọng khi Metro triển khai doanh nghiệp cũng sẽ hưởng lợi nhiều từ dự án này. 

Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp dệt may này cũng khá ổn định và hiện đang đứng đầu nhóm có lợi nhuận quý 1/2021 tăng trưởng mạnh so với toàn ngành.

Bên cạnh phát triển ngành nghề chủ lực là thép, Quốc tế Phương Anh (UPCoM: PAS) cho biết sẽ tiếp tục chủ trương đa dạng hóa ngành nghề và đầu tư bất động sản là một trong những ngành nghề mà Công ty lựa chọn. Trong năm 2021, Công ty tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án để tiến hành đầu tư đón đầu khi tình hình Covid-19 được kiểm soát tốt và bất động sản bùng nổ.

Hiện, công ty đang sở hữu 2 mảnh đất 3,055 m2 tại khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng và căn hộ đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Giá ban đầu Công ty mua 56 tỷ đồng, hiện giá thị trường cao hơn rất nhiều so với thời điểm ban đầu. Trong thời gian tới, Công ty dự kiến đầu tư xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại và Chung cư trên khu đất này. Theo kế hoạch, PAS sẽ rót vốn 700 tỷ đồng đầu tư cho mảng này, lợi nhuận ước tính 100 tỷ đồng.

Tương tự, Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco, HOSEABS) cũng có kế hoạch mở bán dự án Thành phố sinh thái Năm Sao (Five Star Eco City) giai đoạn 2 (72ha) vào quý 3 và quý 4/2021 nên Công ty sẽ có khả năng thu thêm được lợi nhuận từ hợp đồng hợp tác kinh doanh bất động sản này. Đây được xem là dự án trọng tâm và là nền tảng cho ABS tiếp tục triển khai kế hoạch dài hạn năm 2020-2025, với phương án phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để xây dựng Trung tâm Thương mại và Khu căn hộ cao cấp tại dự án Thành phố sinh thái Năm Sao giai đoạn 1.

Hay như một doanh nghiệp chuyên về cơ điện lạnh là Kỹ nghệ Lạnh (HOSESRF) cũng định hướng Công ty con phát triển mảng bất động sản KCN. Ở lĩnh vực M&E và tổng thầu EPC, Công ty sẽ tìm kiếm thêm các chủ đầu tư hoặc các nhà thầu nước ngoài uy tín cùng đồng hành, xây dựng dự án. Đối với Arico (SRF sở hữu 84% vốn), Greenpan (SRF sở hữu 49% vốn), SRF sẽ lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược để phát triển mạnh mảng logistic, bất động sản khu công nghiệp. Ngoài ra, SRF cũng định hướng Seareal (SRF sở hữu 98% vốn) là một doanh nghiệp đầu tư bất động sản , trở thành mắt xích kết nối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, cùng với Searefico E&C, Arico và Greenpan trở thành hệ sinh thái cùng với tổng thầu EPC hỗ trợ nhau phát triển.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của SRF qua các năm trở lại đây không mấy tươi tốt với lợi nhuận giảm liên tục trong 5 năm trở lại đây. Kết quả quý 1 vừa công bố cũng khá thê thảm khi doanh thu thuần giảm 39% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 126 tỷ đồng do doanh thu từ mảng kinh doanh chính là công trình xây dựng và lắp đặt giảm đáng kể cũng như không còn ghi nhận doanh thu mảng cho thuê. Kết quả, lãi ròng tuột dốc 24% so với cùng kỳ, còn gần 6 tỷ đồng.

Bất động sản luôn là miếng mồi thu hút nhà đầu tư. Thiết kế: Tuấn Trần

“Nung nấu giấc mơ” với bất động sản khu công nghiệp

Tương tự, Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSEGIL) vừa công bố về chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex tại tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô dự án 461 ha. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2,614 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ đầu tư là hơn 392 tỷ đồng.

Chủ đầu tư trực tiếp của dự án là CTCP Khu công nghiệp Gilimex, công ty con của GIL được thành lập từ năm 2019. Theo BCTC mới nhất, GIL sở hữu 95% tỷ lệ biểu quyết ở công ty này.

Ngoài ra, GIL cũng đưa ra đề xuất đầu tư dự án Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi với diện tích 730 ha nằm dọc bên phải trục Bắc Nam phía Đông (nối cảng Dung Quất 1 và Dung Quất 2); phía Nam tiếp giáp với Khu công nghiệp Dung Quất 2 và phía Đông giáp với Khu đô thị Vạn Tường.

Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi dự kiến thu hút phát triển công nghiệp nhẹ, sạch, xanh, thân thiện với môi trường, các ngành áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao như điện tử tin học, chế tạo thiết bị phụ tùng cho các sản phẩm thuộc ngành thông tin viễn thông; kho vận chuyển, logistics.

Việc tham gia vào lĩnh vực này đòi hỏi GIL phải có nguồn vốn tốt. Có thể đó là nguyên nhân mà mới đây, GIL dự kiến sẽ phát hành 16.8 triệu cp với giá phát hành 35,000 đồng/cp nhằm bổ sung cho nguồn vốn hoạt động, kinh doanh của Công ty. Nếu thương vụ thành công, vốn điều lệ của đơn vị dệt may này sẽ tăng lên 600 tỷ đồng.

Khi mà hoạt động thường nhật là khai thác mủ cao su gặp khó khăn do nhiều yếu tố tác động, Cao su Phước Hòa (HOSEPHR) cho biết trên cơ sở quỹ đất hiện có, Công ty sẽ xin ý kiến chỉ đạo về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo lộ trình từ đất trồng cao su sang làm Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ và thực hiện các thủ tục, hồ sơ trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt chủ trương để thực hiện trong giai đoạn 2020-2025. Công ty sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai việc mở rộng KCN Tân Bình 1,055 ha (giai đoạn 2); làm chủ đầu tư 2 KCN (Hội Nghĩa 715 ha và Bình Mỹ 1,002 ha); Khu công nghiệp Tân Lập I (202 ha).

Hay như việc hợp nhất Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSEVGC) sẽ đem lại rất nhiều tiềm năng cho sự phát triển của Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, HOSEGEX). Sau hợp nhất, 2 bên kỳ vọng tiếp tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp với mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng số các KCN của VGC lên hơn 20 KCN, với trên 10 KCN mới có tổng diện tích tăng thêm từ 2,000-3,000 ha; duy trì mục tiêu phát triển quỹ đất khu công nghiệp dự trữ tối thiểu gấp đôi đất cho thuê hàng năm. Vừa mới đây, VGC đã được phê duyệt chủ trương đầu tư khu công nghiệp Thuận Thành I (Bắc Ninh) với quy mô 249.75 ha, tổng mức đầu tư hơn 3,000 tỷ đồng. Cùng với việc GEX cũng đã đầu tư vào KCN Dầu khí Long Sơn, triển khai các thủ tục pháp lý để mở rộng dự án 100 ha tại Tây Ninh lên 600 ha sẽ tạo ra nguồn quỹ đất lớn, tạo dư địa tăng trưởng bền vững cho Gelex.

Dự án Khu công nghiệp Thuận Thành I (Bắc Ninh)
Nguồn: VGC

Như vậy, việc hợp nhất VGC sẽ giúp GEX tạo ra giá trị cộng hưởng lớn xuất phát từ quy mô và lợi thế của các bên, mà rõ nhất là thực hiện chiến lược phát triển khu công nghiệp và các tiện ích đi kèm, phát triển bất động sản giá rẻ, nhà ở xã hội mà VGC đã sẵn có kinh nghiệm trong cả 2 lĩnh vực này.

Một doanh nghiệp đến từ nhóm ngành bán buôn hàng tiêu dùng, thực phẩm cũng góp mặt trong danh sách này là Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex, UPCoM: CLX). Trong hoạt động đầu tư dự án, CLX cho biết sẽ tiếp tục theo dõi kiến nghị về thủ tục đất đai và ý kiến các sở ngành về điều chỉnh công năng của dự án cao ốc Cholimex tại số 629B-631-633 Nguyễn Trãi, theo dõi tiến độ thi công và đưa vào khai thác các dự án tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, tiếp tục giải quyết các vướng mắc và quản lý ranh đất các thửa đất đã nhận chuyển nhượng tại dự án KCN Vĩnh Lộc mở rộng (56ha), dự án khu dân cư - tái định cư Vĩnh Lộc (44ha), triển khai thực hiện dự án KCN Vĩnh Lộc 3 (217ha) khi có chủ trương đầu tư. Theo đó, CLX cho biết không chia cổ tức năm 2021 để tập trung vốn cho việc đầu tư các dự án, hoạt động tài chính của Công ty.

Để có thể chuyển hướng và phát triển tốt một mảng nào đó, doanh nghiệp phải thực sự phát triển tốt những gì mà mình hiện đang làm, phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh và nguồn vốn dồi dào để triển khai đầu tư các dự án.

Đáng nói, nhiều doanh nghiệp chưa từng có kinh nghiệm lại dấn thân vào ngành được cho là “món ngon” không thể bỏ lỡ, để rồi nhận trái đắng như những lớp đi trước đã từng vấp phải? Đó chính là câu trả lời chỉ khi mọi chuyện vỡ lỡ doanh nghiệp mới nhận ra được mặt trái của thương vụ đầu tư này.

Quay lại quá khứ, có rất nhiều những doanh nghiệp từng là “ông lớn” trong ngành mình hoạt động nhưng chuyển hướng sang bất động sản đã nhận cái kết đắng như CTCP Thuận Thảo (UPCoM: GTT), CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (UPCoM: DP2)...

Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   HEC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (27/05/2021)

>   HEC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (27/05/2021)

>   DHT: Thông báo ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 (27/05/2021)

>   AMV: Nghị quyết Hội đồng quản trị (27/05/2021)

>   BAX: Thông báo ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 (27/05/2021)

>   CDN: Thông báo ký hợp đồng kiểm toán năm 2021 (27/05/2021)

>   DTD: Nghị quyết Hội đồng quản trị (27/05/2021)

>   FUEVN100: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 26/05/2021 (27/05/2021)

>   PTB: Thông báo và Nghị quyết HĐQT về ngày ĐKCC chốt DS trả cổ tức (27/05/2021)

>   ROS: Nghị quyết HĐQT về việc bầu Chủ tịch HĐQT và Biên bản họp BKS về bầu Trưởng BKS (27/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật