Thứ Tư, 21/04/2021 15:01

Xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 có thể cán mốc 600 tỷ USD

Kết quả xuất nhập khẩu quý 1 đã duy trì rất tốt và nhiều ý kiến cho rằng với tốc độ tăng trưởng hiện nay, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ đạt mốc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 600 tỷ USD.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù chưa kết thúc tháng đầu tiên của quý 2 nhưng giới phân tích vẫn cho rằng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm nay có thể cán mốc 600 tỷ USD.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Trần Thanh Hải -Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự đoán về hoạt động xuất nhập khẩu từ nay đến cuối năm cũng như những tác động tích cực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

- Trước những kết quả khả quan của hoạt động xuất khẩu trong quý 1 vừa quan, xin ông cho biết những dự đoán về hoạt động xuất khẩu từ nay đến cuối năm cũng như cơ hội từ các thị trường trong thời gian tới?

Ông Trần Thanh Hải: Kết quả xuất nhập khẩu quý 1 đã duy trì rất tốt và nhiều ý kiến cho rằng với tốc độ tăng trưởng hiện nay, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ đạt mốc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 600 tỷ USD.

Tuy nhiên, quãng thời gian từ nay đến hết năm cũng còn khá dài và vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi và chưa thể lường hết.

Do đó, cả cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội địa phương đến các doanh nghiệp đều không được phép chủ quan. Bởi yếu tố quan trọng nhất để giúp cho chúng đã đạt thành tích xuất nhập khẩu như vừa qua chính là nhờ kết quả chống dịch COVID-19.

Chính vì vậy, việc không lơ là, chủ quan trong chống dịch là một yêu cầu hết sức thiết yếu để làm nền tảng cho việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới.

Hiện nay nếu chỉ nhìn vào con số xuất nhập khẩu cho thấy thành tích của Việt Nam rất tốt vì tăng trưởng đang vượt quá kỳ vọng cũng như chỉ tiêu đặt ra.

Thế nhưng, các yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng này rất dễ bị tổn thương bởi nếu bùng phát dịch trở lại sẽ trở thành yếu tố gây ảnh hưởng, sụt giảm ngay hoạt động xuất khẩu.

Bởi thế, trong bối cảnh hiện nay không được phép quá lạc quan và không được phép chủ quan. Đấy là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Ngoài ra, cần nhận thức rõ được những diễn biến trên thị trường thế giới để có thể tranh thủ khai thác hết cơ hội, tiếp tục duy trì được thế mạnh xuất khẩu.

Còn về mặt thị trường, Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang hầu khắp thị trường, song khu vực châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.

Mặt hàng xơ sợi của Việt Nam được xuất khẩu sang Chile. (Ảnh: TTXVN)

Riêng khu vực châu Mỹ vẫn là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và tiếp theo là thị trường châu Âu. Còn các khu vực như châu Phi và châu Đại Dương tăng trưởng cũng tốt nhưng giá trị tuyệt đối hiện nay vẫn chưa lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là những căn cứ để doanh nghiệp có thể tận dụng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

- Thời gian qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được tận dụng tốt và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng là một trong những kỳ vọng sắp tới của Việt Nam. Ông nhìn nhận như thế nào về tương lai của các FTA này với nền kinh tế nếu RCEP có hiệu lực vào đầu năm 2022?

Ông Trần Thanh Hải: Có thể nói, các FTA trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những FTA được ký gần đây như CPTPP hay EVFTA đã đem lại tác động lớn, giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2020, Việt Nam đã cấp hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi cho các thị trường mà ta có các FTA, tăng 6% về trị giá và 9% về số lượng so với trước đây.

Điều này phản ánh tính tích cực của các FTA cũng như việc doanh nghiệp của Việt Nam đã tận dụng được lợi thế mà các hiệp định mệnh lại.

Đơn cử, với trường hợp của CPTPP, mặc dù không có Hoa Kỳ nhưng Việt Nam đã thúc đẩy xuất khẩu sang nhiều thị trường mới như Canada, Mexico, Peru rất tốt với mức tăng trưởng từ 15-20%. Đây là mức tăng trưởng đáng kể đối với những thị trường mà từ trước đến nay vẫn chưa khai thác được nhiều.

Riêng với Hiệp định RCEP, với sự tham gia của các nước ASEAN và đối tác của ASEAN, ngoại trừ Ấn Độ hiện nay vẫn chưa tham gia. Với các nước này, ngoài ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những hiệp định FTA riêng rẽ, tuy nhiên RCEP là bản vừa là nâng cấp vừa là đặt ra những yêu cầu cao hơn so với từng hiệp định riêng lẻ.

Đặc biệt, đây là một hiệp định tạo ra một khu vực thương mại tự do quy mô lớn nhất thế giới và sẽ khác với từng FTA mà ASEAN và Việt Nam đã ký với các đối tác trước đây.

Vậy nên, khi RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra những xung lực rất mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam vì hiện nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Á vẫn là một quan hệ rất quan trọng và đóng góp nguồn hàng lớn, nhất là về mặt nguyên liệu để giúp cho chúng ta có thể duy trì sản xuất và xuất khẩu thời gian vừa qua.

- Thưa ông, để duy trì đà tăng trưởng với hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có những hoạt động gì để hỗ trợ nhiều hơn doanh nghiệp trong thời gian tới?

Ông Trần Thanh Hải: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung đàm phán các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, do tác động của dịch COVID-19 nên Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, hội chợ trực tuyến cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì quan hệ giao thương với các nước.

Bên cạnh đó, việc cải cách thể chế, tiếp tục rà soát các vấn đề tồn tại, nhất là những thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về nhiều mặt, như là công nghiệp hỗ trợ cũng là trọng tâm mà Bộ Công Thương đẩy mạnh trong năm 2021.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin cũng như hỗ trợ về mặt thông tin cho các doanh nghiệp cũng là một yếu tố hết sức quan trọng mà Bộ Công Thương quan tâm trong suốt cả chặng đường từ nay đến cuối năm.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Uyên Hương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Khoảng 50% hộ gia đình ở TP.HCM có thân nhân là người Việt Nam ở nước ngoài (21/04/2021)

>   Cục Hàng không: 'Ga quốc nội Tân Sơn Nhất đã quá tải từ lâu' (21/04/2021)

>   LG chuyển hướng sang sản xuất đồ gia dụng tại Việt Nam (21/04/2021)

>   Vụ Gang thép Thái Nguyên: Kiến nghị khởi tố một số cán bộ thuộc VINAINCON (20/04/2021)

>   Bộ GTVT chỉ đạo khẩn cấp giải quyết ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất (20/04/2021)

>   Bắt giám đốc bán hóa đơn khống, thu lời bất chính hơn 1 tỉ đồng (20/04/2021)

>   68% doanh nghiệp phải hoãn, huỷ kế hoạch kinh doanh vì vướng thủ tục đất đai (20/04/2021)

>   Quy mô thương mại điện tử Việt Nam tăng rất nhanh, tới 2025 ước đạt 52 tỷ USD (20/04/2021)

>   Các dự án điện gió lâm thế tiến thoái lưỡng nan (20/04/2021)

>   Gói hỗ trợ lần 2: Doanh nghiệp mong gỡ "nút thắt" ở điều kiện thụ hưởng (20/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật