Dịch vụ
Vinaconex trình kế hoạch huy động khoảng 5,000 tỷ đồng, tập trung nguồn lực phát triển các dự án quy mô lớn
Nếu như việc tái cấu trúc các đơn vị thành viên được kỳ vọng gia tăng biên lợi nhuận hoạt động cho Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam Vinaconex (HOSE: VCG) thì các kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu dự kiến đem về cho Tổng công ty khoảng 5,000 tỷ đồng sẽ là nguồn bổ sung vốn quan trọng cho việc thực hiện các dự án lớn trong thời gian tới, giúp Vinaconex dần dịch chuyển cơ cấu lợi nhuận và doanh thu cân đối hơn giữa 3 lĩnh vực trọng tâm là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.
Đẩy mạnh tái cấu trúc, biên lãi được cải thiện
Kết thúc năm 2020, toàn hệ thống VCG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1,690 tỷ đồng, gấp 2.15 lần so với năm 2019. Trong đó lợi nhuận công ty mẹ chiếm phần lớn với 1,604 tỷ đồng. Bên cạnh sự ổn định, tăng trưởng của lĩnh vực xây lắp và bất động sản, hoạt động tài chính năm 2020 của Vinaconex đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Việc Vinaconex đẩy mạnh hoạt động thoái vốn tại một số công ty là một phần trong chiến lược tái cấu trúc để thu hồi vốn, tập trung cho các dự án có tiềm năng sinh lời tốt hơn, cũng như tập trung vốn để đẩy mạnh phát triển hệ thống các công ty thành viên nòng cốt. Cũng nhờ quá trình tái cấu trúc này mà biên lợi nhuận gộp của Vinaconex đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong năm vừa qua, với biên lãi gộp hợp nhất cả năm đạt 15.06%, tăng 1.27 điểm phần trăm so với năm 2019.
Việc một doanh nghiệp xây dựng đạt mức lợi nhuận ấn tượng trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ COVID-19, dù đến từ lĩnh vực nào cũng là một tin vui đối với các cổ đông. Và đáng mừng hơn nữa là có thể thấy những động thái mạnh mẽ của doanh nghiệp để thích ứng với tình hình thực tế, dần dịch chuyển cơ cấu lợi nhuận và doanh thu theo hướng cân đối hơn.
Trong mảng xây lắp, hiện nay Vinaconex đang tham gia một số dự án có giá trị lớn sử dụng vốn đầu tư công như các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (XL03 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, 04-XL đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, XL-14 đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45), Dự án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 …Đây là các dự án đảm bảo nguồn việc gối đầu và doanh thu, lợi nhuận xây lắp năm 2021 và các năm tiếp theo.
Trong mảng bất động sản, Vinaconex đang nắm giữ quỹ đất gần 2,000 ha trải dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên…. với các sản phẩm đa dạng từ bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, đến bất động sản khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và nhà đầu tư. Một số dự án trọng điểm của Vinaconex có thể kể đến như khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài (Quảng Ninh), dự án Cát Bà – Amatina (Hải Phòng), chung cư cao cấp 93 Láng Hạ (Hà Nội)…đều đã hoàn tất thủ tục đầu tư, đang triển khai thi công để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ giúp doanh thu, lợi nhuận các mảng xây lắp và bất động sản của VCG sớm tăng trưởng trở lại với biên lợi nhuận tiếp tục cải thiện so với giai đoạn trước.
Ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Vinaconex đã từng chia sẻ mục tiêu đưa doanh thu, lợi nhuận từ mảng xây dựng và bất động sản chiếm 70% tổng doanh thu, lợi nhuận của Vinaconex trong vòng 5 năm tới.
Gia tăng nguồn vốn cho các dự án mới với loạt kế hoạch huy động khoảng 5,000 tỷ đồng
Sau 2 năm thực hiện tái cấu trúc, năm 2021 sẽ là thời điểm bản lề để Vinaconex đẩy mạnh các dự án đầu tư, tạo ra những giá trị bền vững trong tương lai. Việc dòng tiền thặng dư và nguồn lực tài chính vững chắc hiện nay sẽ là bước đệm quan trọng giúp Vinaconex triển khai các kế hoạch kinh doanh trong năm 2021, và nguồn lực tài chính của Vinaconex sẽ còn mạnh hơn nếu hoàn tất các kế hoạch tăng vốn và phát hành trái phiếu trong thời gian tới.
Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tới đây, Hội đồng quản trị VCG dự kiến sẽ trình cổ đông phương án phát hành 2,000 tỷ đồng Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm bên cạnh kế hoạch phát hành 2,000 tỷ đồng Trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với giá chuyển đổi không thấp hơn 2 lần giá trị sổ sách.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị công ty cũng dự kiến trình cổ đông phương án chào bán gần 58.29 triệu cổ phiếu, tương đương với 14.485% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại ngày 31/12/2020 với giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách, theo đó ước tính số tiền của công ty có thể thu về từ đợt chào bán ít nhất vào khoảng 1,000 tỷ đồng. Triển vọng chào bán thành công của VCG được đánh giá cao khi thị giá cổ phiếu đang cao hơn khoảng 2.7 lần giá trị sổ sách giúp đảm bảo dư địa cho các cổ đông hấp dẫn thực hiện quyền góp thêm vốn vào doanh nghiệp.
Các kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu dự kiến sẽ đem về cho Vinaconex khoảng 5,000 tỷ đồng cùng với nguồn lực dự trữ hiện hữu sẽ đảm bảo nguồn lực tài chính cho Vinaconex trong việc thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn trong thời gian tới.
Tính đến cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản của VCG đạt gần 19,610 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giá trị tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn đạt 3,546 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản và tăng 54% so với đầu năm. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3,667 đồng, tăng hơn 2.5 lần so với 2019
FILI
|