Vietnam Airlines lỗ kỷ lục gần 5,000 tỷ đồng
Quý 1/2021, Vietnam Airlines lỗ kỷ lục 4,890 tỷ đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát tại Sân bay Tân Sơn Nhất hồi đầu tháng 2.
Trong 3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 7,460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp 3,869 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm trước chỉ lỗ 632 tỷ đồng.
Một trong những lý do ảnh hưởng nặng nhất Vietnam Airlines có thể là đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Sân bay Tân Sơn Nhất ngay trước Tết Nguyên đán – vốn là giai đoạn cao điểm của ngành hàng không. Tâm lý e sợ đã khiến người dân hạn chế tới sân bay.
Trong khi đó, các khoản chi phí tuy giảm nhưng không thể bù đắp tình trạng doanh thu ảm đạm của hãng hàng không với biểu tượng sen vàng.
Kết quả là Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 4,890 tỷ đồng trong quý 1/2021, đánh dấu quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Đặt lên bàn cân so sánh, khoản lỗ quý 1/2021 tương đương 45% khoản lỗ của cả năm 2020.
Kết quả kinh doanh quý 1/2021 của Vietnam Airlines
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Vay hơn 4,500 tỷ đồng trong quý 1
Cuối tháng 3, Vietnam Airlines ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm gần 195 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức âm 3,822 tỷ đồng của cùng kỳ. Nguyên nhân là do khoản phải trả tăng ghi nhận dương hơn 2,876 tỷ đồng. Phần tăng này nhiều khả năng đến từ khoản phải trả người bán và phải trả Interlines, tăng từ 9,094 tỷ đồng lên 12,181 tỷ đồng tại cuối quý 1/2021.
Nguồn: Báo cáo tài chính Vietnam Airlines
|
Về dòng tiền từ hoạt động tài chính, Vietnam Airlines ghi nhận khoản thu từ đi vay hơn 4,500 tỷ đồng trong 3 tháng vừa qua.
Nguồn: Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines
|
Cả thảy, lưu chuyển tiền thuần của hãng hàng không quốc gia chỉ âm gần 61 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 496 tỷ đồng.
Áp lực thanh khoản khổng lồ trong ngắn hạn, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 1,000 tỷ
Tình trạng mất cân bằng giữa tài sản ngắn hạn và nợ vay ngắn hạn đang rất trầm trọng.
Tại cuối quý 1, Vietnam Airlines ghi nhận tài sản ngắn hạn ở mức 7,862 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức hơn 2,076 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn lên tới hơn 37 ngàn tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 12.7 ngàn tỷ đồng. Do đó, hãng hàng không quốc gia sẽ phải chịu áp lực thanh khoản khổng lồ trong ngắn hạn.
Nguồn: Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines
|
Kết quả kinh doanh quý 1/2021 làm tăng lỗ lũy kế lên 14,219 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ. Điều này làm gia tăng nguy cơ hủy niêm yết nếu không sớm được khắc phục. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu cũng bị bào mòn, giảm từ 6,072 tỷ đồng xuống còn 1,031 tỷ đồng.
Gần đây, cổ phiếu của Vietnam Airlines (HOSE: HVN) cũng bị thêm vào diện cảnh báo vì lỗ lũy kế quá lớn trong năm 2020.
* Vietnam Airlines giải trình việc bị thêm vào diện cảnh báo
* Vietnam Airlines nối lại một số đường bay quốc tế từ 01/04
* Vietnam Airlines đề xuất bỏ vé 0 đồng
* NHNN tái cấp vốn tối đa 4,000 tỷ cho các TCTD để Vietnam Airlines vay
* Vietnam Airlines rót gần 10.000 tỷ đồng đầu tư vào sân bay Long Thành
* Chính phủ thông qua giải pháp 'cứu' Vietnam Airlines
Vũ Hạo
FILI
|