Transimex đặt kế hoạch lãi trước thuế 2021 tăng 20%
Bên cạnh kế hoạch lãi trước thuế 2021 tăng trưởng, CTCP Transimex (HOSE: TMS) dự kiến bổ sung thêm ngành chế biến, bảo quản, phân phối thịt và bán lẻ thuốc, dịch vụ y tế.
Trong năm 2021, TMS dự kiến đem về gần 3,315 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 3% so với thực hiện năm 2020. Ngược lại, chỉ tiêu lãi trước thuế lại tăng 20%, lên hơn 425 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất kể từ khi doanh nghiệp logistics này niêm yết trên sàn (04/08/2000).
Kết quả kinh doanh của TMS các năm trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
|
Năm 2021, TMS lên kế hoạch tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển logistics bền vững thông qua việc phát triển logistics xanh và hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics mở rộng địa bàn trên phạm vi cả nước, tập trung đầu tư vào ngành nghề cốt lõi của Công ty.
Ngoài ra, TMS sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh và thực hiện đầu tư giai đoạn 2 tại Trung tâm Logistics Thăng Long, tập trung phát triển kinh doanh và tái cơ cấu cả về dịch vụ (DV), tổ chức nhận sự tại các Công ty mà TMS đang là cổ đông chi phối tại Khu vực Hải Phòng như CTCP DV Vận tải và thương mại (TJC) và CTCP Cung ứng và DV Kỹ thuật Hàng Hải (MAC). Thêm nữa, TMS sẽ tham gia thực hiện dự án xây dựng Kho lạnh Vinatrans Hòa Cầm cũng như chuẩn bị cho việc khai thác dịch vụ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng…
HĐQT cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua mức trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 20% bằng tiền hoặc cổ phiếu. Trong năm 2020, TMS dự chi 163 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 20%. Trong đó, 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu.
Tình hình trả cổ tức của TMS trong 3 năm trở lại đây
Nguồn: VietstockFinance
|
Tiếp tục triển khai phương án chào bán 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi
HĐQT dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua đề xuất sửa đổi một số mục của đợt chào bán 2 triệu trái phiếu, tương đương vốn huy động là 200 tỷ đồng. Thay vì chào bán 2 triệu trái phiếu chia làm 2 đợt, TMS sẽ gom lại thành 1 đợt để phù hợp với tiến độ triển khai dự án, dự kiến thời điểm phát hành trong năm 2021 và 2022. Tỷ lệ chào bán là 40.72:1 (Cổ đông sở hữu 40.72 cp sẽ có quyền được mua 1 trái phiếu chuyển đổi) với giá 100,000 đồng/trái phiếu.
Trong trường hợp tỷ lệ chào bán thành công thấp hơn 70%, TMS sẽ thực hiện nâng tỷ lệ tài trợ bằng vốn vay của các dự án đầu tư, huy động vốn bổ sung thông qua phát hành trái phiếu trơn, kêu gọi các nguồn đầu tư hoặc điều chỉnh giãn tiến độ triển khai các dự án.
Năm 2020, TMS đã phát hành thành công trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6.9%/năm với tổng giá trị 150 tỷ đồng. Số tiền thu được chủ yếu đầu tư vào CTCP DV Logistics Thăng Long, hệ thống năng lượng mặt trời tại ICD Transimex, đóng mới sà lan…
Bổ sung ngành nghề mới
TMS cũng lên kế hoạch bổ sung ngành chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt để triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh cung cấp DV dây chuyền cắt thịt đông lạnh tại kho lạnh Trung tâm kho cảng ICD, bổ sung ngành bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế… để triển khai mở rộng hoạt động cung cấp DV lưu trữ, bảo quản và phân phối hàng hóa là dược phẩm.
Trong năm 2020, TMS ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng hơn 3,418 tỷ đồng và 313 tỷ đồng, đồng loạt tăng 46% so với thực hiện năm 2019. Theo TMS, mặc dù năm 2020 là năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các Công ty trong Tập đoàn vẫn cố gắng và đạt được kết quả tích cực. Tuy vượt 50% chỉ tiêu doanh thu nhưng lãi trước thuế vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đề ra (thực hiện được 96%) do TMS chưa hoàn tất việc chuyển nhượng Công ty TNHH MTV Trung tâm phân phối Transimex (đã tính trong kế hoạch về lợi nhuận tài chính trước đây).
Cổ phiếu TMS chốt phiên 09/04 tại mức 55,700 đồng/cp, tăng 49% qua 1 quý trở lại đây, khối lượng giao dịch bình quân hơn 74,000 cp/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu TMS từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Tiên Tiên
FILI
|