Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM ngày 22-4, đã thông qua nghị quyết về việc không tăng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2021 mà sẽ giữ nguyên hệ số giá đất như năm 2020 để ổn định tình hình kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi hệ số giá đất không tăng thì ngoài thị trường giá vẫn tăng từng ngày, đặc biệt là các huyện ngoại thành.
Một khu dân cư mới đang được xây dựng tại Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Anh Quân
|
Khi hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 vẫn được giữ nguyên thì hệ số giá đất cao nhất tại TPHCM là 2,5 lần so với bảng giá đất do UBND thành phố ban hành áp dụng cho giá đất kinh doanh thương mại dịch vụ ở khu vực 1. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần so bảng giá đất. Đối với hộ gia đình, cá nhân áp dụng hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực.
Theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 được UBND TPHCM ban hành, giá cao nhất ở các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) với mức 162 triệu đồng/m2 (giá thị trường ở các tuyến đường này hiện khoảng 800 triệu đồng/m2); giá thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2;
Giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở; giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2...
Dù hệ số giá đất vẫ được giữ nguyên nhưng giá đất ngoài thị trường vẫn tăng từng ngày. Theo khảo sát giá đất tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn được Công ty DKRA Việt Nam công bố cho thấy giá đất ở các huyện ngoài thành tăng từ 3 - 20% so với hồi cuối năm ngoái. Hiện giá đất tại các huyện này từ 45 - 92 triệu đồng/m2 (tùy theo khu vực).
Nguyên nhân tăng giá đất tại các huyện ngoại thành là do có thông tin về chủ trương đưa các huyện này thành quận trong vài năm tới. Ngoài ra, khi có thông tin về một số dự án lớn giới “cò” đất thổi giá tăng cao.