Tích lũy không theo kịp giá nhà
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn GIBC, phân tích nhiều căn hộ ở TP.HCM với giá xoay quanh 45 - 50 triệu đồng/m2 thì đại đa số người dân không thể tiếp cận được.
Giá nhà tại Việt Nam tăng vượt xa thu nhập của nhiều người dân. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
|
Hiện thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ dưới 3.000 USD/người/năm, thì hầu như chi phí cho những nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống và phần tích lũy còn lại rất thấp. Đó là chưa kể tốc độ tích lũy của người dân không theo kịp tốc độ tăng giá nhà.
Ngay cả số người ở TP.HCM có thu nhập cao hơn thu nhập trung bình của cả nước, muốn tiếp cận được nhà ở cũng chỉ ở tầm giá 25 - 30 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế các chủ đầu tư đều cho rằng khó làm được nhà ở với giá đó vì quỹ đất ít, thời gian thực hiện dự án dài.
“Cần phải có chính sách của nhà nước để có những giải pháp đồng bộ như làm thế nào chi phí thực hiện dự án giảm như đơn giản hóa thủ tục liên quan, đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cấp phép và quy hoạch quỹ đất phù hợp. Khi có quỹ đất thì kêu gọi đầu tư cho nhà ở giá thấp với chi phí cố định”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng như ở TP.HCM, quỹ đất hiện nay còn khá nhiều để xây dựng những căn hộ giá khoảng 30 triệu đồng/m2 như ở Bình Chánh, Hóc Môn. Ở những nơi đó, giá đền bù chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/m2. Nhưng các doanh nghiệp không mặn mà là do chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội (NOXH) đã đề cập nhiều, nhưng triển khai rời rạc và không đúng mục tiêu. Do vậy, để triển khai, cần có một kế hoạch tài chính dài hạn nhằm đảm bảo phát triển bền vững chứ không chỉ là kêu gọi phong trào.
Đối với kế hoạch cải tạo chung cư cũ, nên khuyến khích về mặt chỉnh trang đô thị hơn là kêu gọi làm nhà giá rẻ vì đất toàn nằm ở những vị trí đắc địa thì không thể có giá thấp.
Còn theo TS Đặng Hùng Võ, hiện quỹ NOXH của cả nước hầu như không còn sau khi chính sách hỗ trợ 30.000 tỉ kết thúc từ cuối năm 2016. Một số chính sách về NOXH hiện nay còn bất cập như yêu cầu dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất làm NOXH là không hiệu quả. Điều đó cũng góp phần đẩy giá nhà ở các dự án lên cao vì chủ đầu tư nào cũng tính luôn giá trị 20% đất đó vào tổng dự án. Đó là chưa kể các thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại giá cao.
Do vậy, ông cho rằng nên hỗ trợ phát triển nhà ở thương mại giá thấp sẽ linh động và phù hợp thực tế hơn. Chẳng hạn đưa ra quy hoạch quỹ đất để thực hiện nhà ở giá thấp và tại những điểm này, có thể miễn thuế chuyển mục đích sử dụng đất thì chủ đầu tư đã tiết kiệm được một phần chi phí lớn, từ đó giúp hạ giá thành nhà ở. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi dành cho các đối tượng phù hợp để mua nhà ở giá thấp. Không nên áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cho chủ đầu tư, vì điều đó phi thị trường và không mang lại hiệu quả.
H.Mai
Thanh niên
|