Thép Nam Kim lãi ròng 319 tỷ trong quý 1, biên lãi gộp tăng cao
Thị trường xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của Nam Kim trong quý đầu năm.
CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2021 với doanh thu thuần gần 4,853 tỷ đồng, tăng gần 98% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu là động lực tăng trưởng của Nam Kim trong quý 1/2021. Công ty ghi nhận doanh thu xuất khẩu tăng đến 165% so với cùng kỳ (chưa tính đến các khoản giảm trừ).
Cơ cấu doanh thu Nam Kim trong quý 1/2021
Đvt: Đồng
Số liệu chưa tính đến các khoản giảm trừ doanh thu. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 của Nam Kim
|
Giữa bối cảnh giá thép liên tục tăng cao, Nam Kim ghi nhận biên lãi gộp gần 12.6% trong quý đầu năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức 8.6% của cùng kỳ năm trước.
Biên lãi gộp Nam Kim trong giai đoạn 2019-2021
|
So sánh quý 1/2020 và quý 1/2021, chi phí bán hàng của nhà sản xuất tôn mạ này tăng từ mức 62 tỷ đồng lên đến xấp xỉ 173 tỷ đồng. Công ty không thuyết minh chi tiết về khoản mục này.
Nhu cầu tiêu thụ thép khả quan và giá thép tăng cao giúp Nam Kim báo lãi ròng gần 319 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua, gấp gần 7.7 lần kết quả cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Như vậy, chỉ sau một quý kinh doanh, Công ty đã thực hiện trên 53% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận dự định đặt ra cho năm 2021.
Nam Kim tăng mạnh tồn kho nguyên vật liệu trong quý 1/2021
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 của Nam Kim
|
Trong quý đầu năm, hàng tồn kho của Nam Kim tăng thêm 1,129 tỷ đồng, lên mức 3,500 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý. Mức tăng chủ yếu liên quan đến nguyên liệu, vật liệu mà nhiều khả năng phần lớn là thép cuộn cán nóng (HRC).
Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng gần 47% lên mức 1,786 tỷ đồng trong quý 1/2021. Công ty cũng chiếm dụng được nhiều vốn ngắn hạn, thể hiện qua việc ghi nhận các khoản phải trả người bán tăng từ 1,070 tỷ đồng lên mức xấp xỉ 2,480 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nợ vay ngắn hạn cũng tăng 22% lên mức 3,081 tỷ đồng.
Giữa lúc tình hình làm ăn khởi sắc, Nam Kim giữ lượng tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn lên đến gần 663 tỷ đồng tính đến cuối 1 (đầu năm là 45.5 tỷ đồng) để đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động.
Thừa Vân
FILI
|