TGĐ Lê Quốc Bình: “Nếu làm xong Fintech, nợ của CII sẽ về 0"
Sáng ngày 23/04/2021, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) đã tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Tại đây, Tổng Giám đốc (TGĐ) Lê Quốc Bình cho biết CII đặt mục tiêu làm thành công Fintech trong năm 2021-2022 và sẽ thu được hơn 10,000 tỷ đồng nếu làm xong dự án này.
*Tài liệu ĐHĐCĐ 2021 của CII
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CII diễn ra sáng ngày 23/04/2021
|
Năm 2021, CII dự kiến đem về 6,700 tỷ đồng doanh thu (tăng 24%) và 615 tỷ đồng lãi ròng (gấp đôi thực hiện năm trước).
Kết quả kinh doanh của CII các năm trở lại đây
|
Ông Lê Vũ Hoàng - Chủ tịch HĐQT CII cho biết: “CII bước vào năm 2021 với nhiều thuận lợi như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đạt gần 80% khối lượng, là cơ sở quan trọng để đưa dự án đi vào vận hành và thu phí trong năm 2021, dự án BOT mở rộng Xa Lộ Hà Nội chính thức đi vào thu phí từ 01/04/2021 và các dự án đầu tư phát triển bất động sản của Công ty đã hoàn thành hồ sơ pháp lý cần thiết, đi vào xây dựng và khai thác”.
Đây là lợi nhuận trước khi giảm trừ lợi thế thương mại do định giá lại khoản đầu tư vào Công ty con giai đoạn 2013-2018, bao gồm CII E&C, CII B&R và SII. Các khoản chi phí này chỉ hạch toán về mặt kế toán, không phát sinh dòng tiền thực chi. Do đó, lợi nhuận thực tế dự kiến đạt được trong năm 2021 của Công ty là 615 tỷ đồng. Với kế hoạch trên, EPS thực của CII đạt khoảng 2,570 đồng/cp.
Trong năm 2021, CII sẽ đầu tư các dự án trọng điểm như dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, các dự án BOT khác, dự án căn hộ chung cư D’Verano, BT Thủ Thiêm - Phần dự án điều chỉnh (bổ sung 4 cầu và hồ trung tâm), dự án 152 Điện Biên Phủ, các dự án bất động sản tại NBB…
“Chúng tôi đang thực hiện một deal với nhà đầu tư nước ngoài về ngành nước. Khả năng trong năm nay sẽ thoái bớt vốn tại CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water, HOSE: SII)”, ông Bình cho biết thêm.
Huy động vốn từ phát hành 1,600 trái phiếu để đầu tư dự án trọng điểm
Công ty dự kiến phát hành 1,600 trái phiếu kèm chứng quyền trong năm 2021 và dùng phần lớn nguồn vốn huy động để tiếp tục đầu tư vào các dự án trọng điểm hiện hữu như dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án KDC Sơn Tịnh… Đây là các dự án lớn và là nguồn thu quan trọng của Công ty trong thời gian tới.
Ngoài ra, CII sẽ tái cấu trúc dòng tiền các dự án BOT. Đối với dự án BOT đã đi vào vận hành và có doanh thu ổn định, CII sẽ sử dụng các sản phẩm tài chính linh hoạt để tái cấu trúc dòng tiền tương suất lợi nhuận, đồng thời có nguồn vốn để thực hiện tái đầu tư vào các dự án BOT khác. Trong năm 2021, một số dự án BOT trọng điểm của CII dự kiến bắt đầu triển khai thu phí hoàn vốn. Đây là cơ sở để CII tiếp tục làm việc với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tái cấu trúc dòng tiền cho các dự án này.
CII sẽ thu được hơn 10,000 tỷ đồng nếu làm xong dự án Fintech
Hiện, CII đang làm việc với các tổ chức tài chính lớn trong nước để nghiên cứu phát triển các sản phẩm đầu tư tài chính an toàn trên nền tảng Fintech nhằm tái cấu trúc toàn diện dòng tiền tương lai tất cả tài sản hiện hữu của Công ty. Đây sẽ là sản phẩm tài chính có quy mô lớn hơn nhiều so với các sản phẩm “tái cấu trúc dòng tiền” mà CII từng thực hiện.
Thông qua sản phẩm này, CII có thể huy động nguồn tiền nhàn rỗi lớn trong xã hội với chi phí vốn hợp lý hơn, qua đó giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp với các khoản vay tín dụng trong nước. Trước mắt, Công ty đặt mục tiêu thực hiện các gói trái phiếu lên đến 20,000 tỷ đồng, dựa trên nguồn trả nợ là dòng doanh thu từ các dự án BOT hiện hữu đã đi vào vận hành thu phí. Hiện tại, CII cũng đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu một số dự án BOT mới có tổng mức đầu tư đến hơn 40,000 tỷ đồng. Do vậy, việc phát hành thành công sản phẩm trái phiếu nói trên sẽ là cầu nối quan trọng giúp CII đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư ngày càng cao cho các dự án BOT trong tương lai.
Nói rõ hơn về Fintech, ông Bình cho hay: “Công cụ Fintech để nhà đầu tư có thể đầu tư trực tiếp qua Smartphone. CII đang làm việc với 4 ngân hàng tên tuổi và các đơn vị gồm CTCK, ví điện tử và bản thân CII sẽ lập ra 1 công ty Fintech. Công ty này sẽ trực thuộc CII, là cầu nối để các nhà đầu tư có tầm 3-5 triệu đồng có thể đầu tư. Chúng tôi sẽ thu phí 3-4%/năm. Sản phẩm này sẽ kết nối những người có tiền nhàn rỗi với dự án BOT của chúng ta. Nếu làm xong Fintech, nợ của CII sẽ về 0. Năm 2021-2022, CII đặt mục tiêu làm thành công Fintech và sẽ thu được hơn 10,000 tỷ đồng nếu làm xong dự án này”.
Không đạt kế hoạch 2020 do đâu?
Năm 2020, CII ghi nhận doanh thu thuần hơn 5,374 tỷ đồng, tăng 196% và lãi ròng gần 254 tỷ đồng, tăng hơn 73% so với năm 2019. So với kế hoạch, CII chỉ thực hiện được 93% chỉ tiêu doanh thu và 31% chỉ tiêu lợi nhuận 2020.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh năm 2020 âm 1,394 tỷ đồng, trong khi năm trước dương 135 tỷ đồng.
Ông Lê Quốc Bình - TGĐ CII chia sẻ với cổ đông: “Không đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2020 do tình hình pháp lý các phương án bế tắc, dẫn đến sự chậm chạp trong quyết định đầu tư. Năm 2020 là giai đoạn tích lũy dòng tiền đầu tư dự án. Trong giai đoạn tích lũy tài sản, dòng tiền kinh doanh không thể dương được. Sau này, bắt đầu từ năm 2022 trở đi, khi dự án triển khai xong và hoạt động thì chắc chắn dòng tiền sẽ dương”.
Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận bị kéo dài thời gian thi công do năm 2020 có đợt hạn mặn lớn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ngăn đập thì xà lang không đi vào được, vận chuyển bằng đường bộ thì chi phí rất cao. Nền đất của Đồng bằng Sông Cửu Long khá yếu. Gia tải thường là 9 tháng thì nay dời đến 12 tháng.
Theo ông Lê Vũ Hoàng: “Năm 2020, chúng ta cũng có bị ảnh hưởng từ dịch nhưng mức độ không lớn lắm. Mức xe lưu thông cũng chỉ giảm hạn chế. Ngoài ra, nhu cầu nước sạch cũng không biến động lắm. Trước đó, CII dự tính cho ra đời CII Land. Với dự án có sẵn của NBB, thay vì thành lập mới, ta biến NBB thành công ty con. Đây là giai đoạn chuyển biến của CII khi tập trung vào mảng bất động sản".
Tại sao tạm dừng trả cổ tức năm 2020?
Về vấn đề trả cổ tức năm 2020 vẫn chưa thực hiện, theo ông Bình, CII muốn chia cổ tức do dự án Thủ Thiêm về đích trong năm nay sẽ có dòng tiền. Tuy nhiên, dòng tiền về muộn, CII phải phát hành trái phiếu khiến chỉ số nợ tăng cao vào cuối năm 2020 nên các trái chủ buộc tạm dừng trả cổ tức cho cổ đông. Việc đàm phán với các đối tác nước ngoài tương đối khó khăn nên chưa thể nói khi nào có thể chốt quyền chia cổ tức được.
Trả lời ý kiến cổ đông về việc kiến nghị dùng lợi nhuận chia hết cổ tức, ông Bình cho hay: "Theo luật, để chia cổ tức phải trên cơ sở đảm bảo các nghĩa vụ nợ. Đồng thời, doanh nghiệp phải tích lũy tiền cho đầu tư. Nếu ai đảm bảo hết các điều này vừa chia hết cổ tức tiền mặt thì mời vào ban điều hành làm thay tôi. Do vậy, tôi với tư cách cổ đông, đề nghị giữ nguyên phương án chia cổ tức HĐQT trình".
Trong năm 2021, CII dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 12% và sẽ bổ sung thêm ngành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Đại hội cũng đã thông qua miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông John Eric và bà Nguyễn Lê Hoàng Yến kể từ ngày 23/04/2021 và thông qua số thành viên HĐQT là 7 người.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Tiên Tiên
FILI
|